Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 02:46 (GMT +7)
Chuẩn bị gì khi tham gia phỏng vấn sàng lọc qua điện thoại?
Thứ 5, 09/01/2025 | 15:52:40 [GMT +7] A A
Sàng lọc qua điện thoại là phương pháp đầu tiên được nhà tuyển dụng lựa chọn để đánh giá sơ bộ về ứng viên. Chỉ sau vài phút, họ có thể quyết định bạn có đủ điều kiện tiến xa hơn trong quy trình tuyển dụng hay không. Đây là cơ hội để bạn xây dựng ấn tượng tốt đẹp và thể hiện thái độ chuyên nghiệp dù chỉ thông qua giọng nói.
Song song với đó, phỏng vấn sàng lọc qua điện thoại cũng là lúc bạn dễ bộc lộ những thiếu sót của bản thân nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Vậy, làm thế nào để thể hiện được sự tự tin và nổi bật ngay từ cuộc gọi này? Hãy cùng khám phá các bước chuẩn bị dưới đây để áp dụng khi tìm việc làm ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác nhé.
Tìm hiểu thật kỹ về công ty và vị trí ứng tuyển
Bạn không nhất thiết phải hiểu rõ mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất về công ty và vị trí ứng tuyển, nhưng ít nhất hãy nắm vững những thông tin sau:
-
Thông tin cơ bản về công ty: Họ là ai? Họ hoạt động trong lĩnh vực nào? Những thành tích họ đã đạt được? Tầm nhìn, sứ mệnh của họ là gì?
-
Mô tả công việc: Những yêu cầu chính của công việc này là gì? Bạn sở hữu những kỹ năng nào có thể đáp ứng tốt những yêu cầu đó?
Trong quá trình thu thập thông tin, đừng chỉ đọc lướt qua một cách hời hợt. Hãy đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng và suy nghĩ với vị trí này, mình sẽ tìm kiếm điều gì ở ứng viên? Điều này giúp bạn có những phân tích hợp lý, từ đó biết cách kết nối những kinh nghiệm, kỹ năng cá nhân với kỳ vọng của công ty.
Chọn thời gian và không gian phù hợp
Đừng xem nhẹ môi trường xung quanh khi nhận cuộc gọi từ nhà tuyển dụng. Một không gian yên tĩnh, không bị làm phiền bởi tiếng ồn hoặc những yếu tố bên ngoài sẽ giúp bạn duy trì sự tập trung tối đa. Bên cạnh đó, đừng quên kiểm tra sóng điện thoại và đảm bảo lượng pin để cuộc gọi không bị gián đoạn. Nếu nơi bạn đang đứng hoặc thời điểm nhận cuộc gọi không lý tưởng để thực hiện phỏng vấn sàng lọc qua điện thoại, đừng ngần ngại thông báo nhà tuyển dụng chờ đợi trong ít phút để bạn di chuyển đến địa điểm phù hợp hơn hoặc chủ động liên hệ lại khi bạn đã sắp xếp được thời gian thích hợp.
Luyện tập các câu phỏng vấn qua điện thoại thường gặp
Đừng chờ đến khi nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi rồi mới bắt đầu suy nghĩ đáp án. Bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị trước cho một số câu hỏi thường gặp trong quá trình screening call để có buổi phỏng vấn suôn sẻ và thành công hơn.
-
Hãy giới thiệu về bản thân bạn?
-
Tại sao bạn quan tâm đến vị trí này?
-
Điểm mạnh nào của bạn phù hợp với vị trí ứng tuyển?
Hãy luyện tập trước gương, thậm chí ghi âm lại để kiểm tra xem giọng điệu của bạn có rõ ràng, tự nhiên hay không. Lưu ý rằng, lời nói của bạn nên thể hiện sự chân thật nhưng cũng cần sự mạch lạc, logic và có mục đích.
