Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 18:19 (GMT +7)
TP Hạ Long: Chủ động phương án ứng phó thiên tai
Thứ 6, 10/06/2022 | 08:36:52 [GMT +7] A A
Nằm trong xu thế chung của biến đổi khí hậu cộng với đặc điểm địa hình có độ dốc lớn về phía biển, trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, một số khu dân cư lại có cốt nền quá thấp, do đó, TP Hạ Long thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập úng, sạt lở, lũ ống. Trước thực trạng này, thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là trong mùa mưa bão.
Xử lý các điểm ngập lụt, sạt lở
Khu 7, phường Cao Thắng - nơi tiếp giáp với Khu đô thị Lideco Bãi Muối là một trong những điểm nóng về ngập lụt của thành phố mỗi khi xuất hiện mưa lớn. Nguyên nhân là do khu vực này có cốt đường chưa đồng bộ, chỗ cốt đường cao, chỗ lại thấp hẳn, trong khi hệ thống cống thoát nước cũ không đáp ứng được yêu cầu thoát nước, nên tình trạng ngập cục bộ thường xuyên xảy ra khi có mưa lớn.
Ông Nguyễn Hoài Nam (Tổ trưởng tổ 65, khu 7) cho biết: Trước đây, bà con luôn sống trong lo lắng. Mõi lần mưa lớn, nước lại tràn vào nhà, đồ đạc hư hỏng, cuộc sống đảo lộn. Nhiều hộ dân có dành dụm được tiền, muốn nâng cao chất lượng cuộc sống cũng không dám sắm sửa đồ đạc. Thế nhưng đấy là câu chuyện của những năm về trước rồi. Từ tháng 8/2021 đến nay, sau khi được thành phố đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng đường giao thông, cống thoát nước, tình trạng ngập lụt đã được giải quyết. Đây là nỗ lực rất lớn của thành phố để đảm bảo cho đời sống của người dân ngày càng được ổn định hơn.
Tiếp nối sau khu 7, phường Cao Thắng, tháng 4/2022, UBND thành phố đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhóm nhà ở và nhà văn hóa khu phố 5, phường Hà Lầm (đây cũng là khu dân cư thường xuyên bị ngập úng mỗi khi có mưa lớn). Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố đang thực hiện các thủ tục để sớm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch được phê duyệt. Dự kiến việc triển khai nâng cấp, mở rộng đường giao thông, cống thoát nước cho khu phố 5, phường Hà Lầm hoàn thành trong năm nay.
Còn tại những khu vực ngập lụt như: Khu 3 (phường Cao Xanh), khu phố 1, 2 (phường Tuần Châu), thành phố cũng đã triển khai xong việc nạo vét các tuyến cống ngầm, hoàn thiện tuyến cống thoát nước, khơi thông dòng chảy tại các cửa thoát nước. Riêng tại khu 5, 6 (phường Yết Kiêu), thành phố chỉ đạo Công ty CP Xây dựng công trình 507 sớm có biện pháp sửa chữa, bù lún nền đường tránh ngập úng khi thuỷ triều dâng trong năm 2022.
Đối với những khu vực cần di dời cấp bách dân cư, qua rà soát của thành phố cho thấy có gần 300 hộ dân bị ảnh hưởng tập trung tại 4 phường: Yết Kiêu, Giếng Đáy, Hồng Gai, Bạch Đằng. Bao gồm 145 hộ dân ảnh hưởng bởi đá rơi từ núi Bài Thơ tại khu 4 (phường Hồng Gai) và khu 1 (phường Bạch Đằng); 120 hộ có nguy cơ sạt lở tại khu 5 (phường Yết Kiêu) và khu 3A (phường Giếng Đáy); khoảng 10 hộ dân phường Hồng Gai nằm trong phạm vi ranh giới bảo vệ di tích Khu chứng tích nhà giam tù chính trị của thực dân Pháp.
Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, tất cả các khu vực này thành phố đều xây dựng phương án xử lý cụ thể, chi tiết. Với 145 hộ dân bị ảnh hưởng bởi đá rơi từ núi Bài Thơ, thành phố đã cho tạm dừng thực hiện cấp giấy phép xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở nằm trong các khu vực bị ảnh hưởng, khu vực có vị trí lân cận Khu di tích văn hóa núi Bài Thơ và đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, khu vực nghiên cứu quy hoạch chỉnh trang gắn với di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường để mở rộng chợ Hạ Long. Đồng thời, giao Phòng Quản lý đô thị tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thuê đơn vị có chức năng kiểm tra, đánh giá mức độ, nguy cơ đá rơi de dọa đến tính mạng con người để làm cơ sở hoàn thiện phương án di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân đảm bảo theo đúng quy định.
Hay như với 3 hộ dân phường Yết Kiêu có nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng bởi việc triển khai thi công dự án của Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long, thành phố đã yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để tổ chức di dời các hộ dân, tài trợ kinh phí lập quy hoạch và thiết kế.
Xác định vùng trọng điểm
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão, lượng mưa có xu hướng gia tăng, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan... Để ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu năm, TP Hạ Long đã xây dựng xong phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2022 đảm bảo sát với thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự thành phố, cho biết: Rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai công tác PCTT-TKCN của thành phố trong những năm qua và tình hình thực tế của địa phương, năm 2022, thành phố đã tập trung xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ chịu ảnh hưởng để đưa ra những giải pháp ứng phó toàn diện, phù hợp và kịp thời hơn nữa.
Theo đó, trong phương án PCTT-TKCN năm 2022, trên địa bàn TP Hạ Long có 5 khu vực trọng điểm: Khu vực trên biển; khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, ngập lụt; khu vực đê, kè chắn sóng; khu vực hồ, đập; khu vực có nguy cơ lốc xoáy. Đối với từng khu vực, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị các phương án trước khi thiên tai xảy ra, triển khai thực hiện trong thời gian thiên tai xảy ra, và sau khi thiên tai đi qua. Tất cả các công tác triển khai đều phải được thực hiện nghiêm túc theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Để đảm bảo tính liên tục, kịp thời trong công tác PCTT-TKCN, thành phố đã xây dựng phương án chỉ đạo điều hành, hiệp đồng và dự kiến các tình huống có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Trác Ninh, Phó Chủ tịch UBND phường Cao Thắng, chia sẻ: Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, trong đó thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Nhất là từ sau trận mưa lụt lịch sử năm 2015. Vì thế, phường đã luôn bám sát các văn bản chỉ đạo, điều hành của thành phố; tăng cường kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ phát sinh sự cố nguy hiểm trong mùa mưa bão để đề xuất thành phố có các giải pháp ứng phó kịp thời. Hằng ngày, các thông tin liên quan đến công tác PCTT-TKCN được phường cập nhật kịp thời lên đường dây nóng của thành phố.
Cũng giống như phường Cao Thắng, căn cứ vào phương án của thành phố, các phường, xã đều tiến hành xây dựng phương án PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự của địa phương mình. Đồng thời có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện cụ thể, chi tiết để di dời, sơ tán ở các khu vực xung yếu đến nơi tạm cư an toàn. Trong quá trình mưa lớn xảy ra có thể bị chia cắt, cô lập hoàn toàn, thành phố cũng yêu cầu UBND các xã vùng cao phải có phương án cụ thể về phối hợp điều hành, phân công lực lượng ứng trực; xây dựng cụ thể cả về tình huống khi đường giao thông bị lũ chia cắt, mất điện, mất thông tin liên lạc.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()