Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:28 (GMT +7)
Chờ đợi thời cơ, xây dựng điểm đến Ninh Bình thân thiện, hấp dẫn
Thứ 3, 09/11/2021 | 14:03:30 [GMT +7] A A
Trong tình hình mới, tỉnh Ninh Bình tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương và khai thác thị trường khách nội địa để tìm cách bứt phá trong thời gian tới.
Là một trong những địa phương phát triển mạnh du lịch nhờ nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, tỉnh Ninh Bình đã và đang nỗ lực tìm hướng bảo vệ nguồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững.
Trong tình hình mới, tỉnh Ninh Bình tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương và khai thác thị trường khách nội địa để tìm cách bứt phá trong thời gian tới.
Góp phần lan tỏa tình yêu thiên nhiên
Là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, một trong những viên ngọc quý về sinh thái rừng, Cúc Phương không chỉ đặc biệt với một thảm thực vật xanh được nuôi dưỡng và phát triển qua hàng ngàn năm, mà còn là nơi cư trú của hàng trăm loài động vật quý hiếm.
Chính sự đa dạng sinh học đã giúp Vườn quốc gia Cúc Phương được vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.
Trong 10 năm qua, Vườn quốc gia Cúc Phương, đã cứu hộ bảo tồn trên 2.600 cá thể động vật hoang dã thuộc 75 loài; trong đó có rất nhiều loài nguy cấp quý hiếm, điển hình là 20 loài linh trưởng, 34 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, cùng với 8 loài thú ăn thịt và tê tê, công má vàng, gà lôi trắng.
Năm 2021, Vườn quốc gia Cúc Phương đã có sáng kiến đặc biệt đó là tạo ra sản phẩm du lịch Đưa thú "về nhà."
Đây là lần đầu tiên ở một Vườn quốc gia, du khách có thể tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng lực lượng chức năng tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ trở về với "ngôi nhà tự nhiên."
Tham gia tour du lịch "về nhà" này, du khách không chỉ được trực tiếp thả động vật hoang dã về rừng, mà còn trở thành những "sứ giả" giúp lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo tồn thiên nhiên.
Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, cho biết gốc rễ để có được "Cúc Phương đại ngàn" là công tác bảo vệ rừng, đó là chức năng quan trọng hàng đầu. Vì vậy, các sản phẩm du lịch, các tour, chương trình tham quan tại đây đều mang thông điệp một cách nhất quán với phương châm "Mỗi khách du lịch về với Cúc Phương là một sứ giả lan tỏa tình yêu thiên nhiên."
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mọi hoạt động phải tạm dừng nhưng từ khi triển khai đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tổ chức thành công được 6 đợt tái thả động vật hoang dã có sự tham gia của gần 140 du khách và đã có 101 cá thể thuộc 17 loài được tái thả về môi trường tự nhiên.
Phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới
Với những tiềm năng vốn có, tỉnh Ninh Bình đang đẩy mạnh thực hiện quy hoạch tổng thể du lịch, hình thành các khu du lịch quốc gia, nhằm khai thác tiềm năng tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù gắn với thương hiệu "Ninh Bình-Tràng An" có tính cạnh tranh cao, phát triển du lịch, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản, kết hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đó là hướng đi chuyên nghiệp, bền vững, tạo động lực để Ninh Bình phấn đấu thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, việc quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được tích cực triển khai.
Mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình đặt ra là nhằm khai thác hiệu quả lợi thế về tiềm năng du lịch, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng, mang thương hiệu "Ninh Bình-Tràng An," gắn với công tác bảo tồn các giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa và bảo đảm tốt các vấn đề an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, hướng tới du lịch bền vững.
Hệ thống khu du lịch của tỉnh phát triển theo hai cấp độ, bao gồm hình thành khu du lịch quốc gia Tràng An và khu du lịch quốc gia Kênh Gà-Vân Trình. Đối với khu du lịch cấp tỉnh, có khu du lịch Tam Cốc-Bích Động; khu đất ngập nước Vân Long; khu du lịch hồ Đồng Thái, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển Cồn Nổi cùng nhiều điểm du lịch là di tích lịch sử, văn hóa ở các huyện, thành phố trong tỉnh.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học luôn luôn được chú trọng và khai thác các giá trị về cảnh quan, hệ sinh thái để phục vụ phát triển du lịch kết hợp tuyên truyền hướng dẫn cho du khách về việc cùng tham gia với các khu điểm trong việc bảo vệ di sản, bảo vệ tài nguyên và đa dạng sinh học.
Mặc dù chịu những ảnh hưởng không nhỏ của dịch COVID-19, trong quý 1/2021, Ninh Bình vẫn đón 619.572 lượt khách, đạt 50% so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu ước đạt gần 420 tỷ đồng, đạt 61,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong quý 4 năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đón 10.000 lượt khách du lịch nội tỉnh, đồng thời tổ chức thí điểm đón khách du lịch từ các tỉnh, thành phố. Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng.
Để du lịch Ninh Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, ông Bùi Văn Mạnh cho rằng "mắt xích" quan trọng nhất là tổ chức xúc tiến quảng bá, tập trung phát triển sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác các giá trị di sản, văn hóa truyền thống một cách bền vững, nhằm tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng của địa phương và phù hợp với nhu cầu của các thị trường khách, đặc biệt là khách nội địa trong thời gian này.
Dự kiến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh mở cửa, đón tiếp du khách trong tỉnh từ ngày 15/11/2021, tiếp đó từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/12/2021, tổ chức thí điểm đón khách du lịch ngoại tỉnh thông qua chương trình du lịch khép kín, an toàn do các doanh nghiệp du lịch tổ chức.
Với mong muốn sớm phục hồi, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, ngành Du lịch Ninh Bình đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp như ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; xây dựng điểm đến du lịch Ninh Bình an toàn, thân thiện và hấp dẫn; đẩy mạnh liên kết với các địa phương, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; xây dựng chiến lược tổng thể về xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu điểm đến của địa phương.
Tỉnh cũng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển du lịch; kiểm tra, xử lý kịp thời những hành vi xâm hại di sản và tài nguyên du lịch; khai thác các giá trị về cảnh quan, hệ sinh thái để phục vụ phát triển du lịch...
Với những tiềm năng thế mạnh vốn có về đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh cùng với những giải pháp thiết thực trong giữ gìn, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển du lịch bền vững, tỉnh Ninh Bình hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách khi dịch bệnh được đẩy lùi./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()