Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:30 (GMT +7)
Chợ truyền thống vắng khách: Thay vì ngồi gà gật, chỉ còn cách đổi thay
Thứ 6, 17/11/2023 | 07:40:12 [GMT +7] A A
Vắng khách, buôn bán ế ẩm ngay trong mùa mua sắm, tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM, cả chợ sỉ lẫn chợ lẻ đang treo bảng "sang sạp", "cho thuê sạp" hoặc thậm chí đóng cửa sạp để cắt giảm chi phí điện, nước, nhân công.
Cùng với việc cắt giảm chi tiêu của người dân do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều tiểu thương thừa nhận hoạt động mua bán hàng qua kênh online phát triển mạnh, chưa kể các siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp hang cùng ngõ hẻm, khiến cho nhiều chợ truyền thống không còn nhiều đất sống.
Vắng khách, buôn bán ế ẩm
Bà Nguyễn Thị Oanh - tiểu thương bán quần áo tại chợ Bến Thành (quận 1) - nói bà đã kinh doanh tại chợ từ năm 2012, bà nhận xét chưa năm nào thấy khó như năm nay, buôn bán ế ẩm, tằn tiện cũng chẳng đủ sống.
Vào thời kỳ "hoàng kim" nhiều năm về trước, khách vào "mua nườm nượp, chen chúc lối đi từ sáng cả Tây lẫn ta", nên gia đình bà đã gom góp gần 2,5 tỉ đồng để mua đứt sạp này sau một thời gian thuê. Thế nhưng với tình cảnh buôn bán ế ẩm hiện nay, giá sang sạp chỉ còn một nửa, trong khi cho thuê chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng.
Buôn bán khó khăn, bà Oanh cho hay đã học cách bán hàng trên mạng nhưng chỉ được một thời gian rồi bỏ. "Tôi cũng đăng hình ảnh lên Zalo, Facebook nhưng không ăn thua, chẳng khách nào hỏi. Nghe bọn trẻ nói phải chạy quảng cáo, rồi bán đa kênh gì đó phức tạp quá nên thôi", bà Oanh kể.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trí - có sạp cà phê ngay lối chính vào chợ - cũng than thở vì buôn bán khó khăn, ế ẩm. Theo ông Trí, vào thời "hoàng kim", sạp mặt tiền như này phải thuê tới cả chục nhân viên nhưng vẫn bán không xuể, chẳng kịp ăn trưa. Thế nhưng thời gian gần đây, nhân viên sạp nào cũng ngồi bấm điện thoại, buôn chuyện hết ngày.
Dạo gần đây khách du lịch ghé chợ tuy có đông hơn nhưng toàn xem hàng là chính, ít khách dừng lại mua. Theo ông Trí, khách Nhật, khách Nga... từng rất hào phóng nhưng giờ "vừa keo vừa khó", chỉ khách Trung Quốc vẫn mua hàng ổn định nhưng cũng chẳng bõ bèn gì.
Khoảng 10 năm trước, ông Trí đã mua sạp này gần 6 tỉ đồng, giá trị bằng căn chung cư cao cấp giữa trung tâm.
"Số tiền đó nếu đem sang quận 9 đầu tư chắc giờ thành đại gia giàu to. Ngày xưa mặt ai cũng hồng hào hừng hực khí thế bán hàng không biết mệt, giờ sức mua giảm chỉ còn bằng 1/10 thời hoàng kim, trông mặt ai cũng xám xịt", ông Trí bình luận.
Tiểu thương đua nhau sang sạp
Không riêng gì chợ Bến Thành, dạo một vòng các chợ ở TP.HCM, chúng tôi ghi nhận không khí vắng vẻ, ảm đạm tại hầu hết các quầy sạp. Từ chợ lẻ tới chợ sỉ, tiểu thương đua nhau bỏ sạp vì ế ẩm. Các tuyến đường từng buôn bán sầm uất nay chi chít biển sang nhượng, trả mặt bằng.
Bà Nga - tiểu thương kinh doanh quần áo trong chợ Bình Tây (quận 6) - chia sẻ sạp bà chủ yếu bỏ sỉ cho khách các tỉnh. Kinh doanh tại chợ gần 20 năm, chưa bao giờ bà thấy cảnh chợ khó thế này. Khách từ các tỉnh đến lấy hàng ngày càng ít, mối quen cũng mất dần.
"Ế ẩm kéo dài, tôi cũng tính chuyển qua bán lẻ giá rẻ nhưng không cạnh tranh nổi với hàng online, muốn học bán hàng online nhưng tuổi cao, học chậm, nhiều khi sử dụng điện thoại thông minh còn phải mò mẫm, con cháu dạy đi dạy lại còn quên nói chi bán hàng", bà Nga than thở.
Nhiều tiểu thương thừa nhận thói quen mua sắm qua kênh thương mại điện tử đã phá vỡ kênh kinh doanh truyền thống, hoạt động mua bán tại các chợ ngày càng bị thu hẹp. Thêm vào đó, kinh tế khó khăn khiến sức mua sụt giảm nghiêm trọng, tình trạng ế ẩm kéo dài.
Bà Ý Nhi - có sạp rau tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) - cho hay dù sạp nhà bà ở vị trí đẹp ngay cạnh lối ra vào chợ nhưng sức mua vẫn ì ạch.
"Từ khi bùng dịch COVID-19 người ta đặt đồ ăn tươi trên ứng dụng nhiều, vừa rẻ lại được miễn phí vận chuyển. Tiện mua mấy cũng chẳng thể tiện bằng đặt hàng online giao về tận nhà", bà Nhi tâm sự.
