Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 04:35 (GMT +7)
"Chiến dịch Quang Trung"
Thứ 5, 29/01/2015 | 13:14:41 [GMT +7] A A
Tết Nguyên đán 2015 đang cận kề, đoàn người đổ về huyện Vân Đồn thời điểm này khá đông. Có những người đến để chọn đặt đào Tết, vùng này nhiều năm nay vốn đã nổi tiếng với nhiều thế đào đẹp; lại có những người đến chùa Cái Bầu để đi lễ cuối năm, tạ ơn thần linh một năm làm ăn gặp nhiều may mắn. Trong những đoàn người ấy còn có cả những cán bộ, tình nguyện viên của “Chiến dịch Quang Trung” về Vân Đồn tăng cường, tham gia tuyên truyền, vận động GPMB cho các dự án động lực tại huyện. Và tôi, đã có một buổi tham gia cùng đoàn đến xã Đoàn Kết để chuẩn bị mặt bằng khởi công Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh.
Cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất TP Cẩm Phả tăng cường cho "Chiến dịch Quang Trung" thực hiện vận động, kiểm kê, GPMB tại thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn. |
Con đường nhỏ dẫn vào xã Đoàn Kết tuy không xa nhưng rất khó đi vì nhiều ổ gà và bị phủ bùn đất đỏ ngàu từ công trường thi công đường giao thông trục chính đấu nối các khu chức năng. Cơn mưa cuối đông bất chợt đổ ào khiến con đường càng trở nên lầy lội, trơn như đổ mỡ, bánh xe của chúng tôi thỉnh thoảng lại bị trượt, tay lái loạng choạng. Mặc cho lớp lớp hạt mưa như cố cản bước, sau gần 30 phút lách từng “ổ gà”, đợi từng chuyến xe nhường đường qua, chúng tôi đã đến được UBND xã Đoàn Kết.
Đón chúng tôi, anh Trần A Hùng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Vân Đồn động viên: “Chiến dịch Quang Trung” là vậy đó, dù nắng hay mưa, ngày nào cán bộ của chiến dịch cũng vượt qua quãng đường bụi bặm và trơn trượt này để “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng chuẩn bị cho khởi công Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh". Tôi hỏi: “Ngày nào cũng phải đi như vậy sao?”; “Vâng, ngày nào cũng phải đi, không phải chỉ đi một lần mà có ngày vài ba lần. Sáng đến nhà này thấy khóa cửa thì lại sang nhà khác rồi chiều quay lại. Khi trở về, quần áo ai cũng giống ai, đỏ ngàu bởi bụi, bùn đất.” Quả vậy, chúng tôi đi xe ô tô mà bùn đất còn phủ kín cả thành xe, huống gì các anh, lặn lội, bám từng tuyến đường, đến từng hộ dân bằng chiếc xe máy, quần áo chung một mầu đỏ bụi và bùn đất cũng đúng thôi.
Sau gần một giờ mưa rả rích, cơn mưa bắt đầu tạnh, chúng tôi lên đường cùng anh Trần A Hùng và tổ công tác của “Chiến dịch Quang Trung” đến vận động và trả tiền GPMB tại một số hộ dân thôn Khe Ngái. Con đường bê tông quanh co dẫn vào thôn hằn những vệt bánh xe bám đầy bùn đất. Chỉ tay về phía một vạt đồi anh Hùng tự hào giới thiệu: Sau này, đây sẽ là đường băng, còn kia là khu vực đỗ máy bay của Cảng hàng không. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát động “Chiến dịch Quang Trung” thật sự là bước đột phá, đã nhận được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị không chỉ của huyện mà còn là của tỉnh, thậm chí có những tổ chức còn cắt cử cán bộ, ăn ngủ, thường trực tại huyện để trực tiếp tham gia vận động, tuyên truyền người dân sớm bàn giao mặt bằng.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng “Chiến dịch Quang Trung” kiểm tra công tác GPMB dự án Cảng hàng không Quảng Ninh tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn. |
Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh phải thu hồi gần 300ha đất, liên quan đến 277 hộ gia đình và các công trình. Đặc biệt, trong đó còn có hơn 400 ngôi mộ phải di chuyển trong thời gian ngắn trước Tết Nguyên đán 2015. Nếu không, công tác GPMB phải chậm đến cả nửa năm vì phải đợi sau Tết Thanh minh. Bởi lẽ, theo quan niệm người dân địa phương, không ai di chuyển mồ mả vào dịp đầu năm cả. Đây chính là áp lực nặng nề nhất đối với tổ tuyên truyền, vận động của “Chiến dịch Quang Trung” song hành cùng phương châm “Thần tốc – Linh hoạt – Sáng tạo – Hiệu quả”. Do vậy, dù khó khăn đến mấy, tổ tuyên truyền, vận động của chiến dịch vẫn phải quyết tâm hoàn thành, không quản nắng mưa, đặc biệt là mặt bằng liên quan đến các phần mộ để đảm bảo dự án Cảng hàng không Quảng Ninh được triển khai đúng tiến độ.
