Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 15/09/2024 06:35 (GMT +7)
Chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới
Thứ 4, 14/08/2024 | 05:37:31 [GMT +7] A A
Đến thời điểm này, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn tất các khâu chuẩn bị từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, huy động học sinh ra lớp, sẵn sàng tâm thế cho năm học mới 2024-2025 với mục tiêu tiếp tục đổi mới, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GDĐT.
Trong năm học mới, ngành GD&ĐT tỉnh quyết tâm phấn đấu tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 91% trở lên. Cùng với đó tiếp tục triển khai hiệu quả nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ GDĐT. Đặc biệt là hoàn thành điều chỉnh Đề án tự chủ đến năm 2025 cho các cơ sở giáo dục để bổ sung số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp; tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý theo hướng thi tuyển hoặc điều động để bổ sung số lượng còn thiếu theo định mức. Năm học 2024-2025 cũng là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2021-2025, chuẩn bị cho các nhiệm vụ 5 năm tiếp theo và triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cả 3 lớp cuối cấp; đổi mới thi, tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT cho lớp 12 phù hợp với chương trình mới…
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, ngay từ sớm toàn ngành GD&ĐT tỉnh đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ, kinh phí, trang thiết bị, đảm bảo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018; tăng cường tập huấn chương trình SGK mới cho cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên, nhất là các lớp 5, lớp 9, lớp 12 năm học 2024-2025. Đồng thời tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 3 năm 2025; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan rà soát nhu cầu về cơ sở vật chất, ưu tiên các địa bàn vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, đảm bảo đầu tư tập trung, trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục triển khai Đề án "Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh giai đoạn 2022-2025".
Ngành cũng chủ động từ sớm, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Đến nay toàn tỉnh có 90,6% số giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, cao hơn toàn quốc 1,6%; 90,5% số trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 4 địa phương là Ba Chẽ, Cô Tô, Vân Đồn, Bình Liêu đạt 100%, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới và kéo giảm khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền trong tỉnh.
Tại cuộc họp giao ban mới đây về triển khai các nhiệm vụ năm học mới, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành tập trung chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học 2024-2025. Trong đó, chuẩn bị về cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh phải hoàn thành trước ngày 25/8. Các trường đang triển khai dự án nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất phải có phương án đảm bảo điều kiện dạy, học tốt nhất cho giáo viên, học sinh. Các cơ sở giáo dục chủ động phương án bố trí giáo viên hiện có. Đồng thời UBND các cấp, ngành Giáo dục rà soát, xây dựng phương án bố trí, sắp xếp giáo viên giữa các cơ sở giáo dục phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện công khai, minh bạch, quản lý chặt chẽ các khoản thu chi đầu năm.
Bên cạnh đó, sớm hoàn thành xây dựng các quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững". Các cấp, ngành quan tâm rà soát, giúp đỡ kịp thời các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo tất cả trẻ em đều được đến trường, nhất là trẻ mầm non, tiểu học ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Chuẩn bị lễ khai giảng năm học mới một cách chu đáo, đảm bảo trang trọng, an toàn, tiết kiệm; đồng thời tạo được không khí vui tươi, phấn khởi và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân đưa trẻ đến trường. Ngành Giáo dục tỉnh nghiên cứu phương án phát động phong trào thi đua theo chủ đề từng năm, qua đó tạo tiền đề để giáo dục Quảng Ninh đạt được những kết quả tốt hơn nữa trong những năm học tới.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2021-2024 toàn tỉnh đầu tư cho giáo dục 1.433.395 triệu đồng. Các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT đầu tư xây mới, bổ sung các phòng học, phòng chức năng cho 4 trường, kinh phí 685.670 triệu đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện, trong đó đầu tư xây dựng 3 trường chất lượng cao (Quảng La, Ngô Quyền, Ba Chẽ). Các đơn vị thuộc UBND cấp huyện đầu tư xây mới, bổ sung các phòng học, phòng chức năng cho 30 trường, kinh phí 552.225 triệu đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện, trong đó đầu tư xây dựng được 4 trường chất lượng cao là các Trường Tiểu học: Đông Ngũ (Tiên Yên), Hạ Long (Vân Đồn), Đồng Tiến (Cô Tô) và Trường THCS thị trấn Ba Chẽ. Riêng năm học 2023-2024 các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT bảo dưỡng, sửa chữa 6 công trình, kinh phí 9.272 triệu đồng từ nguồn chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh; các đơn vị thuộc UBND cấp huyện bảo dưỡng, sửa chữa 206 công trình, kinh phí 201.719 triệu đồng từ nguồn chi thường xuyên.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()