Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 03:23 (GMT +7)
Chị đẹp lép vế trước anh trai, anh tài: Nhạc Việt dương thịnh âm suy?
Thứ 3, 03/12/2024 | 07:38:31 [GMT +7] A A
Sau các game show âm nhạc 'anh trai' mở đường cho một nền công nghiệp thần tượng giải trí, người ta kỳ vọng Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 2 sẽ tận dụng con đường ấy để đi tiếp và đi xa hơn.
Nhưng qua những màn biểu diễn đầu tiên, triển vọng ấy có vẻ xa vời.
Dường như ta có thể kỳ vọng về một chương trình được thảo luận sôi nổi nhưng để tạo nên hiện tượng "đuôi dài" (long tail, một thuật ngữ kinh tế do doanh nhân Chris Anderson đặt ra để nói về sức bán của một sản phẩm vẫn duy trì theo thời gian) như Anh trai vượt ngàn chông gai thì khó hơn.
Tạo thần tượng nữ ở Việt Nam khó khăn hơn?
Lý do ban đầu khá rõ ràng: những tiết mục của Chị đẹp đến thời điểm này vẫn đang trôi tuột qua, chưa để lại ấn tượng nào.
Làm mới những ca khúc cũ luôn là át chủ bài trong những game show thế này. Nhưng những ca khúc được chọn ra ở đây lại chưa đủ… cũ, để khi làm mới người ta cảm nhận được sự mới mẻ.
So với những tiết mục cực kỳ giải trí, vô cùng khó đoán, xứng đáng được xem đi xem lại với âm quyển liên tục mở rộng tới nhiều biên thùy thể loại như Trống cơm, Áo mùa đông - Trở về, Mẹ yêu con, Đường xa ướt mưa - Đừng qua lối đó… của các anh trai thì những màn biểu diễn của Chị đẹp được dàn dựng thiếu ý tưởng, qua loa hơn và đôi khi còn hơi na ná nhau.
Ai cũng biết Mỹ Linh, Thu Phương hay Bùi Lan Hương là những giọng ca tuyệt vời nhưng nếu những màn trình diễn chỉ làm nổi bật được đúng điều đó thì không cần tới Chị đẹp ta cũng biết rồi.
Đã đành là vậy nhưng phải chăng sự lép vế của Chị đẹp so với Anh trai còn đến từ việc tạo nên một thần tượng nữ ở Việt Nam hiện nay cũng khó khăn hơn?
Từ sau Mỹ Tâm, nhạc Việt chưa có một thần tượng nữ nào thực sự có sức ảnh hưởng với văn hóa đại chúng.
Trong khi đó các hiện tượng về nam thần tượng tuy không nhiều nhưng luôn có: Sơn Tùng M-TP, Jack (trước bê bối đời tư), HIEUTHUHAI và bây giờ là dàn "anh trai vượt ngàn chông gai".
Chị đẹp lép vế vì... sức hút giới tính?
Thực tế phần lớn các nền công nghiệp thần tượng trên thế giới, ở buổi sơ khởi đều bắt đầu từ các thần tượng nam.
Ở Nhật Bản, trước thập niên 1970 sự du nhập của nhạc rock từ phương Tây cũng dẫn đến sự thống trị nam giới, trước khi những "cô gái nhà bên" như Momoe Yamaguchi đại diện cho sự tươi mới, trong sáng và niềm lạc quan của một nước Nhật đang rạng rỡ trở lại sau giai đoạn hậu chiến tạo nên cơn sốt bùng nổ các thần tượng nữ.
Điều tương tự cũng xảy ra trong lịch sử nhạc đại chúng phương Tây. Những Elvis Presley hay The Beatles tạo nên tường thành.
Vào thời kỳ bùng nổ của The Beatles chẳng hạn, Cilla Black là bạn của họ và cô cũng là một nữ thần tượng rất nổi tiếng, nhưng nếu so với cơn sốt mà The Beatles tạo ra thì không thể ngang bằng.
Các siêu sao nữ như Madonna hay Britney Spears phải đợi tới thập niên 1980-1990 mới xuất hiện.
Việc các thần tượng nam thường mở đường cho văn hoá thần tượng đến từ sự thật rằng khán giả tiêu tiền cho văn hóa thần tượng chủ yếu là nữ, mà sức hút giới tính là một trong những cốt lõi tạo nên cái gọi là "thần tượng".
Đó là chưa kể những rào cản định kiến khác, khi các sao nữ thường bị soi mói nhiều hơn về phẩm hạnh.
Một ví dụ điển hình trong lịch sử nhạc đại chúng là Mick Jagger và Janis Joplin. Cả hai cùng nghiện rượu, sống hoang dại, tận hưởng khoái lạc nhưng Mick Jagger thì được coi là nổi loạn, còn Joplin lúc sinh thời vẫn bị coi là tự hủy.
Có lẽ cũng chỉ vì Jagger là đàn ông, còn Joplin là phụ nữ. Hay quay về Việt Nam trong khi Chị đẹp luôn bị điều hướng vào "drama" vặt vãnh thì ở Anh trai, người ta chỉ thấy tình anh em sáng ngời.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()