Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:39 (GMT +7)
Chất vấn bộ trưởng: Ai nên ngồi "ghế nóng"?
Thứ 7, 16/11/2013 | 14:34:17 [GMT +7] A A
Trong khi vị này quả quyết là chỉ nên chất vấn vị tư lệnh ngành nào đang “có vấn đề”, thì vị khác lại cho rằng cần tạo điều kiện để bộ trưởng nào cũng được đăng đàn.
Dù có được chuẩn bị kỹ đến cỡ nào thì trước, trong và sau các phiên chất vấn của mỗi kỳ họp Quốc hội đều xuất hiện những ý kiến đánh giá nhiều chiều của không ít các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất, ngay từ khâu chọn người cho “ghế nóng” - đăng đàn trả lời trực tiếp.
Dăm người mười ý, chuyện dĩ nhiên. Đại biểu ở các địa phương khác nhau, các lĩnh vực công tác khác nhau thì có sự quan tâm khác nhau dẫn đến việc chọn người cũng khác nhau, càng không phải là chuyện lạ. Nhưng điều “lạ” là đã sắp qua kỳ họp thứ sáu mà “quy trình” chọn người để chất vấn vẫn còn không ít cấn cá.
Dù có được chuẩn bị kỹ đến cỡ nào thì trước, trong và sau các phiên chất vấn của mỗi kỳ họp Quốc hội đều xuất hiện những ý kiến đánh giá nhiều chiều của không ít các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất, ngay từ khâu chọn người cho “ghế nóng” - đăng đàn trả lời trực tiếp. |
Ở kỳ họp này, tại nhiều phiên thảo luận, không ít các vị đại biểu đã dành hai chữ "chấn động" để nói về vụ việc bác sỹ phi tang sau khi làm chết bệnh nhân cùng vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. Và, đây cũng được nhìn nhận như giọt nước làm tràn ly sau khá nhiều bức xúc ở các lĩnh vực này.
Cũng chứa một dấu hỏi lớn đối với mối lo ngân sách hụt thu trầm trọng nhưng bội chi nhiều, hoặc con số thực cùng độ an toàn thực về nợ công.
Thế nhưng, các vị tư lệnh các lĩnh vực nói trên đều không có tên trong danh sách dự kiến sẽ trả lời chất vấn trực tiếp được đoàn thư ký gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
5 vị được gợi ý để chọn 4 vị gồm bộ trưởng các bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Nhận được phiếu này, ứng xử của các vị đại biểu cũng rất khác nhau.
“Tại sao nhiều vấn đề nóng về y tế như thế mà Quốc hội có vẻ như là đứng ngoài cuộc? Đoàn Quảng Trị bọn mình nhiều người vẫn đề nghị chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Y tế”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến chia sẻ.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Trương Thị Huệ, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng và một số vị khác cũng cho biết rất muốn và đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế đăng đàn.
Cũng muốn đề xuất thêm thành viên khác của Chính phủ, song từ kỳ họp thứ Năm, khi phiếu xin ý kiến đã không còn mục để ghi đề xuất thêm thì một số vị vì “sợ”ghi tên người ngoài dự kiến sẽ “không hợp lệ” nên đành chọn trong danh sách sẵn có. Vậy nên, một mục dành để đề xuất thành viên Chính phủ khác, theo một số vị đại biểu là thực sự cần xuất hiện tại phiếu xin ý kiến.
Kỳ họp thứ tư cuối năm 2012 cũng đã ghi nhận việc một vị bộ trưởng không có tên trong danh sách dự kiến, nhưng lại nằm ở danh sách chính thức, do có nhiều đại biểu đề xuất.
Nhưng, ở kỳ họp thứ ba, đoàn thư ký kỳ họp cũng gửi phiếu đề xuất danh sách 7 vị bộ trưởng để các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến lựa chọn 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành. Song, hai trong bốn vị được nhiều đại biểu đồng ý nhất lại đã không xuất hiện trong danh sách chính thức. Điều này cũng khiến cho một số vị đại biểu đã không mấy “mặn mà” khi thực hiện quyền chọn người để chất vấn của mình.
Việc này ngay sau đó cũng đã được một vị đại biểu “phản biện” nhân một phiên thảo luận về vấn đề khác ngay trước thềm phiên chất vấn đầu tiên. Ông nói, “đã đưa ra thăm dò thì phải tôn trọng ý kiến đại biểu, bộ trưởng nào được nhiều đại biểu chọn nhất thì sẽ trả lời chất vấn”.
