Theo ông Lĩnh, trong tháng 5, ông quen một người ở Đăk Lăk, giới thiệu đang du học tại Nhật Bản. Sau đó, người này rủ ông làm thành viên phân phối các sản phẩm điện tử từ Trung tâm Thương mại GUM (Nga).
Ngày 20/5, chủ tịch xã nộp 500 USD để đăng ký làm thành viên và được "đối tác gửi các sản phẩm" để phân phối. Hai hôm sau, ông Lĩnh được trả 3,1 triệu đồng tiền chiết khấu.
Để được nâng cấp lên thành viên Gold, ông Lĩnh nộp thêm 52 triệu đồng và được phân phối các sản phẩm có giá trị lớn. Tuy nhiên, ông phải nộp nhiều loại phí khác nhau, trong đó có "phí xác minh thông tin rửa tiền" là 30.000 USD.
Tổng cộng, chủ tịch xã đã nộp gần 10 lần, với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng. Khi muốn rút, "nhân viên GUM" yêu cầu nộp thêm các loại phí khác nhưng ông không rút được nên trình báo Công an tỉnh Kon Tum.
Ngày 16/7, trong bản giải trình, Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho rằng, mục đích trình báo là để cơ quan điều tra làm rõ hoạt động của Trung tâm Thương mại GUM, vì nghi ngờ tổ chức này lừa đảo. Số tiền 4,6 tỷ đồng là của người thân trong gia đình ông và vay ngân hàng.
"Tôi khẳng định số tiền tôi đóng vào đó chưa mất. Tôi đang nhờ người quen, bạn bè tại Nga, làm việc trực tiếp với trung tâm thương mại này để thỏa thuận lấy lại số vốn đã góp", ông Lĩnh trình bày.
Công an tỉnh Kon Tum đang xác minh vụ việc.
Ý kiến ()