Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 17:32 (GMT +7)
Chịu trách nhiệm đến cùng và không được đùn đẩy
Thứ 6, 17/10/2014 | 06:04:16 [GMT +7] A A
Ngày 3-10-2014, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch số 107-KH/TU triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW tại Kế hoạch 107-KH/TU là gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước với việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Xây dựng và đưa tiêu chí về việc thực hiện trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả công tác hàng năm và mỗi nhiệm kỳ của tổ chức, người đứng đầu. Không quy hoạch, đề cử, bổ nhiệm những đồng chí thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc với nhân dân; không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc các quyết định giải quyết, các kết luận chỉ đạo giải quyết khiếu nại có hiệu lực; để xảy ra nhiều khiếu kiện bức xúc kéo dài hoặc nhiều lần bị cấp có thẩm quyền xác định là có sai sót khi giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức Đảng, chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách, không đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời người đứng đầu phải chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân; chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân.
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm đến cùng, không được đùn đẩy lên cấp trên hoặc chuyển sang cơ quan khác.
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không những yêu cầu cán bộ tiếp dân không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên mà còn yêu cầu phải mạnh dạn sửa sai và phải đặt mình vào vị trí của người dân đi khiếu nại, tố cáo để tích cực, chủ động tìm các biện pháp xử lý dứt điểm.
Để trách sự “đá bóng” giữa các cơ quan có trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan chức năng về nhiệm vụ này.
Cùng với sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, cần tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND tỉnh đều tổ chức hội nghị về công tác giải quyết một số kiến nghị của cử tri và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tại hội nghị này, UBND tỉnh báo cáo về tình hình, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.
Cùng với thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, chúng ta đang bắt đầu thực hiện Luật Tiếp công dân. Chúng ta tin tưởng, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Quảng Ninh sẽ được chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài trên địa bàn tỉnh sẽ được giải quyết dứt điểm.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()