Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:53 (GMT +7)
Chống tham nhũng
Thứ 6, 03/11/2006 | 21:17:04 [GMT +7] A A
Một trong những nội dung làm “nóng” diễn đàn Quốc hội trong tuần này là việc thảo luận về công tác thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của các đại biểu Quốc hội. Đa số các ý kiến phát biểu đều có chung nhận định, tình trạng tham nhũng còn diễn biến phức tạp và khá nghiêm trọng. Và để chống tham nhũng có hiệu quả phải chống từ trên xuống, phải thiết lập cơ chế công khai, minh bạch để đạt tới mục tiêu 3 không: Không muốn, không thể và không dám tham nhũng...
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm, Chính phủ đã tích cực triển khai tương đối đồng bộ, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của công việc tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; kịp thời xử lý các vụ tham nhũng lớn được dư luận đồng tình. Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành trung ương qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế lên đến 6267 tỷ đồng, hơn 4 triệu USD, gần 400 ngàn EUR. Thanh tra Chính phủ đã kết thúc 14 cuộc thanh tra các dự án lớn, qua đó phát hiện tổng sai phạm trị giá gần 859 tỷ đồng, hơn 5,4 triệu USD, hơn 120 ngàn EUR; kiến nghị thu hồi cho nhà nước 99,4 tỷ đồng và hơn 82 ngàn USD...
Tuy nhiên, so với diễn biến thực tế của tệ nạn tham nhũng trong cả nước kết quả trên mới chỉ là bước đầu và còn nhỏ bé, chưa toàn diện; số tiền kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước còn quá thấp so với số bị thất thoát. Đó là chưa kể có những vụ việc còn đi ngược lại tinh thần của Luật Phòng, chống tham nhũng (vụ đất đai tại Đồ Sơn - Hải Phòng).
Chính vì vậy tại diễn đàn Quốc hội, các ý kiến cho rằng công tác chống tham nhũng cần thực chất hơn, quyết liệt hơn. Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) cho rằng trong quá trình xử lý vụ việc còn né tránh, nể nang, chưa có sự đồng lòng cao. Đại biểu Đặng Thị Phượng (Tây Ninh) kiến nghị xây dựng chính quyền thì phải xây từ cơ sở lên, còn chống tham nhũng phải chống từ trên xuống. Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) cảnh báo tình trạng tham nhũng nhỏ hiện nay diễn ra khá phổ biến trong mọi lĩnh vực, vì vậy bên cạnh việc xử lý nghiêm các vụ tham nhũng lớn cần phải quan tâm đến thực trạng “tham nhũng bình dân”. Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) cho rằng phải chấm dứt tình trạng chạy chức, mua quyền, muốn vậy phải nâng cao chất lượng quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, xây dựng thể chế công khai, minh bạch để đạt tới mục tiêu 3 không: Không muốn, không thể và không dám tham nhũng...
Phòng, chống tham nhũng là vấn đề phức tạp, khó khăn, lâu dài nhưng không phải không làm được. Vấn đề cốt lõi là phải có quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm lớn, cơ chế đồng bộ, pháp luật nghiêm minh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó không thể thiếu vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Cục chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, có trách nhiệm giúp Tổng Thanh tra quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Chắc chắn đây sẽ là cơ quan, lực lượng xung kích tăng cường thêm sức mạnh cho phòng, chống “giặc nội xâm” - nạn tham nhũng.
Liên kết website
Ý kiến ()