Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 19:27 (GMT +7)
Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm
Thứ 2, 07/05/2012 | 05:12:18 [GMT +7] A A
[audio(1582)]
Thời gian vừa qua, bằng những nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương liên quan, dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc tại một số địa phương của tỉnh đã được khống chế, dập tắt. Và ngày 2-5 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố hết dịch lở mồm long móng trên địa bàn huyện Tiên Yên, Hải Hà và xã Đồng Tâm - huyện Bình Liêu, đồng thời giải thể các chốt kiểm dịch tạm thời tại các đầu mối giao thông ra vào vùng dịch. Thông tin này nhiều người chăn nuôi chưa kịp đón mừng thì đã ập đến tin xấu khác. Đó là, theo tin từ Chi cục Thú y tỉnh, tính đến ngày 3-5, dịch tai xanh ở lợn đã xuất hiện tại đàn lợn của 18 hộ chăn nuôi thuộc các xã Nguyễn Huệ, An Sinh, Bình Dương của huyện Đông Triều. Đã có tổng số 446 con mắc bệnh, trong đó chết 56 con. Trước đó, dịch cúm gia cầm cũng đã được công bố xảy ra tại xã Hải Tiến (Móng Cái). Thành phố Móng Cái đã thành lập chốt kiểm dịch gia súc, gia cầm tại thôn 5 của xã...
Từ thực tế trên cho thấy, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm đang có những diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều loại bệnh như cúm, lở mồm long móng, tai xanh... Đặc điểm của các dịch bệnh này là có tốc độ lây lan nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng trên đàn gia súc, gia cầm, làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của người chăn nuôi. Nguy hại hơn, nó còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng, nếu không may sử dụng các loại thực phẩm được chế biến từ gia súc, gia cầm mắc bệnh.
Một điều đáng nói ở đây là diễn biến dịch bệnh dường như đã có sự thay đổi, trái với quy luật thông thường. Thông thường trước đây dịch bệnh ở gia súc, gia cầm hay xuất hiện, tái phát vào mùa lạnh, không khí ẩm thấp. Thế nhưng, thời gian gần đây quy luật này đã bị phá vỡ, mà cụ thể nhất là trong năm nay, khi vừa bước vào mùa hè nắng nóng dịch bệnh vẫn tái phát, xuất hiện ở một số nơi. Sự thay đổi này khiến người chăn nuôi thiếu chủ động, lúng túng trong việc đối phó với dịch bệnh. Cũng bởi vậy, các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có cơ hội, điều kiện bùng phát, lây lan nhanh hơn.
Với thực tế này, để phòng chống hiệu quả và giảm thiểu tới mức thấp nhất hậu quả do dịch bệnh gây ra trên đàn gia súc, gia cầm, các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương và mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức ngăn ngừa dịch bệnh. Đặc biệt không được phép chủ quan lơ là, cho dù đã triển khai các biện pháp phòng dịch, bởi lẽ các loại vi rút gây bệnh rất dễ bị biến thể, thay đổi độc lực. Với các khu vực, địa bàn đã từng xuất hiện ổ dịch phải được kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên tẩy độc, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Với các loại bệnh yêu cầu phải tiêm vắc xin phòng bệnh cần được tiến hành nghiêm túc, với tỷ lệ đạt cao tuyệt đối; tránh làm hình thức...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()