Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:19 (GMT +7)
Chủ động phòng dịch tả lợn châu Phi
Thứ 2, 14/06/2021 | 10:09:49 [GMT +7] A A
Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh ước đạt hơn 283.000 con. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi luôn tiềm ẩn bùng phát, lây lan, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống loại bệnh dịch này trên đàn vật nuôi.
Theo Sở NN&PTNT, từ ngày 20/4/2021, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã tái phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 4/6/2021, bệnh dịch đã xảy ra tại 110 hộ thuộc 41 thôn, khu của 22 xã, phường ở 7 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy ở các địa phương này là 670 con, trọng lượng gần 27.500kg.
Tại huyện Vân Đồn, dịch tả lợn Châu Phi liên tiếp xuất hiện tại một số địa phương, gần đây nhất là xã Đoàn Kết. Theo đó, ổ dịch tại hộ bà Trần Thị Liên đã có 17 con lợn mắc bệnh với trọng lượng trên 1.100kg. Ổ dịch này được xác định sẽ uy hiếp đến các thôn lân cận trong xã, cũng như xã lân cận như xã Hạ Long và thị trấn Cái Rồng. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh theo quy định.
Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch phát sinh, huyện Vân Đồn yêu cầu các địa phương khẩn trương phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn bệnh, dập dịch và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó, tiếp tục tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn có dịch; chuẩn bị sẵn sàng con người, vật tư hóa chất để thực hiện công tác chống dịch, dập dịch, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Còn tại xã Dương Huy (TP Cẩm Phả), ngay khi ổ dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ngày 12/5, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Anh Tú đã đến kiểm tra, chỉ đạo khẩn trương quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khoá chặt ổ dịch tại địa phương này. Theo đó, xã Dương Huy đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố tiến hành tiêu huỷ số lợn bệnh; huy động 4 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch; tổ chức tuyên truyền, thông báo về diễn biến tình hình dịch bệnh và khuyến cáo đến người dân trên toàn địa bàn. Đồng thời, xã cũng thành lập 3 chốt kiểm soát việc vận chuyển lợn ra vào xã. Đến thời điểm hiện tại, 12 hộ dân có lợn chết đã tiêu huỷ xong, các bước dập dịch được triển khai kịp thời, đúng quy trình, ổ dịch tả lợn Châu Phi tại xã Dương Huy cơ bản đã được khống chế.
Tại TX Đông Triều, theo báo cáo của Phòng Kinh tế, ổ dịch đầu tiên xuất hiện ngày 17/5/2021 tại thôn 4, xã Nguyễn Huệ. Đến nay đã phát sinh trên 2 xã (Nguyễn Huệ, Thủy An), 5 thôn, tại 5 hộ gia đình, buộc phải tiêu hủy 26 con lợn với trọng lượng trên 1.600kg.
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế, đánh giá, hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 42.620 con lợn. Trong khi, virus tả lợn châu Phi có khả năng còn lưu hành, tồn tại trong môi trường và đàn lợn khá cao, nhất là điều kiện thời tiết như hiện nay. Không những thế, dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin tiêm phòng và phác đồ điều trị. Vì vậy, UBND thị xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực tiếp xuống nơi xảy ra dịch bệnh để khoanh vùng dập dịch đúng theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Cục Thú y.
Đối với cấp tỉnh, để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch phát sinh, lây lan trên địa bàn, ngày 18/5, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của Trung ương, Bộ NN&PTNT và của tỉnh; tránh tình trạng chủ quan, lơ là, để dịch bệnh lây lan khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, tổ chức thông tin, tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn cho người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động giám sát đàn lợn có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan thú y để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; rà soát tổng đàn lợn của địa phương, triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn...
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, Sở sẽ tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, đặc biệt là công tác giám sát, quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, kiểm soát vận chuyển, giết mổ và các biện pháp xử lý ổ dịch; thành lập các đoàn công tác, đội phản ứng nhanh để kiểm tra, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện. Tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh trong tỉnh để phát hiện sớm, cảnh báo và kịp thời tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()