Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 22:42 (GMT +7)
Chỉnh trang - “mặt tiền”, “mặt hậu”...
Chủ nhật, 03/06/2012 | 04:21:36 [GMT +7] A A
Chỉnh trang, hiểu một cách nôm na, là sự “sửa sang, sắp đặt lại cho chỉn chu, đẹp đẽ hơn…”. Nói như vậy, chỉnh trang đô thị chính là “sửa sang, sắp đặt lại” những “cái chưa ổn, chưa hợp lý” trong quy hoạch, thiết kế xây dựng đô thị đã làm. (Nếu trước đây mọi thứ đã ổn, đã hợp lý thì không còn gì để mà chỉnh trang nữa!).
Nhìn vào việc chỉnh trang đô thị lâu nay ở TP Hạ Long, có thể thấy rõ điều đó. Các tuyến đường trước do tầm nhìn hạn hẹp của các nhà quy hoạch nên được xây dựng quá hẹp, nay phải cải tạo, cố “gạn” hết diện tích có thể mở rộng thêm để làm cho to ra; đường thoát nước trước xây dựng tưởng là đã đủ tiêu thoát nhưng nay do mật độ dân cư quá đông, nước thải nhiều, nên không thể đáp ứng, lại phải phá đi làm lại v.v.. Đó gọi là chỉnh trang đô thị.
Tuy nhiên, trong quá trình chỉnh trang đô thị hiện nay, chỉ cần với con mắt của người dân bình thường (chưa cần là một nhà quy hoạch, kiến trúc với chuyên môn sâu...), nếu để ý cũng sẽ thấy có nhiều điều cần bàn. Trong đó, dễ thấy nhất là việc chỉnh trang theo kiểu “cốt đẹp mặt tiền”...
Vì sao lại nói chỉnh trang đô thị ở TP Hạ Long hiện nay đang chỉ “cốt đẹp mặt tiền”? Đó là bởi hầu như việc chỉnh trang chỉ chú ý giải quyết phía mặt tiền ở các tuyến phố mà rất ít có sự cải tạo những công trình xây dựng như hệ thống thoát nước, hệ thống đường điện v.v.. ở khu vực phía sau các nhà cao tầng “bám đường” v.v.. Trong khi đó, ai cũng biết, trừ các khu dân cư mới được quy hoạch đàng hoàng, có một bộ phận không nhỏ nhà dân ở lui vào phía sau, trước là nhà cấp bốn nên việc tiêu thoát nước, vệ sinh môi trường v.v.. không ảnh hưởng gì đáng kể. Thế nhưng, do tình trạng “tấc đất tấc vàng”, người ta cắt xén đất để bán nhằm xây dựng những nhà cao tầng. Về nguyên tắc, phải có thiết kế được duyệt, phải có giấy phép xây dựng v.v.. Nhưng khâu này thường vẫn làm qua loa, đại khái, dẫn đến tình trạng nhà nào cũng “triệt để tiết kiệm” đất để xây nhà, nên diện tích đất làm các công trình dân sinh thiết yếu bị rút đi đến mức tối đa. Kết quả là trong khi phía “mặt tiền” được quan tâm đầu tư xây dựng bao nhiêu thì phía “mặt hậu” càng lộn xộn bấy nhiêu... Đã có không ít trường hợp, do các nhà liền kề “gạn” hết đất nên đến khi cần cải tạo hệ thống thoát nước, hệ thống đường điện v.v.. đã xảy ra những xích mích, tranh chấp rất khó giải quyết.
Đây là một thực tế, mong các nhà chỉnh trang đô thị lưu tâm. Bởi nếu cứ tình trạng những ngôi nhà cao tầng mọc chen chúc phía “mặt hậu” với sự “tự dàn xếp” giữa các nhà liền kề với nhau về việc xây dựng công trình hạ tầng như đã và đang diễn ra, thì e rằng trong tương lai, dẫu có muốn chỉnh trang, cũng không thể làm được nữa vì “ván đã đóng thuyền”…
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()