Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:30 (GMT +7)
Chung sức cùng sự phát triển của Quảng Ninh
Thứ 5, 13/05/2021 | 08:32:58 [GMT +7] A A
Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Công thương Quảng Ninh luôn năng động, sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ và có nhiều đóng góp đáng kể trong quá trình đổi mới, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng trong công cuộc phát triển KT-XH của địa phương.
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020. |
Tăng trưởng ổn định, bền vững
Thời gian qua, ngành Công thương Quảng Ninh đã bám sát các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, nhân lực của địa phương để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và đã có những bước đi lên vượt bậc, trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân chung của toàn ngành đều ở mức dương và đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ...
Trong đó, nổi bật là lĩnh vực công nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế, song đã từng bước phục hồi, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 6,3%/năm. Các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế, có khả năng cạnh tranh như: Sản xuất than, nhiệt điện chạy than, cơ khí, đóng mới - sửa chữa tàu biển… được đầu tư lớn, hiện đại, đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay đã hình thành rõ nét các trung tâm công nghiệp trên địa bàn; sản xuất công nghiệp phát triển đúng hướng, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành Than tăng trưởng vượt kế hoạch, nhưng tỷ trọng giảm dần trong cơ cấu công nghiệp, cơ cấu GDP của tỉnh, giai đoạn 2015-2020, sản lượng sản xuất than bình quân tăng 4,1%/năm, tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 21,3% (năm 2015) xuống còn 17,3% (năm 2020), phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được quan tâm chú trọng, điều này được thể hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, ngành đã tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, nhằm tạo ra bước đột phá trong công nghiệp chế biến, chế tạo và thu hút tổng vốn đầu tư, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành trong GRDP và thu ngân sách địa phương.
Ngành cũng tích cực hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư chiến lược triển khai chuẩn bị đầu tư tại các KCN, điển hình như các dự án của Tập đoàn Thành Công, Vingroup, Texhong và các dự án đầu tư của nhà đầu tư thứ cấp; tham mưu Kế hoạch phát triển CCN và nghị quyết di dời CCN không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường. Đến nay đã có 4 CCN đi vào hoạt động, với tổng diện tích 243,34ha, trong giai đoạn 2015-2020, gíá trị tăng thêm của ngành chế biến, chế tạo bình quân tăng 15%/năm, chiếm 9,6% trong cơ cấu kinh tế.
Dây chuyền sản xuất thiết bị âm thanh của Công ty Tonly Technology Limited tại KCN Ðông Mai (TX Quảng Yên). |
Dịch vụ thương mại cũng có bước chuyển mình rõ rệt, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Giá trị tăng thêm ước đạt 18,2%/năm. Giai đoạn 2010-2015, thương mại nội địa đã phát triển mạnh mẽ với việc xây mới, nâng cấp các chợ loại I, loại II, đồng thời đưa vào hoạt động các trung tâm thương mại có thương hiệu trong nước và quốc tế. Tới giai đoạn 2015-2020, thương mại phát triển tích cực, hình thành tương đối đồng bộ hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại, thu hút một số tập đoàn, công ty bán lẻ chuyên nghiệp, uy tín đến đầu tư, hoạt động kinh doanh trên địa bàn, như: Vinmart, Mega Market (trước đây là Metro), GO (trước đây là BigC)... bước đầu hình thành thương mại điện tử; logistics; dịch vụ vận tải, cảng biển và hậu cần cảng biển có bước phát triển mới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 năm đạt 435.781 tỷ đồng, bình quân tăng 14,4%/năm.
Cùng với đó, hoạt động XNK tiếp tục có những tiến bộ vượt bậc, thị trường xuất khẩu được mở rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, sản phẩm xuất khẩu ngày càng đa dạng, góp phần ổn định, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Giai đoạn 2010-2015, hoạt động xuất khẩu mặc dù gặp nhiều khó khăn, song tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn vẫn đạt 10 tỷ USD, tăng 16,5% so với giai đoạn 2006-2010. Giai đoạn 2015-2020, hoạt động XNK tại khu vực biên giới chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9,84 tỷ USD, bình quân tăng 8,4%/năm...
Vững bước trên con đường hội nhập
Theo thời gian, ngành Công Thương đã từng bước chuyển biến để thích nghi và tồn tại với những đổi mới về tổ chức, nhiệm vụ và cách làm. Từ chỗ chỉ thực hiện nhiệm vụ phân phối lưu thông trên thị trường nội địa, đã chuyển sang hoạt động theo nền kinh tế thị trường, quản lý XNK, QLTT, đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, giúp cho các các doanh nghiệp chuyển phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, ngành Công Thương Quảng Ninh đứng trước nhiều cơ hội mới, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là những ảnh hưởng tiêu cực của tình hình lạm phát toàn cầu, giá cả các yếu tố đầu vào tăng cao, thị trường giảm sút... Vì vậy, trong thời gian tới, mục tiêu của ngành là tái cơ cấu hợp lý, bảo đảm tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng để phát triển bền vững. Trong đó, tập trung phát triển các KCN gắn với môi trường và dịch vụ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm chủ lực; phát huy nghề truyền thống kết hợp với tăng cường công tác khuyến công để đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, phục vụ nông nghiệp; tăng cường đầu tư hạ tầng, ổn định thị trường lưu thông hàng hóa và phát triển thương mại theo hướng văn minh hiện đại...
Hoạt động XNK tại cửa khẩu Bắc Luân II (TP Móng Cái). |
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Bước sang giai đoạn mới, ngành Công Thương Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát huy nguồn lực, chủ động và tích cực hội nhập, phát triển công nghiệp - thương mại bền vững. Trong đó, tập trung phát triển hợp lý công nghiệp khai khoáng theo quy hoạch, hiện đại hóa công nghệ khai thác, giảm tổn thất tài nguyên trong khai thác than. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Ưu tiên hình thành, phát triển một số tổ hợp CCN chuyên ngành phục vụ thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ của các nhà đầu tư chiến lược. Phát triển lưới điện truyền tải gắn với định hướng phát triển KT-XH của vùng và địa phương.
Tiếp tục phát huy tối đa lợi thế từ các thị trường truyền thống (Trung Quốc, các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, EU...) phát triển các thị trường mới với nhiều phân khúc thị trường, chú trọng các thị trường có triển vọng. Cùng với đó, luôn đổi mới chất lượng tham mưu theo hướng hiệu quả, đúng, trúng trọng tâm và sáng tạo. Tăng cường liên kết giữa ngành Công Thương với các sở, ngành, địa phương trong các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nhằm đưa ra những đề xuất mang tính đột phá, hướng tới sự toàn diện và thống nhất trong mọi nhiệm vụ phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn tới.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()