Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 11:20 (GMT +7)
Để Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại Chất lượng nguồn nhân lực - Điều kiện tiên quyết để phát triển và hội nhập
Thứ 5, 09/06/2022 | 08:37:45 [GMT +7] A A
Để tận dụng các cơ hội và bắt kịp Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa cần “đao to búa lớn” mà cần phải bắt đầu ngay từ những việc đơn giản nhất, thiết yếu và bền vững nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhận thức được tầm quan trọng này, ngay từ nhiều năm trước Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp quan trọng để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập trong tình hình mới.
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển. Tầm nhìn chiến lược của Quảng Ninh là tạo bước phát triển đột phá, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Bởi vậy thời gian qua, song song với phát triển hạ tầng giao thông và cải cách hành chính, tỉnh luôn chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã định hướng phát triển, 3 khâu đột phá, 4 quan điểm giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Quá trình thực hiện, Quảng Ninh đã cụ thể hóa 4 định hướng chiến lược của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập phù hợp với điều kiện địa phương. Đó là gắn phát triển nguồn nhân lực với đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển nguồn nhân lực với quá trình dân chủ hóa, khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại; nâng cao chất lượng sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ; có chiến lược phát triển con người trên cơ sở một hệ thống chính sách đồng bộ hướng tới con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
Bằng việc giải quyết tốt các vấn đề này, tỉnh đã tạo được yếu tố nội sinh của nguồn nhân lực, tạo cơ sở bền vững cho phát triển và hội nhập. Theo đó, trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng, quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đó là: Tổ chức những lớp bồi dưỡng về quản trị trường học cho các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ; kết hợp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, đồng bộ để hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học.
Trong đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, Quảng Ninh có định hướng cụ thể về đối tượng gắn với nhu cầu, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng khả năng vận dụng thực tiễn sau đào tạo (bồi dưỡng cho bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố và người hoạt động không chuyên trách cấp xã; cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn như công nghệ, y tế, giáo dục, môi trường, nông nghiệp; bồi dưỡng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung) cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác du lịch, cán bộ địa phương biên giới...). Đồng thời, ưu tiên những ngành, nghề, lĩnh vực mà tỉnh cần đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp...
Hiện quy mô nguồn nhân lực của tỉnh có hơn 780.000 người (tăng 8,2% so với năm 2015). Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5% (tăng 8,9% so với năm 2015).
Những kết quả tích cực của công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã góp phần quan trọng thúc đẩy Quảng Ninh nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao và là tỉnh liên tục trong nhiều năm liền có tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng trong xu thế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, Quảng Ninh vẫn phải tiếp tục có những giải pháp đột phá hơn nữa để thu hút được người tài, người có kinh nghiệm, chuyên môn sâu, đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt một số lĩnh vực ngành nghề mới tỉnh đang tập trung thực hiện, như hàng không, du lịch đẳng cấp, logistics, CNTT trình độ cao phục vụ cho thành phố thông minh… Đây vẫn đang là thách thức lớn với Quảng Ninh.
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Quảng Ninh xác định chủ đề công tác năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Điều này một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt với công tác phát triển nguồn nhân lực. Về lâu dài, tỉnh đã và đang lên kế hoạch tổng thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT để phục vụ tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, trọng tâm đổi mới và hiện đại hóa các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn “nhân lực số” ngay từ trên ghế nhà trường; gắn chặt với việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức và phát triển kỹ năng số trong các cơ quan nhà nước và trong khu vực tư nhân. Đồng thời nhanh chóng nghiên cứu, tham mưu, ban hành và triển khai thực thi các cơ chế, chính sách tìm kiếm, thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực CNTT làm việc cho tỉnh.
Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, nhất là các ngành đang là thế mạnh của tỉnh, Quảng Ninh quan tâm xây dựng cơ chế chính sách đầu tư thoả đáng phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng cho giai đoạn 10 năm tới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục từ các cấp học phổ thông lên tới đại học, đặc biệt là các trường nghề, mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, các tập đoàn đã thành công ở Quảng Ninh. Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh sẽ có cơ chế thu hút, giữ chân người tài ở lại tỉnh lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh để cống hiến, sáng tạo.
Tin tưởng và kỳ vọng với quyết tâm đổi mới, sáng tạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, Quảng Ninh tiếp tục phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền móng quan trọng bứt phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()