Chúng tôi đến nhà ông Lý Thương Mại, thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn. Ngôi nhà mái bằng tuy không được khang trang, nhưng với một thôn nghèo như Khe Ngái, vài chục mét mới có một mái nhà thì nhà ông Mại đã thuộc diện khá giả của thôn. Trước khi vào thăm, anh Hùng dặn chúng tôi: Phải đến lần thứ ba ông Mại mới đồng ý nhận tiền đền bù. Vào đó, lời ăn, tiếng nói phải khéo kẻo ông ấy tự ái, từ chối thì lại công toi. Chúng tôi không ai nói với ai, nhưng có lẽ đều có chung suy nghĩ: Tốt nhất là không nói gì, chỉ nghe và quan sát để cán bộ vận động. Khi đó, trên sân đã có gần chục người, già trẻ, lớn bé đủ cả, đợi cán bộ đến trả tiền đền bù. Ký vào biên bản bàn giao mặt bằng và nhận tiền, ông Mại nói: Sống ở đây quen rồi, giờ phải chuyển nhà, gia đình tôi cũng có nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, nghĩ đến việc dự án sẽ tạo động lực cho Vân Đồn phát triển, đồng nghĩa là đời sống của bà con nhân dân chúng tôi được nâng cao nên chúng tôi cũng đồng tình với chủ trương chung. Chỉ mong thời điểm hiện tại, chính quyền dành thời gian để chúng tôi tìm chỗ ở tạm, vì hiện nay để có chỗ ở mới là rất khó. Khi đã có chỗ ở mới, chúng tôi sẽ lập tức di chuyển ngay để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Rời nhà ông Mại, tổ công tác đến thêm một vài hộ dân nữa tại thôn Khe Ngái, cơ bản đều nhận được sự đồng tình sau khi được gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ của “Chiến dịch Quang Trung”. Chúng tôi gặp ông Trương Văn Tiến, người thôn Đồng Cậy, xã Đoàn Kết, là gia đình hiện có 19 ngôi mộ phải di chuyển trước Tết Nguyên đán đang đi đến UBND xã Đoàn Kết để nhận tiền đền bù. Ông Tiến cho biết: Nhận được thông báo của chính quyền, trong gia đình cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Song từ sự vận động, giải thích của cán bộ, gia đình chúng tôi hoàn toàn đồng tình với dự án xây sân bay. Gia đình tôi đã họp Họ để thống nhất, khảo sát nghĩa trang mới tại thôn Tràng Hương, chuẩn bị chọn ngày chuyển các cụ về đó. Vị trí nghĩa trang mới rất đẹp và thuận lợi, có thể nói đây là khu vực “sơn giao, thủy tụ”, hi vọng các cụ sẽ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát tài.
Ông Trương Văn Tiến (ngoài cùng bên phải), thôn Đồng Cậy, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn nhận tiền đền bù. |
Có thể nói, đến thời điểm này, công tác bồi thường GPMB cho Cảng hàng không Quảng Ninh đang được triển khai thuận lợi. Đặc biệt, đến ngày 27-1, 100% gia đình có mộ nằm trong vùng dự án đã đến nhận tiền bồi thường và cam kết sẽ di chuyển trước Tết Nguyên đán 2015. Còn với những hộ gia đình phải bàn giao mặt bằng là đất ở, đất sản xuất, các tổ chức, đoàn thể đang ngày đêm bám dân, sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, nắm tình hình, từ đó tham mưu, đề xuất công việc để Ban chỉ đạo chiến dịch có giải pháp hỗ trợ. Cùng với đó là khẩn trương thi công khu tái định cư tại thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết để người dân sớm có vị trí tái định cư. Điều đó thể hiện sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, tình nguyện viên “Chiến dịch Quang Trung” và huyện Vân Đồn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, khéo léo tuyên truyền, vận động nhân dân, đã nhận được sự đồng thuận cao.
Tạm biệt tổ công tác, trở về trên con đường phủ đỏ bùn đất, 2 bên đường là tiếng rộn vang của ô tô, thiết bị đang tích cực thi công đường dẫn vào các khu chức năng của Vân Đồn. Trong tâm trí tôi đã hiện lên hình ảnh của một cảng hàng không hiện đại, với những con đường rộng rãi, thoáng đãng và cửa hàng dịch vụ sầm uất mang lại sự đổi thay đặc biệt cho cuộc sống người dân nơi đây. Có thể thấy, sự phát triển của Vân Đồn trong tương lai có một phần công sức của các tổ công tác tuyên truyền vận động “Chiến dịch Quang Trung”.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()