Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 11:21 (GMT +7)
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
Thứ 5, 16/02/2023 | 13:36:04 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, đã mang lại nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp nói riêng và tạo đà phát triển bền vững cho kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy được tiềm năng, lợi thế chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội. Việc mở cửa và đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp tỉnh có điều kiện huy động được những nguồn lực từ bên ngoài; bồi đắp thêm tiềm lực từ bên trong, từ đó góp phần đạt được một số kết quả quan trọng.
Nổi bật là tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì ở tốc độ cao, thu ngân sách nhà nước luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước và duy trì được thành tích dẫn đầu PCI trong 5 năm liên tục…
Để đạt được những kết quả đó, một trong những giải pháp triển khai đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện là đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Các điểm nghẽn về giao thông đã được giải quyết kịp thời, nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Hàng loạt công trình giao thông cả đường bộ, đường biển, đường hàng không đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh, tạo được sự hấp dẫn để mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư trên khắp thế giới. Hiện tại, Quảng Ninh là tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước (176/1.046km).
Cùng với giao thông, tỉnh Quảng Ninh cũng đã đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển và logistics; phát triển các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu; chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực... Qua đó, giúp hình thành hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, mở ra không gian phát triển mới, động lực mới đưa Quảng Ninh tiến gần hơn với quá trình hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã thực hiện đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính. Nhiều mô hình mới đã được đưa vào vận hành như: Trung tâm hành chính công các cấp, xây dựng chính quyền điện tử, mô hình một cửa về xúc tiến đầu tư (IPA) được đẩy mạnh triển khai, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính,… Qua đó, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch cho các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước. Trong năm, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 20 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư thu hút là 2,186 tỷ USD. Riêng trong tháng 1/2023, Quảng Ninh đã có nhiều buổi tiếp, làm việc cùng các nhà đầu tư quốc tế đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc... dự định đầu tư vào Quảng Ninh, với số vốn hàng trăm triệu USD. Trong năm 2023, tỉnh sẽ dự kiến thu hút 18 dự án FDI đầu tư vào các KCN. Điều này đã cho thấy được sự nỗ lực, chủ động trong việc hội nhập kinh tế quốc tế của Quảng Ninh. Qua đó, khẳng định được sức mạnh tổng hợp, tạo đột phá và nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh, khẳng định được vị thế đối với các nhà đầu tư lớn trên trường quốc tế.
Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp và các thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA). Thêm nữa, tỉnh cũng chủ động tham gia các hội chợ, triển lãm nước ngoài, như: Hội chợ thương mại ASEAN - Trung Quốc; hội chợ thương mại biên giới Trung - Việt... nhằm mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế các nước trong khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu kinh tế kết hợp xúc tiến thương mại và du lịch để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh; quảng bá mở rộng hình ảnh, con người và văn hóa Quảng Ninh đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Hội nhập kinh tế quốc tế được Quảng Ninh coi là một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo với mục tiêu đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá trong tỉnh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài; có định hướng thu hút đầu tư vào các vùng một cách hợp lý, vào các lĩnh vực ưu tiên... để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong năm 2023, tỉnh đã đặt mục tiêu thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1,5 tỷ USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 11%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 69%; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI…
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()