Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 11:10 (GMT +7)
Chủ trương, chính sách hợp lòng dân
Chủ nhật, 12/11/2023 | 20:18:00 [GMT +7] A A
Những nụ cười hân hoan, vui tươi rạng rỡ, những cái bắt tay đầy phấn khởi thể hiện niềm tin tưởng, lạc quan, tự hào về thành tựu đổi mới từng ngày của quê hương là hình ảnh được bắt gặp nhiều nhất trong Ngày hội ĐĐKTDT năm 2023. Đây là minh chứng cụ thể, sinh động nhất cho những chủ trương, quan điểm đúng đắn xuyên suốt của tỉnh thời gian qua, khẳng định vai trò của người đứng đầu cũng như sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tất cả nhằm mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị
Cũng như các khu dân cư trong toàn tỉnh, không khí vui tươi, đầm ấm của Ngày hội ĐĐKTDT đang lan tỏa khắp các thôn, bản, khu phố ở xã miền núi Đại Dực (huyện Tiên Yên). Đây là năm thứ 4 Đại Dực tổ chức Ngày hội sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập xã Đại Thành vào xã Đại Dực, ai ai cũng rộn ràng và háo hức, tình làng, nghĩa xóm càng thêm bền chặt.
Cùng nhau ôn lại lịch sử vẻ vang 93 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, nghe báo cáo tình hình khối ĐĐKTDT và những kết quả thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng liên khu dân cư thời gian qua, mọi người dân nơi đây đều cảm thấy vô cùng tự hào và phấn khởi bởi sự đổi thay vượt bậc của một vùng đất từng là địa bàn khó khăn nhất của tỉnh. Đặc biệt, sau 4 năm sáp nhập, Đại Dực thực sự bước sang một trang mới với một diện mạo mới. Từ thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính xã Đại Thành vào xã Đại Dực không chỉ tạo ra không gian phát triển rộng lớn hơn mà còn góp phần khai thác, đánh thức các tiềm năng mới, động lực mới của vùng đất này, tạo tiền đề cho sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội của địa phương.
Trước khi sáp nhập, Đại Dực và Đại Thành là 2 xã thuộc diện khó khăn nhất tỉnh: Tỷ lệ hộ nghèo trên 10%; hạ tầng giao thông chưa được cứng hóa; người dân chưa được sử dụng nước sạch, chủ yếu là nước khe suối... Đến nay Đại Dực là xã duy nhất của huyện không có hộ nghèo tiêu chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025. Năm 2021 Đại Dực đạt chuẩn NTM, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 64 triệu đồng.
Bà Trần Thị Phúc (thôn Khe Lục, xã Đại Dực) chia sẻ: Chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, tôi rất vui mừng, phấn khởi. Ngày hội ĐĐKTDT đã thật sự trở thành ngày hội lớn của cả thôn. Bên những mâm cơm liên hoan ấm áp, bà con ai cũng vui mừng trước những đổi thay tươi đẹp của thôn. Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Đường sá được bê tông hóa, đi lại thuận tiện; người dân được sử dụng nước sạch. Bà con ngày càng đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, công việc.
Những kết quả trên là minh chứng cho sự nỗ lực quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả từ những chủ trương, quyết sách hợp lòng dân. Với quan điểm “hạ tầng đi trước một bước, giao thông đi trước mở đường”, tỉnh đã quan tâm ưu tiên, bố trí ngân sách đầu tư nhiều công trình động lực trên địa bàn xã. Đặc biệt những tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ được hoàn thành, thay thế con đường nhiều dốc cao, gập ghềnh trước kia. Năm 2023 xã còn được xây mới, nâng cấp các công trình nước sạch. Đây là những công trình hết sức ý nghĩa thể hiện sự quan tâm của tỉnh, huyện trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.
Ông Đặng Văn Thanh (thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực) chia sẻ: Thời gian qua, tỉnh và huyện quan tâm đầu tư tuyến đường, công trình nước sạch, Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ, tạo điều kiện cho người dân giao lưu hàng hóa, có điểm sinh hoạt vui chơi, tổ chức các lễ hội, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc.
Tất cả những điều này càng khẳng định việc sáp nhập xã Đại Thành vào xã Đại Dực là một chủ trương rất đúng đắn của trung ương, của tỉnh, huyện, đặc biệt là sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân. Từ những chủ trương đúng đắn, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, huyện, sự gương mẫu, đi đầu của các cán bộ, đảng viên đã góp phần thôi thúc tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tự chủ của nhân dân trong thực hiện nếp sống văn hóa văn minh, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu; phát triển mô hình du lịch cộng đồng...
Chung vui cùng nhân dân xã Đại Dực trong Ngày hội ĐĐKTDT, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, bày tỏ sự xúc động, phấn khởi trước sự chuyển mình mạnh mẽ rất nhanh chóng của xã sau mỗi lần trở lại nơi đây. Đồng chí nhấn mạnh: Nhìn vào sự chuyển biến tích cực trong mọi lĩnh vực của Đại Dực không chỉ dừng lại câu chuyện của một xã, mà đã chỉ ra những bài học quý trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào dân tộc miền núi, hải đảo. Đó là mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đều hướng đến chăm lo cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách Đảng, định hướng phát triển của tỉnh, phụ thuộc rất nhiều vào người dân - bởi người dân là trung tâm, là chủ thể, nhất là trong xây dựng NTM, phát triển kinh tế làm giàu, phát triển du lịch cộng đồng dựa vào thiên nhiên, con người, văn hóa. Có được các chủ trương đúng đắn, tuy nhiên khâu tổ chức thực hiện đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải luôn nêu gương, làm gương, sâu sát cụ thể, biết đưa những chủ trương đó thành hiện thực dựa trên sức mạnh đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh của người dân.
