Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:07 (GMT +7)
Cờ vua: Từ phong trào tới môn thể thao trọng điểm của Vùng mỏ
Thứ 7, 19/06/2021 | 09:34:03 [GMT +7] A A
Ngoài bóng đá, bóng chuyền, điền kinh..., cờ vua được phát triển khá sớm ở Vùng mỏ, được coi là môn thể thao trọng điểm với nhiều gương mặt từng làm rạng danh thể thao Vùng mỏ.
Năm 1978, cờ vua du nhập vào Việt Nam và được Tổng cục TDTT chấp thuận cho phát triển rộng rãi. Tại Quảng Ninh, cờ vua phát triển đồng thời với thời gian trên. Phát triển sâu rộng ban đầu là ở Cẩm Phả. Một số cán bộ Hội Cờ Việt Nam (nay là Liên đoàn Cờ Việt Nam) và ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Liên đoàn, trong những năm học ở nước ngoài đã tìm hiểu môn cờ vua, khi về nước đã hướng dẫn cho một số địa phương, trong đó có Cẩm Phả.
Từ những người tiếp cận đầu tiên là các VĐV cờ tướng, môn cờ vua nhanh chóng “bén duyên” và phát triển sâu rộng ở Cẩm Phả. Sẵn có phong trào, nền tảng, tư duy môn cờ tướng, số người chơi môn cờ vua tăng mạnh, trong đó có nhiều VĐV từ môn cờ tướng chuyển sang. Những VĐV đầu tiên đại diện cho tỉnh thi đấu tại Giải cờ vua toàn quốc năm 1980 cũng là những kỳ thủ nức tiếng Cẩm Phả thời đó là các ông Phạm Văn Tuyển, Nguyễn Thế Dũng. Cũng chính từ đây, nhiều lớp cờ nghiệp dư dành cho học sinh Cẩm Phả do chính các kỳ thủ đi trước, đào tạo đã được mở.
Ông Đàm Thuỷ, Hiệu phó Trường TDTT chia sẻ: Quả thật cờ vua xuất hiện sớm, tạo tiếng vang ở Quảng Ninh khi mà trong trường đại học còn chưa có, chưa đào tạo, địa phương chưa phát triển môn này. Điều tạo nên dấu ấn có lẽ chính là "chất lửa" trong phong trào.
Cờ vua "bén duyên" phát triển mạnh có sự đóng góp nhiệt huyết của các kỳ thủ như các ông Phạm Văn Tuyển, Nguyễn Khắc Hùng (cha đẻ và là người góp công đào tạo tài năng của con và cháu mình là Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Lê Cẩm Hiền); ngoài ra còn có các ông Vũ Xuân Quý, Vương Đức Thảo... Họ chính là những người thầy, HLV ban đầu cho các lớp cờ vua nghiệp dư của học sinh Cẩm Phả ngày đầu tiên. Về sau, chính họ và nhiều lớp HLV tài năng, có tâm khác đã gây dựng phong trào, cộng tác cùng Trường TDTT tỉnh phát triển môn cờ vua.
Nhận thấy tiềm năng môn thể thao này, Sở TDTT (nay là Sở VH-TT) xác định cờ vua là môn thể thao trọng điểm, đã sớm tuyển chọn, đào tạo một số VĐV có năng khiếu từ năm 1983; đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Thời đó, tỉnh chỉ có 2-3 chiếc đồng hồ đánh cờ do cá nhân sắm, tới năm 1987 toàn tỉnh đã có trên 40 đồng hồ, chỉ ít hơn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hội Cờ Việt Nam.
Phong trào cờ sau đó được nhân rộng, phát triển mạnh ở Tiên Yên, Yên Hưng (nay là Quảng Yên), Hòn Gai (nay là Hạ Long)... rồi nhanh chóng nhân rộng ra toàn tỉnh (năm 2007). Giai đoạn này, có thời điểm người chơi cờ rất đông, thường xuyên có trên 600 người tập luyện ở các CLB cờ vua; toàn tỉnh có trên 40 HLV nghiệp dư. Nhờ cách làm này, cờ vua Quảng Ninh liên tục khẳng định tên tuổi tại các kỳ Hội khoẻ Phù Đổng năm 1987 và năm 1992; giành được thành tích cao tại 4/5 kỳ Đại hội TDTT đầu tiên (từ năm 1985-2006). Đã xuất hiện nhiều gương mặt tạo nên danh tiếng cho cờ vua Quảng Ninh, như: Kiện tướng FIDE Phạm Thị Ngọc Thanh; Đại kiện tướng FIDE Nguyễn Anh Dũng, một trong 20 kỳ thủ có sức cờ mạnh nhất hành tinh; Nguyễn Lê Cẩm Hiền, Vô địch Cờ vua trẻ thế giới lứa tuổi U8...
Tỉnh tiếp tục động viên, phát triển các lớp cờ phong trào, nghiệp dư đặc biệt ở các địa phương. Trường TDTT tỉnh thường niên mở từ 3-5 lớp phong trào để tìm kiếm tài năng; các CLB, các mô hình cờ vua thông minh ở TP Hạ Long; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương được cấp phép, tạo điều kiện hoạt động để mở rộng tìm kiếm tài năng. Ngành TDTT phối hợp với ngành Giáo dục tỉnh phát động phong trào cờ vua trong học đường, đưa vào thi đấu trong Hội khỏe Phù Đổng; tổ chức các giải cờ Cúp Phát thanh truyền hình thường niên...
Cờ vua là môn được ưu tiên nhất đào tạo tuyến năng khiếu với chỉ tiêu thường niên là 25 học sinh, cao nhất nhất trong số 19 môn ở Trường TDTT tỉnh; số lượng giải được tham gia cọ sát cũng nhiều hơn. Ở tuyến thể thao thành tích cao, tỉnh ưu tiên đào tạo những VĐV tài năng trở thành các HLV như: Lê Thị Phương Liên, Nguyễn Anh Dũng... Một số ưu tiên khác được dành cho bộ môn, như số HLV nhiều hơn phần nhiều các môn khác (3 HLV); được thi đấu nhiều hơn, từ 6-7 giải trong đó có nhiều giải quốc tế...
Cờ vua Quảng Ninh đã được những thành công lớn; đang nỗ lực phát triển phong trào, củng cố bộ môn để vượt qua những thăng trầm, giai đoạn chuyển giao thế hệ, tiếp tục đưa cờ vua trở thành môn thể thao thế mạnh, trọng điểm của tỉnh.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()