Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 18:43 (GMT +7)
Chế độ Hibernate có giúp máy tính tiết kiệm điện hơn Sleep không?
Thứ 6, 29/07/2022 | 12:15:07 [GMT +7] A A
Windows có hai tùy chọn chính để tắt máy nhưng không thật sự… tắt là “Sleep” và “Hibernate”. Giữa chúng hiển nhiên có một số khác biệt quan trọng, nhưng tùy chọn nào sử dụng ít điện hơn?
Khác biệt giữa Sleep và Hibernate
Trước khi đi sâu vào vấn đề tiêu thụ điện, hãy nói về lý do tại sao Microsoft lại trang bị cho Windows hai chế độ riêng biệt này. Cả hai đều không tắt hoàn toàn máy tính của bạn, nhưng chúng làm những việc rất khác nhau.
Sleep về cơ bản là “chế độ năng lượng thấp”. Trạng thái của máy tính được lưu vào bộ nhớ, còn các phần khác của máy tính thì bị tắt đi, cho phép bạn quay lại với những gì đang làm trước khi tắt máy một cách vô cùng nhanh chóng. Chế độ Sleep giống như một giấc ngủ chớp nhoáng vậy.
Hibernate thì lưu trạng thái hiện tại của máy tính vào ổ cứng thay vì bộ nhớ. Khi bạn bật máy tính lên lại, nó sẽ nạp trạng thái đã lưu ngược vào bộ nhớ. Bởi trạng thái này được lưu vào ổ cứng, máy tính về cơ bản có thể tắt hoàn toàn mà vẫn đảm bảo cho phép bạn quay lại công việc đang dang dở một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, khởi động máy từ chế độ Hibernate sẽ lâu hơn một chút so với từ chế độ Sleep.
Chế độ Sleep thường được dùng khi bạn rời đi một thời gian ngắn, trong khi Hibernate phù hợp hơn với các tình huống như đi ngủ qua đêm. Cả hai đều tiết kiệm điện hơn hẳn so với việc để máy tính chạy trong khi bạn không hề sử dụng.
Chế độ nào tốn điện hơn?
Đọc xong phần trên, bạn có lẽ đã đoán được câu trả lời rồi: Hibernate tiết kiệm điện hơn Sleep. Nhưng sự khác biệt có đáng kể không? Chỉ có một cách để tìm hiểu thôi.
Máy tính đang hibernate sẽ sử dụng cùng mức năng lượng như khi đã tắt hoàn toàn. Như đã đề cập, đó là lý do tại sao khởi động máy từ Hibernate tốn thời gian hơn. Dù cả Sleep và Hibernate về mặt kỹ thuật vẫn là chưa tắt máy hoàn toàn, nhưng ở chế độ Sleep, máy “tỉnh” hơn Hibernate. Do đó nó cũng dùng nhiều điện hơn.
Để kiểm chứng, các chuyên gia đã cắm máy tính vào một ổ cắm thông minh có chức năng đo điện. Khi bật máy lên, lượng điện sử dụng từ khoảng 40W đến hơn 100W. Ở chế độ Sleep, con số này giảm xuống còn khoảng 4W. Trong khi đó, chế độ Hibernate chỉ dùng 0,2W, và thậm chí là 0W.
Rõ ràng, cả hai chế độ đều tiết kiệm điện hơn là để máy tính chạy như thông thường. Chế độ Sleep không dùng nhiều điện, nhưng Hibernate thậm chí còn dùng ít điện hơn nữa. Do đó hãy dùng Hibernate nếu bạn muốn tiết kiệm điện tối đa. Đừng tắt máy tính làm gì cho mất công!
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()