Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:42 (GMT +7)
Chính phủ yêu cầu nâng cao mức độ, chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế
Thứ 4, 05/07/2023 | 22:14:25 [GMT +7] A A
Chính phủ yêu cầu nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững; xác định mục tiêu nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực.
Ngày 5/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030.
Mục tiêu chung của Nghị quyết là thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh nước ta đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2021-2030.
Nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh một số mục tiêu trọng tâm là: xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhanh chóng phục hồi kinh tế vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển, tăng cường sự gắn kết lợi ích với các đối tác và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia; chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế thành kết quả cụ thể tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Mục tiêu cụ thể là chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được thành kết quả cụ thể trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; nâng cao khả năng hấp thụ khoa học công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, hiện đại, hội nhập hơn.
Nghị quyết đặt mục tiêu nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới.
Tăng cường hợp tác công-tư, huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có hỗ trợ của các cơ chế đa phương, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp... trong quá trình thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững; xác định mục tiêu nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài; tăng cường khả năng ứng phó và xử lý linh hoạt hiệu quả trước các diễn biến trên thế giới có thể xảy ra đe dọa ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế của các ngành kinh tế.
Chính phủ yêu cầu hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế; tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam; tạo điều kiện, môi trường để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc.
Nghị quyết nêu yêu cầu về việc nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; chủ động, tích cực tham gia xây dựng quy tắc pháp lý quốc tế; tận dụng tối đa pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là trong giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh. Đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đặc biệt, Nghị quyết nêu mục tiêu về việc chủ động, tích cực tham gia hội nhập kinh tế số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng vào khai thác hiệu quả các FTA nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường...
Để đạt được các mục tiêu cụ thể trên, Nghị quyết đưa ra 5 giải pháp quan trọng: cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực thi hiệu quả các FTA; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 và phát triển bền vững; hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng.
Về cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế, Nghị quyết đề cập tới giải pháp triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế... và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.
Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế-xã hội áp dụng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới/tích hợp để có chính sách quản lý phát triển kịp thời và phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp…
Về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách; đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thực chất hơn để giải quyết triệt để những vấn đề còn vướng mắc đối với môi trường kinh doanh; khắc phục tình trạng thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đối với từng lĩnh vực phụ trách...
Để thực thi hiệu quả các FTA, Nghị quyết đưa ra giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành; phát huy hiệu quả cơ chế tham vấn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong quá trình đề xuất, lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán các FTA mới cũng như tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu; ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu.../.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()