Trở lại chuyện của kỳ họp này, việc thiếu vắng mục dành cho đề xuất thêm nhân vật của “ghế nóng” được một số vị thành viên đoàn thư ký kỳ họp giải thích là do trước đó đã có văn bản đề nghị các vị đại biểu gửi chất vấn sớm để làm căn cứ chọn người trả lời chất vấn.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng thời là trưởng đoàn thư ký kỳ họp cũng nhấn mạnh là khi đưa ra danh sách các vị bộ trưởng, trưởng ngành xin ý kiến thì phải dựa trên câu hỏi chất vấn đã gửi của đại biểu.
Và, do Bộ trưởng Bộ Y tế có "câu hỏi không nhiều, xếp thứ tự chỉ đứng thứ 7, thứ 8 thôi cho nên không đưa vào danh sách 5 vị bộ trưởng để đại biểu Quốc hội lựa chọn".
Là người trong cuộc, song một số vị đại biểu cũng hơi bất ngờ trước lý giải trên.
Bởi, qua nhiều kỳ họp, việc chất vấn bằng văn bản vẫn được một số vị đại biểu thực hiện độc lập với việc chọn người chất vấn. Vì mỗi kỳ họp chỉ có khoảng 5 - 6 thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp, nên gửi văn bản chất vấn là để có thể hỏi cả những vị không được chọn đăng đàn, và để chất vấn những nội dung (có thể) không thuộc nhóm vấn đề được quyết định sẵn.
Hơn nữa, khá nhiều đại biểu từng tỏ rõ quan điểm là không muốn chất vấn bằng hình thức gửi văn bản mà chỉ muốn chất vấn trực tiếp. Cũng có vị chỉ chất vấn bằng văn bản mà chưa một lần nhấn nút để đối thoại trực tiếp.
"Đại biểu có nhận được văn bản đề nghị có chất vấn thì gửi sớm, chứ không phải đề nghị chọn người chất vấn", đại biểu Lê Như Tiến nói.
Bên cạnh số lượng câu hỏi đã gửi thì theo ông Phúc việc chọn ai trả lời chất vấn trực tiếp còn có yếu tố ưu tiên các bộ trưởng từ đầu nhiệm kỳ giờ chưa có dịp trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Vậy lý giải thế nào về việc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tại 3/5 kỳ họp có tổ chức chất vấn đều được chọn đăng đàn? Và kỳ thứ 5 đã trả lời, kỳ này lại tiếp tục? Một số vị đại biểu đặt câu hỏi như vậy.
Theo quan điểm của một số đại biểu đã ghi nhận được thì chọn người chất vấn phải căn cứ vào vấn đề đang được dư luận cả nước quan tâm, cần có câu trả lời rõ ràng và cấp bách về cả trách nhiệm và giải pháp.
Còn nói như đại biểu Tiến thì “có người không làm tốt thì kỳ họp nào cũng chất vấn, còn có người cả nhiệm kỳ cũng không cần chất vấn, đừng quan niệm là kỳ họp trước anh trả lời rồi thì lần này thôi”. Bởi thế ông Tiến cho rằng, cần có sự thay đổi quy trình chọn người chất vấn. Có vị đại biểu nói, đơn giản là cứ để tất cả các thành viên Chính phủ trong phiếu xin ý kiến, và chọn người theo kết quả từ cao nhất trở xuống.
Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng chất vấn không chỉ là vì lĩnh vực đó có vấn đề mà còn là cơ hội để các vị bộ trưởng trình bày kết quả cũng như khó khăn của ngành mình, đương nhiên vẫn quay lại cái gốc là xác định trách nhiệm.
“Trong lịch sử Quốc hội, đã có một vị là thành viên Chính phủ mà suốt cả nhiệm kỳ không có được cơ hội trình bày báo cáo hay phát biểu nào trong diễn đàn Quốc hội. Đến kỳ họp cuối cùng vị đó đã đề nghị cho được trả lời chất vấn. Một vị thành viên Chính phủ cả một nhiệm kỳ mà không được đại biểu quan tâm hỏi hay có cơ hội trình bày vấn đề của ngành mình trước quốc dân đồng bào, thì cũng cần suy nghĩ chứ?”, ông Phúc bày tỏ quan điểm.
Theo Thời báo kinh tế VN
Liên kết website
Ý kiến ()