Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 21:47 (GMT +7)
Chè Vân Bản Sen
Chủ nhật, 01/03/2020 | 13:54:57 [GMT +7] A A
Cuối tháng 2 vừa qua, khi tôi có dịp đến xã đảo Bản Sen (huyện Vân Đồn) để tìm hiểu về việc chống dịch Covid-19 ở xã, anh cán bộ xã mời tôi chén trà rồi giới thiệu: "Trà Vân Bản Sen đấy, uống sẽ thấy khỏe người, nhất là trong thời điểm này cần gia tăng sức đề kháng chống chọi với dịch bệnh".
Theo những người cao tuổi ở xã Bản Sen kể lại thì xưa kia, cây chè Vân mọc hoang trên khắp các đảo của huyện Vân Đồn. Chè Vân có từ hàng trăm năm nay, từng được các bậc quan lại, quý tộc, những người nho nhã rất ưa chuộng. Sản phẩm trà Vân đã vượt biển đến nhiều nơi trong nước. Xã Bản Sen không có thôn hay địa danh nào gọi là Vân, nhưng lại nổi tiếng với chè Vân, nhiều người đoán chữ Vân có lẽ là chữ đầu của tên huyện Vân Đồn. Theo tài liệu của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh là đơn vị sản xuất trà Vân, có trụ sở tại thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn), trà Vân sau khi được chế biến từ búp chè là thức uống bổ mát lành và là thuốc quý của người dân Bản Sen từ bao đời nay. Chè Vân có chứa nhiều nhóm chất theaflavin và thearubigin co khả năng chống ô xy hóa rất tốt, đặc biệt giúp ngủ tốt, tốt cho tim mạch, ổn định huyết áp, chống béo phì, giảm nồng độ đường trong máu và giúp cơ thể chuyển hóa đường nhanh hơn.
Sản phẩm Trà Vân Bản Sen của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh. |
Việc chế biến chè Vân thành sản phẩm trà theo phương pháp truyền thống qua nhiều công đoạn. Chè được phơi héo, sau đó được ủ bằng phương pháp truyền thống, đến khi lá chè chuyển từ mầu xanh sang mầu đỏ thì bỏ ra sao trên bếp lửa, cuối cùng phải phơi hoặc sấy một lần nữa thì mới được.
Ông Phạm Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Sen, bảo rằng: “Từ những năm 40-50 của thế kỷ trước, ở xã đảo Bản Sen có ông Phạm Văn Thiện là Chủ tịch đầu tiên của xã đảo, đã chỉ đạo bà con ở xã thu gom cây chè Vân từ trên rừng rồi trồng trên diện tích 10ha tại khu vực thôn Bản Sen. Ông Đạt được coi là người khởi đầu cho việc phát triển giống chè Vân trên địa bàn". Vào những năm 70 đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ở xã Bản Sen có HTX Cam - Chè trồng chè Vân trên diện tích lên đến gần 100ha. Thời ấy, chè Vân được tiêu thụ rất mạnh cho các thị trường trong và ngoài tỉnh mà tạo nên thương hiệu chè Vân từ thời kỳ đó. Đến khi nhà nước chuyển đổi từ bao cấp sang kinh tế thị trường, thì HTX Cam - Chè được tách ra cho các hộ sản xuất. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, do kinh tế thị trường có nhiều biến động, nghề nuôi trồng thủy sản ở Bản Sen chiếm ưu thế, các hộ đều lao vào nuôi trồng thủy sản vì nó cho thu nhập cao hơn nhiều. Cây chè Vân bị lãng quên, không được chăm sóc và trở thành giống như cây hoang trong rừng. Đến nay, diện tích chè Vân trên địa bàn xã Bản Sen ước tính chỉ còn khoảng 2ha, phân bố rải rác ở các thôn Đồng Gianh, Nà Sắn, Bản Sen.
Chè Vân được trồng ở vườn đồi gia đình ông Phạm Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Sen. |
Hiện nay, trên địa bàn xã Bản Sen chỉ có 20 hộ trồng và thu hái chè Vân, tổng số lượng toàn xã hàng năm cũng chỉ được vài tấn. Từ năm 2005, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn đã cho triển khai dự án phát triển chè Vân. Tuy nhiên, do người dân đang tập trung vào nuôi trồng thủy sản nên chưa mặn mà với loại cây trồng này. Năm 2015, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã đến tìm hiểu, khảo sát về phát triển giống chè Vân – Bản Sen. Gần đây nhất vào cuối tháng 2 vừa qua, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh đã có buổi họp với UBND xã Bản Sen về phát triển cây chè Vân trở thành sản phẩm đặc sản của xã, dự kiến sẽ phát triển diện tích chè ở xã từ 2ha hiện nay lên 30ha với 50 hộ dân tham gia. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh sẽ hỗ trợ người trồng chè giống, phân bón ban đầu và sẽ thu mua sản phẩm chè khi bà con được thu hoạch.
Từ những nỗ lực này, hy vọng Bản Sen sẽ dần khôi phục và phát triển được giống chè Vân, loài chè quý, được nhiều người ưa chuộng xưa nay.
Anh Vũ
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()