Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 02:35 (GMT +7)
Chính thức bổ sung 3 chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ
Thứ 6, 28/06/2024 | 15:50:33 [GMT +7] A A
Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, nhất trí bổ sung thêm 3 đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 28/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Kết quả, có 463/464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,27% tổng số đại biểu Quốc hội).
Luật Cảnh vệ hiện hành quy định đối tượng cảnh vệ gồm: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ đã bổ sung thêm 3 chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, vì đã có đối tượng cảnh vệ là Ủy viên Bộ Chính trị.
Có ý kiến cho rằng, theo Quy chế làm việc của Ban Bí thư thì Thường trực Ban Bí thư gồm Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư. Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị bổ sung chế độ, biện pháp cảnh vệ riêng đối với Thường trực Ban Bí thư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, khoản 1 Điều 10 của Luật Cảnh vệ (được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật này) quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng liệt kê các đối tượng cảnh vệ cụ thể là thống nhất với nội dung Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Luật Cảnh vệ hiện hành đã quy định một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất.
Do đó, Luật sửa đổi bổ sung người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư là đối tượng cảnh vệ phù hợp và không mâu thuẫn với quy định tại Quy chế làm việc của Ban Bí thư.
Về chế độ, biện pháp cảnh vệ, dự thảo Luật quy định theo nhóm đối tượng có cùng chế độ, biện pháp, phù hợp với các nhóm chức vụ, chức danh theo Kết luận số 35-KL/TW.
“Các chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị được quy định có cùng chế độ, biện pháp cảnh vệ là phù hợp và đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua, không phát sinh vướng mắc”, ông Lê Tấn Tới nói. Vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ riêng đối với đối tượng cảnh vệ này.
Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ khi cần thiết
Liên quan đến áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, theo quy định của pháp luật thì Bộ trưởng Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm cả biện pháp cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Do đó, luật lần này bổ sung quy định Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ là phù hợp với thẩm quyền của Bộ trưởng Công an.
Thực tiễn thống kê cũng cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ với 56 đoàn không thuộc trường hợp cảnh vệ nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của bộ ngành, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.
Do việc quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải được quy định trong luật là giao Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ, không giao ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung này.
Dự thảo luật đã quy định khái quát trường hợp, tiêu chí áp dụng là: “Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại” bảo đảm tính linh hoạt để giải quyết các tình huống đột xuất cần triển khai công tác cảnh vệ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()