Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 06:15 (GMT +7)
"Chìa khóa" giải quyết việc làm cho lao động địa phương
Thứ 3, 05/04/2022 | 08:23:30 [GMT +7] A A
Quảng Ninh không phải là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp, song người dân sinh sống ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo trên địa bàn có số lượng lớn. Vì vậy, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), qua đó, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế.
Tạo việc làm ổn định
Thời gian qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách riêng hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề nông thôn. Cụ thể như Quyết định 1139/2017/QĐ-UBND quy định hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp trên địa bàn tỉnh; Quyết định 35/2018/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung danh mục nghề khuyến khích đào tạo; Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh... Việc ban hành các chính sách thể hiện sự quan tâm sâu sát của tỉnh cho công tác đào tạo nghề cho LĐNT, thu hút các đối tượng tham gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế.
Cùng với tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động, tư vấn học nghề, mở các lớp đào tạo... Để nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT, các địa phương đã kết nối với doanh nghiệp tổ chức đào tạo theo vị trí việc làm; tập huấn cho cộng tác viên xã hội tại các thôn, khu về chính sách dạy nghề; xây dựng, sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp với điều kiện mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, quản lý dạy nghề thường xuyên được đào tạo, kiểm tra, đánh giá đảm bảo đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu. Vì vậy, việc đào tạo nghề cho LĐNT đã giải quyết được nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Anh Lương Văn Ngọc (thôn Đông Kinh, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) là một trong số những lao động có thu nhập ổn định nhờ tham gia học nghề. Trước đây, toàn bộ diện tích vườn của gia đình, anh Ngọc đầu tư trồng cây đào cảnh. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, nên sau 5 năm vườn đào của anh đã thoái hóa, nhiều cây bị cằn cỗi, cho thu nhập thấp. Sau khi học xong lớp trồng, chăm sóc cây ăn quả, có thêm kiến thức, nắm chắc kỹ thuật, năm 2018, anh Ngọc quyết định trồng 300 gốc bưởi Diễn. Trừ chi phí, anh thu lợi 70-100 triệu đồng mỗi năm.
Anh Ngọc chia sẻ: Sau khi học xong lớp trồng, chăm sóc cây ăn quả, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng vào sản xuất, qua đó, diện tích cây ăn quả của gia đình luôn phát triển tốt, năng suất cao, thu nhập ổn định. Đối với những thanh niên trẻ, các lớp đào tạo nghề có vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thời gian tới, tôi sẽ tham gia thêm các lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà Tiên Yên, ong mật, ngan đen... để mở rộng quy mô sản xuất.
Cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT, các cơ sở đào tạo nghề cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nguyện vọng của người dân, nhu cầu của doanh nghiệp, định hướng phát triển của địa phương, tích cực phối hợp với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm...
Đơn cử như Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, đơn vị tuyển sinh, đào tạo, cung ứng phần lớn lao động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, thay vì tuyển dụng lao động các tỉnh Tây Bắc như trước kia, hiện nay nhà trường đã phối hợp với TKV tập trung khai thác thị trường lao động khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhà trường đã ký quy chế phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động, thu hút lao động tham gia các khóa đào tạo. Bên cạnh đó, 100% giáo viên đều đạt chuẩn hóa theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, 100% học sinh được đào tạo và tổ chức cho thi tốt nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, 100% học sinh tốt nghiệp đều có việc làm ổn định tại các đơn vị của TKV.
Anh Trần Văn Dũng (khu Co Nhan, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) cho biết: Trước đây, tôi đi làm thuê bốc vác, phụ xây... Dù làm việc vất vả song đồng lương ít ỏi, trang trải nhiều chi phí, cuộc sống khó khăn. Vì vậy, khi TKV và Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam về tuyển sinh tại địa phương, tôi đã đăng ký tham gia. Không chỉ được đào tạo cấp bằng khai thác hầm lò, tôi còn được tạo điều kiện làm việc tại Công ty CP Than Mông Dương. Gắn bó với công ty được 4 năm, giờ đây, tôi đã có đồng lương ổn định, đảm bảo trang trải cuộc sống, xây được căn nhà khang trang.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, “trao cần câu” và dạy “cách câu”, đào tạo nghề cho LĐNT ít nhiều đã có được những kết quả thiết thực. Nhiều LĐNT đã có thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp dạy nghề. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT của tỉnh cũng còn một số những tồn tại như: Công tác hỗ trợ giải quyết việc làm khi kết thúc khóa học cho LĐNT có kết quả chưa cao, trong tổng số người phát huy được hiệu quả sau đào tạo, phần lớn là do người lao động tự tạo việc làm. Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm tại chỗ; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn.
Một số Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được đầu tư trang thiết bị dạy nghề, nhưng chưa phát huy hiệu quả thiết bị đã đầu tư, vẫn còn cơ sở được đầu tư thiết bị lại chưa tham gia dạy nghề cho LĐNT. Thêm vào đó, đội ngũ giảng viên ở cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp tỉnh đã được đào tạo bài bản, nhưng một số còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn tại cơ sở, dẫn tới phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Không những thế, đội ngũ giảng viên ở các trung tâm bồi dưỡng cấp huyện chủ yếu là giảng viên kiêm nhiệm, trình độ sư phạm chưa cao, nên khả năng truyền đạt thông tin còn hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vân Đồn, cho biết: Thời gian qua tỉnh và huyện đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho trung tâm khang trang hơn, tuy nhiên chưa được đồng bộ. Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề thời gian tới các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm đầu tư trang thiết bị hơn nữa, đặc biệt là các thiết bị dạy nghề. Hiện nay, trung tâm có các phòng học, xưởng thực hành cho học nghề và học văn hóa nhưng thiết bị đào tạo nghề lại chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, trung tâm chưa có giáo viên đào tạo nghề chuẩn trình độ trung cấp nghề, mà chỉ đào tạo trình độ sơ cấp nên vẫn thực hiện việc liên kết đào tạo.
Dự báo trong thời gian tới nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT là rất lớn theo hướng đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; khả năng thu hút đầu tư phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã... ngày càng cao. Để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì công tác đào tạo nghề cho LĐNT là hết sức cấp bách. Đây là khâu đột phá nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; từng bước nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động có chuyên môn, kỹ thuật.
Đào tạo nghề cho LĐNT được xem là “chìa khóa” thành công cho nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia. Với những kết quả đã đạt được của Quảng Ninh, hy vọng trong giai đoạn tiếp theo sẽ khắc phục những tồn tại để tăng tỷ lệ đào tạo nghề cho LĐNT; qua đó, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững của địa phương.
Thu Trang - Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()