Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 21:13 (GMT +7)
Chủ động ứng phó thiên tai
Thứ 5, 16/05/2024 | 09:25:29 [GMT +7] A A
Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt và khó lường. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh luôn chủ động phòng ngừa, ứng phó.
Nhìn lại năm 2023, do ảnh hưởng của El Nino trên toàn quốc đã xảy ra nhiều đợt nắng nóng kỷ lục, kết hợp với mưa muộn làm cho mực nước tại các hồ chứa thủy điện thấp có tính lịch sử gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội, đó là mất điện diện rộng, kéo dài trong thời điểm nắng nóng đầu hè đã gây xáo trộn không nhỏ đến mọi mặt của xã hội. Đối với tỉnh, tuy không có nhiều bất thường nhưng cũng bị ảnh hưởng sâu sắc của tình trạng nắng nóng, mưa muộn trên địa bàn. Tỉnh chịu ảnh hưởng 1 cơn bão, 11 đợt mưa lớn, tình hình thiệt hại do thiên tai trong trên địa bàn không lớn, không có thiệt hại về người, thiệt hại về vật chất khoảng 500 triệu đồng, thấp nhất trong 4 năm gần đây.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 tiếp tục là năm chuyển pha ENSO (hiện tượng chuyển đổi giữa hai pha El Nino và La Nina), do vậy thời tiết khí hậu thường có những biến động mạnh trên phạm vi toàn quốc và khu vực Biển Đông. Bão, áp thấp nhiệt đới có thể xuất hiện nhiều hơn, hướng di chuyển phức tạp và tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Từ đầu năm 2024 đã thể hiện sự khắc nghiệt, cực đoan của thời tiết: Xuất hiện nắng nóng gay gắt kéo dài tại các tỉnh phía Nam Trung Bộ và Nam Bộ, có nơi nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục; cùng với đó là hiện tượng hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn diễn ra phức tạp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên. Đối với tỉnh Quảng Ninh, cần đề phòng các tình huống thiên tai cực đoan, khốc liệt, đặc biệt là bão, mưa đá, dông lốc và nắng nóng.
Căn cứ vào tình hình thực tế, tỉnh đã ban hành các chỉ đạo ứng phó thiên tai một cách phù hợp, cụ thể. Công tác phòng chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) được đổi mới theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt, linh hoạt, bám sát thực tiễn, nên đã giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Từ tỉnh đến địa phương đã huy động sự vào cuộc của người dân và cả hệ thống chính trị, tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả, nhanh chóng đưa người dân khu vực bị thiệt hại, sớm ổn định đời sống, sản xuất.
Các địa phương, đơn vị phân công cụ thể người phụ trách, chỉ huy phòng chống thiên tai đến từng địa bàn; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực, nhu yếu phẩm và thuốc men y tế; kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và dự trữ vật tư, thiết bị, nhân lực tại chỗ sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Nhân dân tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai được tuyên truyền, vận động dự trữ vật tư, nước uống, nhu yếu phẩm, thuốc men thông thường trước mùa mưa bão.
Cơ quan chức năng, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra công trình thủy lợi, đê điều, khu neo đậu tránh trú cho tàu cá và xác định những khu vực nguy hiểm, trọng điểm về PCTT&TKCN để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch và phương án PCTT&TKCN sát với thực tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, diễn tập và vận động, hướng dẫn nhân dân về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai; huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm về phòng chống thiên tai, bảo vệ dân cư ổn định sản xuất.
Đơn cử, TP Hạ Long đã tổ chức rà soát, kiểm tra và cập nhật thường xuyên bản đồ hiện trạng đối với 298 điểm có nguy cơ sạt lở, úng lụt trên địa bàn; yêu cầu UBND các xã, phường và chủ đầu tư các dự án xây dựng phương án, cảnh báo cho người dân chủ động phòng tránh; tổ chức đầu tư, sửa chữa, nạo vét, khơi thông các tuyến cống để đảm bảo thoát nước; tập trung nguồn lực đầu tư các công trình phòng chống thiên tai nằm trong phạm vi các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng với kinh phí trên 20 tỷ đồng...
Các đơn vị thuộc TKV trong quý I/2024 đã cơ bản hoàn thành san lấp các vùng trũng, hố tụ thủy gây ngấm nước trực tiếp xuống hầm lò; củng cố hệ thống kè, đập; đào, xúc, nạo vét hệ thống hố lắng, rãnh thoát nước mặt bằng các khai trường; sửa chữa, bảo dưỡng máy bơm, máy phát điện, tuyến ống bơm thoát nước... Các đơn vị chủ động phối hợp, hiệp đồng với chính quyền địa phương và các đơn vị xung quanh huy động lực lượng phòng chống thiên tai.
Nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai được các địa phương, đơn vị lồng ghép triển khai; kết hợp sử dụng đa dạng các hình thức thông tin (truyền thanh, truyền hình, nhắn tin, mạng xã hội ...) để chuyển tải kịp thời, liên tục thông tin về thiên tai đến cộng đồng, tăng cường trong dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống thiên tai Việt Nam (22/5) và Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai (15-22/5).
Phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế yếu kém, bám sát tình hình thiên tai, thảm họa có thể xảy ra, tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyệt đối không chủ quan và tập trung triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, xác định phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn xã hội; lấy phương châm “Ba trước, bốn tại chỗ” làm chủ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và nhân dân kết hợp huy động và sử dụng có hiệu quả, kịp thời sự hỗ trợ của trung ương; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, phối hợp tốt với các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn để có phương án huy động kịp thời ứng phó các tình huống; nâng cao năng lực xử lý tình huống.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()