Bài viết được cho là mô tả gốc rễ của thiếu sót về công nghệ ở Trung Quốc thời gian qua. Bất chấp chính sách và hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của nhà nước, sự đầu tư dồi dào từ tư nhân, Trung Quốc vẫn chưa thể đánh bại Mỹ trong việc tạo ra một chatbot AI tiên tiến như ChatGPT.
Nỗ lực về AI của Trung Quốc
Từ 2018, Trung Quốc chứng kiến sự xuất hiện của bốn "con rồng nhỏ" gồm Cloudwalk Technology, Megvii, SenseTime và Yitu - đều tập trung vào lĩnh vực nhận dạng hình ảnh AI. Trong khi đó, các sản phẩm thương mại được dán nhãn AI cũng đã tràn ngập thị trường.
Đến 2021, các doanh nghiệp Trung Quốc tuyên bố đã có 21 mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được tạo ra và ngang hàng với Mỹ. Theo Nvidia, LLM là mô hình AI chứa thuật toán có thể nhận dạng, tóm tắt, dịch, dự đoán và tạo văn bản, cũng như nội dung khác dựa trên kiến thức thu được từ các nguồn dữ liệu khổng lồ. Nhưng ChatGPT xuất hiện đã bộc điểm yếu của Trung Quốc.
"ChatGPT cho thấy mức độ hiểu biết về AI của Trung Quốc chậm hơn so với OpenAI", Zhou Hongyi, người sáng lập công ty an ninh mạng 360 Security Technology, nói tại sự kiện China Development Forum ở Bắc Kinh tuần trước.
Ngay sau khi ChatGPT xuất hiện, các công ty Trung Quốc đã cố gắng ra mắt mô hình tương tự. Tháng trước, Baidu tung ra Ernie Bot với chức năng giống công cụ của OpenAI. Một số cái tên nổi tiếng khác như Meituan cũng bắt đầu dự án mới để khám phá tiềm năng kinh doanh của trí tuệ nhân tạo.
"Sau nhiều năm phát triển, ngành công nghiệp Internet Trung Quốc lẫn phương Tây và Trung Quốc đều bão hòa và khao khát một hướng đi mới", nhà phân tích Bo Pei của Tiger Securities nhận xét.
Những rào cản
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc khó có thể gia nhập cuộc đua siêu AI trong một sớm một chiều. Việc thiếu kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật, cộng với hạn chế xuất khẩu của Mỹ về chip AI sẽ cản trở sự phát triển của một sản phẩm tương đương ChatGPT thực sự ở Trung Quốc.
Một trở ngại lớn nhất của Trung Quốc, theo giới chuyên gia, là tường lửa Great Firewall. Việc kiểm duyệt nội dung khiến các sản phẩm AI nước này bị giới hạn câu trả lời do thiếu dữ liệu đào tạo. Trong khi đó, chatbot như ChatGPT có kho thông tin lớn hơn rất nhiều.
"Việc kiểm duyệt chắc chắn ngăn cản khả năng của Trung Quốc trong việc phát triển một công cụ tương đương ChatGPT", Dahlia Peterson, làm việc tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown, nhận xét. "Ngay cả khi các công ty AI truy cập được vào nguồn dữ liệu toàn cầu, chính quyền Trung Quốc cũng hạn chế họ sử dụng chúng trong các câu trả lời của chatbot".
Trong quá khứ, việc kiểm duyệt giúp Trung Quốc tạo ra hàng loạt công ty có thể thay thế Google, Facebook như Baidu, Tencent, Weibo. Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu Third Bridge, nước này có thể mất 2-3 năm mới có thể tạo được một AI có chức năng bằng 80% ChatGPT. Rào cản này càng nới rộng khi OpenAI đã cho ra GPT-4 mạnh hơn GPT-3.5 tích hợp trên ChatGPT.
Thiếu chip AI là thách thức tiếp theo khiến tham vọng trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc gặp khó. Các hệ thống AI lớn của nước này hiện dùng mẫu chip từ Nvidia và AMD. Nhưng từ năm ngoái, Mỹ cấm những công ty này xuất khẩu loại chip mới nhất cho khách hàng Trung Quốc. Gần đây, Nvidia đã tìm cách "lách luật" bằng cách hạ hiệu năng xử lý trên chip để được bán cho đối tác.
"Sự phát triển AI của Trung Quốc có thể bị nghẽn bởi các hạn chế của Mỹ. Nút thắt cổ chai này khó giải quyết nếu Trung Quốc không tăng khả năng cung cấp phần cứng", Phelix Lee, nhà phân tích của Morningstar Asia, nêu.
Sản phẩm duy nhất của Trung Quốc được so sánh với ChatGPT hiện tại là Ernie Bot. Nhưng khi ra mắt, chatbot của Baidu được đánh giá kém xa so với đối thủ. Tháng trước, CEO Baidu Robin Li Yanhong thừa nhận Ernie Bot đã tụt hậu so với ChatGPT nhưng cũng nhấn mạnh AI của mình "không phải là công cụ để Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ".
Ý kiến ()