Trên đường thời trang Nguyễn Trãi (quận 5) - con đường sầm uất tập trung hàng chục shop quần áo lớn nhỏ - cũng trong cảnh vắng vẻ cùng nhiều mặt bằng bỏ trống, tràn ngập rác quảng cáo.
Bà Nguyễn Kiều Trang - chủ một cửa hàng kinh doanh thời trang nữ trên con đường này - cho hay sức mua sụt giảm mạnh, chỉ còn bằng phân nửa so với trước dịch COVID-19.
"Các shop quanh đây đổi chủ liên tục. Chủ nào cũng than gồng lỗ, ráng được chút nào hay chút đó", bà Trang nói.
Hàng thời trang, giày dép, đồ gia dụng... bán chậm Trao đổi với PV, đại diện một siêu thị cho biết dù tăng khuyến mãi nhưng sức mua đối với các mặt hàng không thiết yếu như quần áo, giày dép, đồ gia dụng... đang khá chậm so với các ngành hàng thực phẩm, thiết yếu. "Quần áo, đồ thời trang có bán được nhiều thì tính ra cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp, và thực tế chịu nhiều cạnh tranh về giá ở nhiều kênh bán khác. Do đó chúng tôi đang chọn tập trung kinh doanh nhiều hơn cho nhóm hàng thực phẩm, đồ uống", vị này nói. |
Đòi hỏi tiểu thương phải thay đổi
Trong khi đó, ông Nguyễn Quách Nhi - giám đốc ngành hàng thực phẩm tiêu dùng Tiki - cho biết doanh số ngành thương mại điện tử (TMĐT) trong nước quý 3 năm nay đã tăng khoảng trên dưới 40% so với cùng kỳ năm ngoái, và tốc độ tăng trưởng này giữ ở mức tốt với 25 - 40% mỗi năm.
Tăng trưởng TMĐT và việc sụt giảm ở kênh bán lẻ truyền thống được ông Nhi cho rằng là vấn đề tất yếu và phù hợp xu hướng phát triển.
"TMĐT quá phát triển, người dân chuộng mua hàng qua kênh online hơn vì tiện. Đặc biệt với sản phẩm thời trang, thậm chí ở Việt Nam có thể đặt mua hàng ở nước khác chỉ trong vài click chuột", ông Nhi lý giải.
Trao đổi với PV, đại diện một sàn TMĐT cho biết chi phí để một sàn TMĐT hoạt động hiệu quả là rất lớn, có thể lên đến cả nghìn tỉ đồng mỗi năm. Nhưng với doanh thu có thể đến 100.000 tỉ đồng/năm, việc chi ra 1.000 tỉ đồng là con số rất nhỏ. Do đó việc đầu tư mạnh TMĐT là điều tất yếu, nếu kênh hoạt động hiệu quả.
"Nhiều doanh nghiệp chỉ bán một sản phẩm thời trang, thực phẩm trên sàn TMĐT nhưng doanh thu cả hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mỗi năm... Bán hàng online dễ dàng, ít tốn chi phí so với offline, so với sạp chợ, đặc biệt chi phí mặt bằng. Kênh bán hàng này phát triển đồng nghĩa với kênh kia phải giảm lại", vị này phân tích.
Đồng quan điểm đó, ông Bùi Văn Thành - đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu thời trang tại TP.HCM - cho biết TMĐT chiếm khiêm tốn, với khoảng trên dưới 10% trong tổng doanh số bán lẻ, còn lại chủ yếu vẫn là kênh truyền thống.
Tuy nhiên, với khoảng 500.000 nhà bán hàng trên các sàn TMĐT trong nước và tốc độ phát triển kênh này, việc dịch chuyển là điều dự báo trước, đòi hỏi tiểu thương các chợ truyền thống phải thay đổi.
"Thay vì chỉ bán sỉ, tiểu thương hãy chọn bán lẻ nhiều hơn, hoặc bán những sản phẩm, phụ kiện ít chịu sự cạnh tranh trên chợ mạng, bán vật tư phụ kiện thời trang, dụng cụ cho khối doanh nghiệp sản xuất", ông Thành gợi ý.
Giới trẻ không mặn mà với chợ
Chia sẻ với PV, chị Mai Kim Chung (30 tuổi, TP Thủ Đức) cho hay từ ngày dịch COVID-19 xảy ra, chị hiếm khi đi chợ truyền thống. Thay vào đó, chị thường đi siêu thị hoặc đặt đồ qua ứng dụng. "Mình sợ thực phẩm ở chợ không an toàn bằng siêu thị, sợ rau chợ phun thuốc, thịt dùng thuốc tăng trọng, thịt hỏng này kia... Mua tại siêu thị, giá không chênh lệch quá nhiều lại tiện lợi, mát mẻ, sạch sẽ", chị Chung nói và cho hay thường đi siêu thị chọn mua đồ tươi sống hằng ngày; còn các loại đồ khô như chai dầu, lọ mắm... sẽ được đặt qua các sàn thương mại điện tử. "Đồ khô chỗ nào cũng như nhau, đặt qua mạng vào những thời điểm có khi vừa được giảm giá lại miễn phí vận chuyển, tính ra rẻ và tiện hơn đi siêu thị nhiều. Trong khi đó, tại nhiều chợ lẻ vẫn còn tình trạng người bán nói thách, thái độ không tốt nên tôi ngại mua", chị Chung nói. |
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()