Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:40 (GMT +7)
Chân dung Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, người thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng
Thứ 2, 20/05/2024 | 15:33:40 [GMT +7] A A
Nhà lãnh đạo chính trị 63 tuổi này từ lâu đã được coi là người kế nhiệm hiển nhiên của Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có quyền lực cao nhất ở Iran.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi được cho là đã thiệt mạng sau khi chiếc trực thăng chở ông bị rơi ở tỉnh Đông Azerbaijan trong ngày 19/5.
Đoàn máy bay trực thăng hộ tống ông Raisi khi đó đang trên đường từ Khoda Afarin, nơi ông vừa tham dự lễ khánh thành một đập nước cùng với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev trước đó cùng ngày 19/5, di chuyển đến thủ phủ tỉnh Tabriz để dự lễ khánh thành một khu liên hợp hóa dầu. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và Thống đốc tỉnh Đông Azarbaijan Malek Rahmati cũng có mặt trên trực thăng chở Tổng thống Raisi.
Nhà lãnh đạo chính trị 63 tuổi này từ lâu đã được coi là người kế nhiệm rõ ràng của Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có thẩm quyền cao nhất ở Iran.
Là người có uy tín lớn, với mối quan hệ sâu sắc trong giới tinh hoa tư pháp và tôn giáo, Ebramhim Raisi – một chính trị gia theo đường lối cứng rắn và bảo thủ về tôn giáo – lần đầu tiên tranh cử tổng thống vào năm 2017 nhưng thất bại. Cuối cùng ông đắc cử tổng thống vào năm 2021.
Ông Raisi bắt đầu theo học tại Chủng viện tôn giáo Qom nổi tiếng khi mới 15 tuổi và tiếp tục theo học một số học giả Hồi giáo vào thời điểm đó.
Khi mới ngoài 20 tuổi, ông đã được bổ nhiệm làm công tố viên ở nhiều thành phố cho đến khi được cử làm Phó Công tố viên thủ đô Tehran.
Năm 1983, ông kết hôn với con một giáo sĩ Hồi giáo cấp cao, tên là Jamileh Alamolhoda và hai người có hai cô con gái.
Ông không được lòng phe đối lập Iran và vào năm 1988 còn bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với cá nhân. Năm 1989, ông Raisi được bổ nhiệm làm công tố viên Tehran sau cái chết của Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini.
Raisi tiếp tục thăng tiến qua các cấp bậc dưới thời người kế nhiệm Khomeini, là Lãnh đạo tối cao hiện tại Ayatollah Khamenei. Ông trở thành chủ tịch của Astan Quds Razavi, tổ chức tài trợ tôn giáo lớn nhất ở Iran vào ngày 7/3/2016, và điều này đã củng cố vị thế của ông trong nền chính trị Iran.
Tranh cử tổng thống
Raisi lần đầu tiên tranh cử tổng thống vào năm 2017 cạnh tranh với tổng thống đương nhiệm khi đó là Hassan Rouhani. Ông Rouhani đã giám sát quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới, hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Là người chỉ trích thỏa thuận năm 2015 – được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) – ông Raisi theo đường lối cứng rắn hơn Rouhani, người được coi là người ôn hòa trong hệ thống chính trị của Iran.
Sau thất bại, Raisi bắt đầu lên kế hoạch cho chiến dịch tranh cử tổng thống tiếp theo của mình. Vào tháng 6/2021, ông giành được 62% số phiếu bầu, nhưng kết quả bầu cử đã bị hủy bởi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn mức quy định với chỉ 48,8%.
Khi đó, JCPOA rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi Mỹ - dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump - đơn phương rút lui và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước này.
Đại dịch COVID-19 khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, với số người chết tại Iran vượt quá 97.000 người vào tháng 8/2021.
Các kết nối quan trọng
Uy tín của ông Raisi trong các nền tảng tôn giáo rất mạnh mẽ, với mối quan hệ vững chắc với Lãnh tụ quá cố Khomeini cũng như lãnh tụ hiện tại Khamenei, người đã bổ nhiệm ông vào một số chức vụ cấp cao.
Ông Raisi cũng đã nỗ lực duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nhánh của chính phủ, quân đội và lập pháp cũng như giai cấp thống trị thần quyền đầy quyền lực.
Tuy nhiên, ông đã phải lãnh đạo Iran trong thời điểm công chúng đang bất bình với mức sống ngày càng sa sút, một phần do các lệnh trừng phạt của phương Tây, và với các chính sách bị chỉ trích là ưu tiên quốc phòng hơn các vấn đề trong nước.
Vào cuối năm 2022, sự phẫn nộ của công chúng bùng phát sau cái chết của cô gái 22 tuổi Mahsa Amini trong trại giam của cảnh sát đạo đức Iran. Amini bị bắt giữ khi cô rời ga tàu điện ngầm ở Tehran cùng với các thành viên trong gia đình vì bị cáo buộc không tuân thủ quy định về bắt buộc đeo khăn trùm đầu Hồi giáo.
Các cuộc biểu tình đã gây chấn động Iran trong nhiều tháng, với những hình ảnh như phụ nữ cởi hoặc đốt khăn trùm đầu và cắt tóc để phản đối. Làn sóng biểu tình kết thúc vào giữa năm 2023 sau khi khoảng 500 người thiệt mạng khi lực lượng an ninh tiến vào để giải tán đám đông. 7 người sau đó bị xử tử vì vai trò trong vụ bất ổn.
Vượt qua bế tắc
Tức giận trước lập trường của Mỹ đối với JCPOA và việc các bên ký kết khác không thể cứu vãn Thoả thuận hạt nhân 2015, ông Raisi tuyên bố thách thức rằng Iran đang đẩy mạnh chương trình hạt nhân của mình, nhưng họ không quan tâm đến bom.
Gần đây hơn, ông đã lãnh đạo Iran vượt qua bế tắc với Israel khi hai nước lâm vào cuộc khủng hoảng tấn công trả đũa liên quan đến cuộc không kích nhằm vào khu vực lãnh sự trong khuôn viên đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria.
Iran vốn thẳng thắn lên án các cuộc tấn công của Israel nhằm vào dân thường Palestine ở Dải Gaza, và các đồng minh phương Tây của nước này. Đầu tháng 4, tòa nhà lãnh sự bên trong đại sứ quán Iran ở Damascus đã bị tấn công trong một cuộc tấn công được cho là do Israel thực hiện, khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có một tướng chỉ huy cấp cao và phó của ông ta.
Trong gần hai tuần sau đó, mọi phát ngôn của Tổng thống Raisi đều là chủ đề được theo dõi chặt chẽ khi thế giới chờ đợi phản ứng của Tehran. Vào ngày 15/4, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công có sự tham gia của hơn 120 tên lửa đạn đạo, 170 máy bay không người lái và hơn 30 tên lửa hành trình, nhưng hầu hết đều bị đánh chặn bên ngoài biên giới Israel. Cuộc tấn công này đã dẫn đến một phản ứng mang tính biểu tượng của Israel, tháo ngòi một cuộc chiến lan rộng trong khu vực.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()