Theo The Next Web, châu Âu đang bộc lộ điểm yếu vì quá phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Sau khi ngừng các đường dẫn khí đốt từ Nga, họ tiếp tục mua lượng lớn tấm pin mặt trời của Trung Quốc. Rystad Energy, đơn vị chuyên phân tích lĩnh vực năng lượng, cho biết kho dự trữ tại châu Âu hiện có giá trị lên đến 7 tỷ euro, có thể tạo ra 40 gigawatt công suất điện và dự kiến còn tăng hơn gấp đôi lên 100 gigawatt cuối 2023.
Đây không phải hệ quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine mà do các quy định về năng lượng xanh ở châu Âu. Lục địa này đặt mục tiêu 45% tổng năng lượng có nguồn gốc từ mặt trời và gió, đồng thời 40% pin mặt trời phải được nội địa hóa, tính đến 2030.
Tuy nhiên, bất chấp kế hoạch đầy tham vọng, các mô-đun sản xuất tại châu Âu không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ. Trong hai năm 2021-2022, số pin từ Trung Quốc xuất sang đây tăng 112%, tương ứng 87 gigawatt công suất điện. Ngoài ra, tốc độ lắp đặt không như dự kiến cũng khiến tỷ lệ tồn kho tăng thêm.
"Châu Âu khao khát sở hữu hạ tầng năng lượng mặt trời với mức giá phải chăng nhằm phục vụ mục tiêu về năng lượng tái tạo. Dù nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng nội tại, nhu cầu về pin mặt trời không cho phép họ đợi tới 2025 hoặc muộn hơn để mua từ nguồn bên ngoài", Marius Mordal Bakke, nhà phân tích của Rystad Energy, nói.
The Next Web cho rằng các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang rơi vào thế khó. Họ có thể chờ năng lực sản xuất nội địa tăng lên nhưng sẽ chậm trễ nhu cầu chuyển đổi xanh, hoặc tiếp tục nhập pin mặt trời và chịu phụ thuộc vào Trung Quốc. Các nước châu Âu được cho là đang muốn chọn cách thứ hai.
Các tấm pin mặt trời Trung Quốc đang hiện diện ở nhiều nước như Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Pháp, Hy Lạp, Italy và Anh. Hà Lan dẫn đầu danh sách với lượng pin nhập khẩu tạo ra 45 gigawatt điện, gấp 10 lần công suất pin mặt trời sản xuất trong nước.
Trong 5 năm qua, chi tiêu của châu Âu cho năng lượng mặt trời tăng bốn lần, từ 5,5 tỷ euro năm 2018 lên hơn 20 tỷ euro. Trong đó, họ mua từ Trung Quốc số pin trị giá 18,5 tỷ euro, tương đương 91% tổng chi phí nhập khẩu cho loại năng lượng này, riêng năm 2022.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc đang thống trị về sản lượng polysilicon - nguyên liệu quan trọng cho việc chế tạo thiết bị quang điện. Nếu xét trên chuỗi cung ứng toàn cầu, sức ảnh hưởng của Trung Quốc càng rõ hơn: sản xuất 88% polysilicon, 85% thành phần pin mặt trời và 97% tấm mỏng bảo vệ lõi pin. Kết quả, giá pin mặt trời tại quốc gia tỷ dân chỉ bằng hai phần ba so với châu Âu.
Các chuyên gia lo ngại sự mở rộng nhanh chóng của ngành công nghiệp pin mặt trời sẽ tác động xấu tới môi trường. Trong nhiều năm, Trung Quốc dùng nguồn điện từ nguyên liệu hóa thạch để vận hành các nhà máy sản xuất pin, khiến tăng lượng phát thải khí nhà kính.
Ý kiến ()