Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:17 (GMT +7)
Chẩn đoán bệnh tật trước và sau sinh
Thứ 6, 17/02/2023 | 09:47:42 [GMT +7] A A
Đối với phụ nữ mang thai, việc chẩn đoán các bệnh tật trước và sau sinh hiện là phương pháp không còn xa lạ. Đây là các phương pháp y học hiện đại nhằm phát hiện kịp thời và chẩn đoán nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ, giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề trong quá trình phát triển về trí tuệ và thể chất sau này.
Sàng lọc trước sinh là siêu âm hình thái thai nhi, đo độ mờ da gáy khi tuổi thai từ 11 đến 13 tuần để phát hiện nguy cơ mắc hội chứng down và một số bệnh lý khác. Siêu âm hình thái và cấu trúc các cơ quan của thai nhi vào lúc tuổi thai từ 20 đến 24 tuần, nhằm phát hiện các bất thường của hệ thần kinh, hệ tim mạch, ở lồng ngực, dị tật của dạ dày - ruột, sinh dục - tiết niệu, xương...
Sàng lọc sơ sinh là lấy máu gót chân trẻ 48 giờ sau sinh, nhằm phát hiện một số bệnh như: Suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và một số rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.
Ở khu Khe Lẹ (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) mặc dù là nơi có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống, nhưng chị em ở đây đều cơ bản nắm rõ được hiệu quả và tầm quan trọng của phương pháp sàng lọc trước và sau sinh. Có được kết quả này là do sự vào cuộc tích cực của đội ngũ cán bộ dân số, cán bộ y tế đã bám sát địa bàn, tư vấn cho chị em.
Chị Chìu Tài Múi (thôn Khe Lẹ) cho biết: Tôi mới sinh con thứ 2 cách đây không lâu. Trong quá trình mang thai, tôi đã được cán bộ của Trạm Y tế xã đến tư vấn, hướng dẫn tỉ mỉ, động viên tôi đi khám thai đều đặn, nhất là những mốc khám thai quan trọng. Tôi cũng thực hiện khám sàng lọc trước sinh để giúp phòng tránh được những dị tật bẩm sinh cho con, nên thấy yên tâm hơn.
Chị Chu Thị Tuyên, cán bộ dân số Trạm Y tế thị trấn Bình Liêu cho biết: Để bà con nâng cao nhận thức, hiểu rõ được tầm quan trọng của việc chẩn đoán các bệnh tật trước và sau sinh, ngoài việc kết hợp tuyên truyền tại trạm trong những buổi tiêm chủng mở rộng, chúng tôi còn trực tiếp đến tận gia đình tư vấn theo từng nhóm đối tượng cụ thể, nên phần nào bà con đã hiểu được tầm quan trọng của phương pháp sàng lọc này.
Trong năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 1.000 buổi tư vấn lồng ghép tại các trạm y tế nhân ngày tiêm chủng mở rộng cho bà mẹ mang thai về nội dung sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; duy trì sinh hoạt CLB tiền hôn nhân hằng quý tại 177 xã, phường, thị trấn. Thông qua các hoạt động này, nhận thức của người dân về việc tham gia sàng lọc có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều chị em đã chủ động đến cơ sở y tế làm sàng lọc trước sinh, nhiều trường hợp xuất hiện dị tật thông qua sàng lọc đã được các bác sĩ hỗ trợ, tư vấn kịp thời.
Ông Nguyễn Xuân Tình, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Năm 2022, Chi cục đã xây dựng kế hoạch thực hiện với mục tiêu phổ cập tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, nhằm giảm thiểu số trẻ sinh ra bị bệnh tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Hiện 100% đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện đều triển khai cung cấp dịch vụ kỹ thuật sàng lọc trước sinh và lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh để sàng lọc theo cả 2 hình thức miễn phí và xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng. Hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, dân số các cấp cũng được ngành y tế quan tâm, cử tham gia các khóa đào tạo về siêu âm sàng lọc trước sinh, tập huấn kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh, tập huấn về kỹ năng tư vấn, vận động sàng lọc trước và sơ sinh.
Dự kiến mục tiêu năm 2023, tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất và tỷ lệ trẻ em sinh ra được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất tăng lên 5% so với năm 2022.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()