Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:03 (GMT +7)
Chủ động đấu tranh, phòng chống buôn lậu hiệu quả
Thứ 7, 18/02/2023 | 13:42:07 [GMT +7] A A
Trước việc các đối tượng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, các lực lượng chức năng của tỉnh đã thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Tháng 11/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (gọi tắt là Phòng CSKT) Công an tỉnh, đã kết thúc điều tra vụ án buôn lậu linh kiện thiết bị máy mỏ xảy ra trên địa bàn tỉnh. "Đối tượng nhập khẩu linh kiện về, nhưng kê khai hải quan thiếu số lượng, nhằm mục đích buôn lậu. Đây là một trong những vụ án phức tạp, điển hình của tội phạm buôn lậu thời đại 4.0" - Đại úy Đỗ Đình Thanh, điều tra viên chính của vụ án, khẳng định.
Vật chứng của vụ án là những cảm biến cân, một linh kiện rất nhỏ nhưng quan trọng nhất để chế tạo cân, đã được nhập khẩu và sử dụng từ năm 2020, trải qua nhiều lần hỏng và thay thế, việc thu hồi vật chứng gây không ít khó khăn cho công tác điều tra. Đại úy Thanh chia sẻ: Đối tượng của vụ án là một người có chuyên môn cao, am hiểu công nghệ, kiến thức và ngoại ngữ, trực tiếp đàm phán, giao dịch thông qua email với đơn vị sản xuất ở nước ngoài. Vì thế, việc khôi phục dữ liệu giao dịch trên môi trường mạng không hề dễ dàng. Trong khi đó, đây là lĩnh vực công nghệ, đo lường, đòi hỏi phải thực sự am hiểu về nguyên lý hoạt động. Vì thế trong quá trình điều tra, anh em phải học hỏi nhiều kiến thức chuyên ngành để chứng minh tội phạm và hành vi phạm tội.
Kê khai sai về số lượng, mã hàng, trị giá hàng hoặc tháo rời nhập khẩu linh kiện, phụ tùng; trà trộn hàng tạp hóa trong hàng gia công... là những mánh khóe của các đối tượng buôn lậu để đối phó với lực lượng chức năng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế quản lý thông thoáng về thủ tục thông quan hàng hóa để thực hiện hành vi vi phạm tại các cửa khẩu. Đây là những phương thức, thủ đoạn mới, khác với xách hàng trực tiếp qua đường mòn, lối mở khu vực biên giới như trước kia, bởi việc quản lý, tuần tra kiểm soát đường biên nay đã chặt chẽ hơn, ở cả 2 nước Việt Nam, Trung Quốc.
Theo Thượng tá Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Phòng CSKT Công an tỉnh, thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã xử lý quyết liệt, "không có vùng cấm" đối với tội phạm buôn lậu. Quảng Ninh hiện không còn là địa bàn "lý tưởng" của loại tội phạm này. Tuy nhiên, vì là địa bàn biên giới cả trên biển, đất liền và hàng không, hoạt động này vẫn diễn ra một cách tinh vi.
Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu vẫn là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc các sản phẩm, thiết bị, linh kiện đặc thù... Phương thức thủ đoạn phổ biến là đóng lẫn hàng hóa có giá trị, nhỏ gọn, trong các hành lý thông thường hoặc cất giấu trong các vách, ngăn, hầm kín tự tạo. Hàng hóa sau khi được nhập lậu vào nội địa bằng nhiều con đường khác nhau đã được vận chuyển theo cách xé lẻ, cất giấu vào túi xách hành lý, hoặc giấu trong người đi trà trộn trên xe khách, nên rất khó kiểm tra, phát hiện. Các đối tượng còn lợi dụng loại hình chuyển phát nhanh để vận chuyển các mặt hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng cấm để tiêu thụ. Khi phát hiện, bắt giữ được người vận chuyển, rất khó xác định được chủ hàng, vì nhiều trường hợp, người vận chuyển không biết tên, địa chỉ, lai lịch của người thuê mình.
Trước thực trạng đó, Phòng CSKT Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng và công an các địa phương làm tốt công tác phòng ngừa, tổ chức đấu tranh, bắt giữ các đối tượng có hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các vụ việc, hiện tượng nổi cộm, nhằm nâng cao nhận thức, vận động quần chúng tích cực tham gia tố giác tội phạm, không tiếp tay cho buôn lậu.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()