Trong Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức vào sáng 10/9 tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Ý kiến thảo luận của các đại biểu “Quốc hội trẻ em” và đặc biệt là Nghị quyết phiên họp là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể có sự chuẩn bị tốt hơn trong ban hành các chính sách pháp luật liên quan tới trẻ em.
Đến dự Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước.
Tham dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Bùi Văn Cường, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.
Ý kiến từ những đại diện của cử tri trẻ em cả nước
Tại Phiên họp giả định, 263 đại biểu trẻ em đã đóng vai các đại biểu Quốc hội và những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ. Với vị trí, nhiệm vụ được phân công, các đại biểu “Quốc hội trẻ em” đã đề ra những giải pháp không chỉ với tư cách là đại biểu “dân cử” mà còn là lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Trong phát biểu khai mạc Phiên họp giả định, Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Đặng Cát Tiên khẳng định: diễn ra vào thời điểm trẻ em cả nước đang hân hoan, náo nức tựu trường, đón chàonăm học mới 2023-2024, phiên họp thể hiện ý nghĩa quan trọng, tinh thần trách nhiệm trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.
Theo Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Đặng Cát Tiên, trước phiên toàn thể, các đại biểu “Quốc hội trẻ em” đã thảo luận tại tổ vào chiều 9/9, qua đó đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức, kỹ năngphòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường kỹ năng tương tác an toàn trên không gian mạng cho trẻ em; cải thiện điều kiện cơ sở vật chất để trẻ em được ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò các cấp, ngành cùng gia đình, nhà trường, xã hội và vai trò trẻ em trong công tác bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh những nội dung trên, tại phiên toàn thể, các đại biểu “Quốc hội trẻ em” đã phản ánh nhiều mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em trên cả nước, đồng thời tiến hành tranh luận để làm rõ các vấn đề liên quan.
Theo đại biểu “Quốc hội trẻ em” Bùi Thị Quỳnh Chi (Hà Tĩnh), thực tế cho thấy, các nhà trường đã tổ chức các buổi tập huấn về phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em, nhưng lại thiếu những biện pháp thiết thực kèm theo. Cụ thể, việc tuyên truyền thường chỉ được lồng ghép trong các giờ chào cờ dưới dạng diễn thuyết, thiếu điểm nhấn, không có thực hành, gây nhàm chán và hiệu quả không cao.
Từ đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Chi đề xuất: các hoạt động truyền thông, giáo dục liên quan có thể được tổ chức theo khối lớp, theo thời lượng từ 30-45 phút, đồng thời có khảo sát đánh giá mức độ tiếp thu của học sinh. Các nhà trường cần tăng cường hiệu quả hoạt động củaĐội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minhbằng những hình thức đa dạng như Hộp thư “Điều em muốn nói”, câu lạc bộ “Quyền trẻ em”, đối thoại giữa giáo viên và học sinh…
Liên quan đến phát huy vai trò gia đình, nhà trường trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu “Quốc hội trẻ em” Ngô Thị Kim Cương (Tây Ninh) cho rằng, tình trạng ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng, cũng như yêu cầu để trẻ em được tương tác lành mạnh, an toàn trên không gian mạng đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết.
Dẫn ý kiến cử tri trẻ em về vấn đề nêu trên, đại biểu Ngô Thị Kim Cương bày tỏ lo ngại đối với việc gia đình, nhà trường và các thầy, cô giáo còn chưa chú trọng giáo dục, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức sử dụng mạng đúng cách cho trẻ em. Trong khi đó, trẻ em hiện nay được tiếp xúc với mạng xã hội từ quá sớm, nhưng hàng rào kỹ thuật cần thiết để phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng lại chưa được quan tâm đúng mức.
Cũng tại phiên toàn thể, đã có một số đại biểu “Quốc hội trẻ em” phát biểu tranh luận, các “Bộ trưởng trẻ em” phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đã nêu. Kết thúc phiên toàn thể, các đại biểu “Quốc hội trẻ em” đã thông qua Nghị quyết, với vai trò báo cáo kiến nghị của trẻ em đến thực trạng, giải pháp về 2 nội dung của phiên họp là “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại, trẻ em” và “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo, trên môi trường mạng”.
Tiếng nói của trẻ em làm thay đổi nhận thức của người lớn
Sau khi Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất khép lại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu ý kiến, khẳng định:Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em.
Với tình cảm nồng ấm và niềm tin tưởng sâu sắc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương thành tích, sự nỗ lực của các đại biểu “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất, đặc biệt là việc chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, thể hiện sự chững chạc, phong thái tự tin, có suy nghĩ chín chắn, sâu sắc khi đóng vai những đại biểu Quốc hội, thậm chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ trong điều hành, thảo luận, và thật sự đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị xác đáng để giải quyết những vấn đề của trẻ em.
Đồng chí Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất tiếp tục học tập, rèn luyện tốt, luôn mang hoài bão, ước mơ để trưởng thành, phấn đấu nhận được sự tín nhiệm của nhân dân, trở thành những đại biểu Quốc hội chính thức trong tương lai.
Theo Chủ tịch Quốc hội, sự thể hiện xuất sắc của các đại biểu “Quốc hội trẻ em” đã cho thấy, mô hình Quốc hội giả định đã thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phầnbảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Thực tế cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới.
Ý kiến thảo luận của các đại biểu “Quốc hội trẻ em” và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em.
Biểu dương Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở một số nội dung nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới.
Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiệnchính sách, pháp luật, các chương trình, đề án về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, quan tâm, đầu tư các nguồn lực, cả về ngân sách và con người để thực hiện công tác trẻ em.
Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, kịp thời tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề thời sự cấp bách có liên quan đến trẻ em.
Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề nổi lên trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là những vấn đề đã nêu tại Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất; rà soát để hoàn thiện, chỉ đạo thực hiện các chính sách chăm lo cho trẻ em, nhất làtrẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, con em công nhân, người lao động.
Tiếng nói của trẻ em đã làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới.
Chủ tịch Quốc hộiVương Đình Huệ
Gia đình cần quan tâm đến sức khỏe thể chất, tâm lý của trẻ em, tránh gây áp lực cho các em về học tập và cuộc sống. Đối với các nhà trường, các thầy, cô giáo hãy tạo điều kiện, môi trường giáo dục giúp các cháu mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần tăng cường các hoạt động đối thoại với trẻ em; nghiên cứu lồng ghép các chỉ tiêu phát triển trẻ em vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; bố trí ngân sách thực hiện các chương trình, dự án, đề án về công tác trẻ em.
Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan liên quan nhằm định kỳ tổ chức ngày càng tốt hơn Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” để lắng nghe, giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em cả nước.
Các cấp bộ Đoàn, Đội cần tiếp tục phát huy vai trò đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; chủ động, sáng tạo tham mưu, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với các đối tượng trẻ em.
Ý kiến ()