Cảnh sát Bangladesh hôm nay cho biết hỏa hoạn bùng lên tại nhà máy thực phẩm và đồ uống Hashem tại Rupganji, một thị trấn công nghiệp ở ngoại ô thủ đô Dhaka, vào chiều 8/7. Ngọn lửa hoành hành suốt 24 giờ sau đó.
Cảnh sát ban đầu cho hay có ba người chết. Con số này tăng lên khi lực lượng cứu hỏa tiếp cận tầng trên và đưa hàng chục thi thể công nhân mắc kẹt ra ngoài. Tờ Dhaka Tribune hôm nay cho hay ít nhất 52 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong đám cháy.
Thi thể cháy đen của nhiều nạn nhân được đưa lên xe cứu thương, chuyển tới nơi chôn cất giữa tiếng gào khóc đau khổ của thân nhân và người dân xung quanh. Cảnh sát đã giải tán hàng trăm người hiếu kỳ có mặt tại những tuyến đường gần nhà máy.
Thanh tra cảnh sát Sheikh Kabirul Islam cho hay trong hơn 30 người bị thương, một số người đã nhảy thoát thân từ trên tầng cao xuống, khi ngọn lửa nhấn chìm tòa nhà 6 tầng.
Lực lượng cứu hộ đã chiến đấu để kiểm soát ngọn lửa ở tầng 4 và tầng 6, giải cứu 25 người trên mái nhà của nhà máy sản xuất nước ép trái cây, mỳ và kẹo.
"Khi hỏa hoạn được kiểm soát, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và cứu hộ bên trong. Lúc đó mới có thể xác nhận số người tử vong cuối cùng", Debashish Bardhan, phát ngôn viên cơ quan cứu hỏa, cho biết.
Dino Moni Sharrma, giám đốc sở cứu hỏa Dhaka, cho hay ngọn lửa khởi phát từ tầng một và lan lên các tầng trên vì bên trong nhà máy lưu trữ nhiều hóa chất và nhựa dễ cháy.
Mohammad Saiful, một công nhân thoát chết, cho hay hàng chục người đang ở bên trong nhà máy lúc lửa bùng lên.
"Ở tầng ba, cửa ra vào hai cầu thang đều bị khóa. Nhiều đồng nghiệp khác cho biết bên trong có 48 người. Tôi không rõ chuyện gì xảy ra với họ", anh nói.
Mamun, một công nhân khác, cho hay anh cùng 13 người nữa chạy lên mái nhà khi lửa bùng lên ở tầng trệt, khói đen bao trùm nhà xưởng. "Lính cứu hỏa dùng dây thừng đưa chúng tôi xuống", anh nói.
Khói đen tiếp tục cuồn cuộn bốc lên từ nhà máy, nhiều người chờ đợi bên ngoài, mong ngóng tin người thân.
"Chúng tôi ở đây chờ vì gọi điện cháu tôi không nghe máy. Giờ điện thoại còn không đổ chuông nữa. Chúng tôi rất lo lắng", Nazrul Islam nói.
Ý kiến ()