Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 14:01 (GMT +7)
Chủ tịch Quốc hội: Rà soát nội dung nào chắc chắn mới đưa vào chương trình 2024
Thứ 5, 14/12/2023 | 17:10:49 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 28, chiều 14/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chương trình công tác năm 2023 bám sát các nội dung trọng tâm đã đề ra
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) năm 2024.
Đánh giá khái quát việc thực hiện chương trình công tác của UBTVQH năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tính đến tháng 12/2023, UBTVQH đã chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp bất thường của Quốc hội; đã tiến hành 16 phiên họp, trong đó có 10 phiên họp thường kỳ, 1 phiên họp chuyên đề pháp luật, 2 phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp thứ 7 và 3 phiên họp khác; xem xét 181 nội dung (bao gồm 168 nội dung xem xét tại phiên họp, 13 nội dung xem xét, cho ý kiến bằng văn bản).
Các nội dung trình UBTVQH đều được xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tại phiên họp hoặc được gửi xin ý kiến bằng văn bản, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao khi quyết định, tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Với những vấn đề lớn, quan trọng, còn ý kiến khác nhau liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, UBTVQH đã xem xét nhiều lần để bảo đảm sự thận trọng, kỹ lưỡng và kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo sát sao, bố trí nhiều cuộc làm việc với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa” để nghe các cơ quan báo cáo về công tác chuẩn bị thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết, bảo đảm chất lượng trước khi trình UBTVQH.
Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, việc triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2023 đã bảo đảm bám sát các nội dung trọng tâm đã đề ra, đồng thời, có sự linh hoạt và được cập nhật thường xuyên, kịp thời. Những nội dung được Chính phủ, các cơ quan đề nghị bổ sung vào Chương trình đã được UBTVQH chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội xem xét với tinh thần hết sức khẩn trương, bảo đảm chất lượng, tuân thủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Chỉ rõ một số bất cập, hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến tháng 12/2023, vẫn còn 11 nội dung đã có trong Chương trình công tác năm 2023 chưa được xem xét, phải chuyển sang năm 2024.
Trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ cụ thể còn một số nội dung chưa bảo đảm thời hạn trình UBTVQH xem xét, phải lùi so với dự kiến (do các cơ quan trình không chuẩn bị kịp tài liệu). Việc ban hành một số văn bản của UBTVQH quy định chi tiết nội dung được giao trong luật còn chưa bảo đảm tiến độ đề ra trong Chương trình công tác, chưa bảo đảm có hiệu lực đồng thời với luật.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, nguyên nhân của những bất cập, hạn chế nêu trên là do việc nghiên cứu, đề xuất, cho ý kiến về các nội dung trong Chương trình công tác năm của UBTVQH còn chưa được các cơ quan quan tâm và dành thời gian thỏa đáng, dẫn đến nội dung đề xuất thiếu tính dự báo, trong quá trình triển khai cụ thể thường xuyên phải đề xuất bổ sung, điều chỉnh.
Rà soát nội dung nào chắc chắn mới đưa vào chương trình 2024
Đề cập về dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của UBTVQH năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị quyết, tuân thủ đúng thẩm quyền của UBTVQH và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của UBTVQH và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý trong việc bố trí các nội dung thuộc Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong việc xem xét, quyết định, cho ý kiến của UBTVQH.
Dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của UBTVQH năm 2024 gồm 3 điều và Phụ lục Dự kiến các phiên họp thường kỳ và phiên họp chuyên đề của UBTVQH năm 2024.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề cập về một số vấn đề lớn báo cáo, xin ý kiến UBTVQH như về việc bố trí các phiên họp và một số hội nghị, hoạt động khác do UBTVQH tổ chức; về một số nội dung các cơ quan đề nghị nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; về một số nội dung UBTVQH xem xét, cho ý kiến bằng văn bản; về các nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Chương trình công tác của UBTVQH năm 2023 hết sức tích cực, nỗ lực tối đa, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết và trước mắt. Bằng chứng là ngoài các kỳ họp thường kỳ, đã tổ chức 4 kỳ họp bất thường, qua đó cho thấy rất nhiều việc cần giải quyết.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh chương trình là đương nhiên do dự kiến và thực tiễn khác nhau. Tuy nhiên, tán thành ý kiến của các Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đánh giá lại việc điều chỉnh chương trình quá nhiều. Đây là trách nhiệm đầu mối của các Ủy ban cần rút kinh nghiệm để phối hợp với các cơ quan của Chính phủ.
“Sau này có lẽ phải kiểm điểm lại theo từng tháng, bao nhiêu đầu việc chậm, phải thay đổi do bộ phận nào chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban của Quốc hội cần rút kinh nghiệm, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ “tuy hai mà một” cần gần gũi, đốc thúc, nhắc nhở trong việc phối hợp. Đề nghị Chương trình công tác của UBTVQH năm 2024 cần siết lại vấn đề này, truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra chậm trễ thì cần kiên quyết xử lý.
Chủ tịch Quốc hội thống nhất cần rà soát lại để xem xét nội dung nào chắc chắn thì đưa vào chương trình, nội dung nào không đảm bảo thì không đưa vào. Do đó, đề nghị cần tăng cường kỷ luật kỷ cương và các Ủy ban của Quốc hội phải bám sát các nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong thời gian qua dù rất nhiều công việc nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công việc. Đồng thời đề nghị các Ủy ban cần rút kinh nghiệm và tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan của Chính phủ.
Quan tâm đến phiên họp tháng 1/2024, với công tác chuẩn bị như hiện tại, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sẽ khó khăn cho công tác chuẩn bị Kỳ họp bất thường. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tinh thần phiên họp tháng 1/2024 là chỉ ưu tiên các nội dung liên quan đến Kỳ họp bất thường, còn các nội dung khác lùi lại sang tháng 2/2024 như Luật BHXH (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần ưu tiên tập trung vào các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu các nội dung này không kịp, không đảm bảo thì lùi lại đến Kỳ họp gần nhất.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội để chuẩn bị kỹ các nội dung, nếu chưa thống nhất thì tiếp tục họp để cho ý kiến. Đồng thời lưu ý nhanh chóng tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung cho Kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()