Kết thúc cuộc gọi một cách chuyên nghiệp
Đừng quên cảm ơn nhà tuyển dụng vì đã dành thời gian trao đổi với bạn qua điện thoại. Một câu kết thúc lịch sự và khẳng định sự quan tâm của bạn đối với công ty và vị trí ứng tuyển sẽ giúp bạn để lại ấn tượng tích cực như:
“Cảm ơn anh/chị đã dành thời gian chia sẻ. Em rất hào hứng với cơ hội này và hy vọng sẽ sớm được tham gia vào các vòng phỏng vấn tiếp theo”.
Không quên theo dõi sau cuộc gọi
Dù là một vòng sàng lọc nhanh, việc gửi email cảm ơn sau khi cuộc gọi kết thúc sẽ giúp bạn thể hiện sự chuyên nghiệp, nhắc nhở nhà tuyển dụng về sự hiện diện và sự quan tâm của bạn dành cho công việc này.
Đây là mẫu email bạn có thể gửi đi để theo dõi sau cuộc gọi:
Kính gửi anh/chị,
Em rất cảm ơn anh/chị đã dành thời gian trao đổi về vị trí [Tên vị trí ứng tuyển]. Cuộc trò chuyện đã giúp em hiểu thêm về những kỳ vọng của anh/chị và những cơ hội khi làm việc tại công ty. Em hy vọng sẽ có cơ hội tham gia vào các vòng phỏng vấn tiếp theo.
Xin cảm ơn và chúc anh/chị một ngày tốt lành!
Một số bí quyết để ghi điểm trong buổi phỏng vấn sàng lọc
Giọng nói tự tin, thái độ tích cực
Giọng nói chính là hình ảnh đại diện của bạn khi nhà tuyển dụng chưa từng gặp mặt. Do đó, hãy giữ giọng nói dễ nghe, nhiệt tình và luôn duy trì sự thân thiện. Một lời chào mở đầu lịch sự là gợi ý để bạn tạo không khí thoải mái: “Chào anh/chị, em rất vui khi nhận được cuộc gọi từ công ty.”
Trả lời ngắn gọn nhưng đủ ý
Không ai muốn nghe một bài diễn thuyết dài dòng, nhưng một câu trả lời quá ngắn gọn cũng khiến nhà tuyển dụng chưng hửng.
Ví dụ, nếu được hỏi: “Bạn hiểu gì về vị trí này”. Thay vì trả lời: “Em nghĩ đây là một công việc tốt”, hãy nói: “Em nhận thấy vị trí này đòi hỏi kỹ năng giao tiếp và quản lý thời gian – những kỹ năng em đã rèn luyện được từ quá trình làm việc trước đây. Em tin bản thân có thể mang lại giá trị cho công ty.”
Đặt câu hỏi thông minh
Phỏng vấn sàng lọc qua điện thoại không chỉ là lúc nhà tuyển dụng tìm hiểu bạn mà còn là cơ hội để bạn tìm hiểu thêm về công ty. Đặt câu hỏi ngược không chỉ thể hiện sự chủ động mà còn giúp bạn hiểu rõ hơn về công việc.
Các câu hỏi bạn có thể đặt ra cho nhà tuyển dụng như:
-
Kỹ năng nào là ưu tiên hàng đầu cho vị trí này?
-
Anh/chị có thể chia sẻ thêm về quy trình tuyển dụng của công ty không?
Phỏng vấn sàng lọc qua điện thoại có thể chỉ kéo dài trong ít phút, nhưng nó là cánh cửa đầu tiên để bạn bước vào hành trình chinh phục công việc mơ ước. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thái độ tích cực và khả năng giao tiếp chính là chìa khóa giúp bạn vượt qua vòng này. Hãy nhớ, mỗi cuộc gọi là một cơ hội và cơ hội chỉ mỉm cười với những ai thực sự sẵn sàng.
Trang Đoàn
Liên kết website
Ý kiến ()