Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 12:24 (GMT +7)
Chú trọng quy hoạch sản xuất nông nghiệp
Thứ 6, 14/01/2022 | 14:10:08 [GMT +7] A A
Quy hoạch sản xuất nông nghiệp là giải pháp nhằm sử dụng đất nông nghiệp phù hợp, có hiệu quả, phát huy lợi thế từng vùng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm, thủy sản và đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc chú trọng rà soát, điều chỉnh, giải quyết bất cập quy hoạch sẽ góp phần giúp ngành nông nghiệp Quảng Ninh tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần vào phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.
Nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được tỉnh chú trọng thời gian qua với các giải pháp như: Phê duyệt 14 quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi; hình thành 17 vùng sản xuất hàng hóa tập trung về nông, lâm, thủy sản, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm dịch vụ; thu hút 52 dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng...
Các ngành và địa phương của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của địa phương. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế còn tồn tại như: Tỷ lệ rừng gỗ lớn, cây bản địa còn thấp; các sản phẩm gỗ khai thác từ rừng hiện chủ yếu dùng làm nguyên liệu phục vụ chế biến thô, gây lãng phí tài nguyên; tính đa dạng sinh học, chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn nhiều nơi giảm sút; ngành nuôi trồng thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng thực tế, với số lượng người dân nuôi tự phát và nuôi ngoài quy hoạch còn nhiều; công tác thực thi triển khai quy hoạch ở các địa phương, khu vực biển còn gặp nhiều khó khăn...
Từ việc nhận diện những thuận lợi, khó khăn, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đang tích cực triển khai những biện pháp khắc phục hạn chế. Bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 479/QĐ-TTg ngày 7/4/2020. Nội dung quy hoạch ngành nông nghiệp cũng đã được khẩn trương nghiên cứu, rà soát để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Sau khi hội đồng Quy hoạch tỉnh được thành lập, tháng 4/2021, Sở NN&PTNT đã thành lập Tổ phục vụ công tác quy hoạch của ngành do đồng chí Giám đốc sở làm Tổ trưởng, các Phó Giám đốc sở là Tổ phó, thủ trưởng các phòng chuyên môn và chi cục trực thuộc là thành viên trong tổ. Qua đó, giúp đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các phương án phát triển và bố trí không gian nông, lâm nghiệp, thủy sản, phương án phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, củng cố mạng lưới thủy lợi, cấp nước, tài nguyên nước...
Ông Phạm Trường Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở NN&PTNT) cho biết: Do tích hợp chung trong quy hoạch của tỉnh, nên việc lập quy hoạch cho ngành nông nghiệp cũng phải tháo gỡ những xung đột giữa các ngành, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất. Không gian đất đai thể hiện sơ bộ trên bản đồ cũng vì tích hợp cả quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai... nên việc kiểm soát quỹ đất cũng khó khăn. Tuy nhiên đến nay, các quy hoạch về nông, lâm, thủy sản; quy hoạch lâm nghiệp; quy hoạch chi tiết thủy lợi; đề án đảm bảo an ninh nguồn nước đã được sở rà soát, báo cáo UBND tỉnh và tiếp tục chỉnh sửa để tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo chỉ đạo trong thời gian sớm nhất.
Mục tiêu chung cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn tiếp theo là tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh, phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Mục tiêu cụ thể phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành khoảng 3,5-5,5%; sản lượng lương thực khoảng 230.000 tấn/năm; giá trị sản xuất thủy sản theo giá cố định tăng trưởng khoảng 7,2%/năm, chiếm trên 60% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng...
Năm 2021, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh hoàn thành 9/9 chỉ tiêu đề ra. Trong đó, nhiều chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao, như: Diện tích trồng rừng tập trung tăng 25,41%; sản lượng khai thác gỗ tăng 38%; tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng 12%; tổng sản lượng thủy sản tăng 7%; tổng diện tích gieo trồng hàng năm tăng 1,7%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 0,7%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%; tỷ lệ diện tích đất canh tác nông nghiệp được tưới nước chủ động đạt trên 85%...
Toàn tỉnh hình thành được trên 1.000ha vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp VietGAP, 90ha diện tích vùng trồng trọt hữu cơ, 28 cơ sở chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi; 416 cơ ở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm...
|
Liên kết website
Ý kiến ()