Mọi quyết sách đều vì hạnh phúc của nhân dân
Niềm vui, niềm tự hào về những đổi thay của quê hương, về nhịp sống tươi vui, tiến bộ, phát triển được hiện hữu trong ánh mắt, nụ cười, lời ca tiếng hát, được nhân lên, nối dài với mỗi người dân toàn tỉnh trong Ngày hội ĐĐKTDT. Qua thực tiễn hoạt động các địa phương sau thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được truyền tải đến người dân một cách đầy đủ, thuận lợi hơn, tạo điều kiện để triển khai sôi nổi, sâu rộng các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, góp phần hoàn thành thắng lợi các các chỉ tiêu KT-XH, bảo đảm ANTT trên địa bàn. Đồng thời giúp các địa phương huy động, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng KT-XH, công trình phúc lợi công cộng, xây dựng NTM, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, nhất là ở các địa bàn còn nhiều khó khăn.
Từ chủ trương lớn của Đảng tới sự hợp sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã và đang tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng những xã, phường, thôn, khu phố ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Với phương châm mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong mỗi quyết sách của tỉnh luôn đặt người ở vị trí trung tâm. Quảng Ninh đã quán triệt trong cán bộ, đảng viên của toàn bộ hệ thống chính trị phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu trong quá trình thực thi nhiệm vụ, chức trách của mình. Đó không chỉ là những người đứng đầu “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách”, mà còn là đội ngũ CBCC nhiệt huyết, tận tâm với tinh thần “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, thực sự “vì hạnh phúc của nhân dân” để tham mưu, đề xuất các vấn đề mang đến lợi ích cho nhân dân. Từ đó chất lượng cuộc sống của nhân dân có được sự quan tâm, chăm chút, bảo vệ, thực hiện thành công chủ đề công tác năm về “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”.
Gần những ngày cuối cùng của năm 2023 trong niềm vui của Ngày hội ĐĐKTDT, nhìn lại chặng đường đã qua với muôn vàn khó khăn, thử thách; bằng sự đoàn kết, nhất trí một lòng, quyết tâm cao độ của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Quảng Ninh đã hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu kinh tế, xã hội: Tăng trưởng kinh tế ước đạt 11,02 %, lập kỳ tích 8 năm liền tăng trưởng 2 con số; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục trên 3,1 tỷ USD...
Nhất là chỉ tiêu “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân” được tập trung đẩy mạnh, đạt được những kết quả rõ nét, đong đếm được, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi. Tỉnh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của trung ương và triển khai áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh cao hơn quy định của Trung ương; tạo việc làm tăng thêm ước đạt 21.000 người, tăng 5% kế hoạch cả năm. Tỉnh chỉ đạo tập trung hoàn thành Đề án cấp nước sạch nông thôn Quảng Ninh đến năm 2025, đảm bảo mục tiêu trên 70% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.
Công tác giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Những công trình trường học chất lượng cao được hoàn thành đưa vào sử dụngdịp khai giảng năm học 2023-2024 như Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long), Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu), Trường THPT Cẩm Phả (TP Cẩm Phả) đã nhân lên niềm vui của thầy, trò các trường. Đó cũng là những nỗ lực của tỉnh để mỗi huyện có ít nhất 1 trường học công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao (chuẩn mức độ 2 trở lên), nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy, học tập, tạo điều kiện sinh hoạt cho cán bộ, giáo viên... Dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90,22%. Qua đó góp phần hiện thực mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực, gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số; cải cách toàn diện GD&ĐT theo định hướng của Trung ương.
Đến hết tháng 10/2023, Quảng Ninh đã hoàn thành hỗ trợ 441 nhà trong chương trình xóa nhà ở tạm, dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh (xây mới 260 nhà, sửa chữa 181 nhà); mức hỗ trợ là 80 triệu đồng/nhà xây mới, 40 triệu đồng/nhà sửa chữa. Đây là một chủ trương có ý nghĩa rất lớn của tỉnh nhằm tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền, chăm lo đời sống nhân dân với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” tạo động lực, tiền đề hỗ trợ, giúp đỡ người dân có ngôi nhà kiên cố, an toàn để “an cư, lạc nghiệp”.
Tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp không ngừng cải thiện, thay đổi, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo; như Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Trong bài phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh (ngày 28/10), đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, đã bày tỏ sự vui mừng: “Về Quảng Ninh hôm nay, chúng ta vui mừng nhận thấy, từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền tới hải đảo tràn ngập sức sống mới, khí thế mới với tầm vóc mới, tạo niềm tin vững bước đi tới tương lai”.
Tự hào biết bao khi dáng hình, tầm vóc của vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc hôm nay được tạo dựng lên từ tinh thần, sức mạnh đoàn kết, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, bởi tất cả mọi sự phát triển của Quảng Ninh đều hướng đến nhân dân, đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân.
Trúc Linh - Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()