Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:58 (GMT +7)
Kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 Dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em
Thứ 3, 01/06/2021 | 09:02:50 [GMT +7] A A
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, góp phần quan trọng cho việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chung tay thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, có cơ hội được phát triển toàn diện.
Quảng Ninh hiện có trên 325.200 trẻ em (dưới 16 tuổi), trong đó có khoảng 3.100 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 15.800 trẻ có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. thời gian qua, tỉnh đã nghiên cứu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho trẻ em trên địa bàn. Nổi bật là các nghị quyết hỗ trợ học phí cho học sinh là con của người có công với nước, đối tượng chính sách đang học phổ thông ngoài công lập; hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước; xây dựng Đề án “Phát huy tài năng và bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu một số lĩnh vực cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020”…
Tỉnh cũng dành nguồn lực quy hoạch, đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn tầm cỡ khu vực để phục vụ người dân và trẻ em, như: Cung Văn hóa thanh thiếu nhi Quảng Ninh, Bảo tàng - Thư viện tỉnh... Hằng năm, các địa phương có trách nhiệm bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em. Hiện toàn tỉnh có gần 2.000 điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi cho trẻ em do Nhà nước quản lý.
Hiện 100% các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em. Trong năm 2020, chi cho các hoạt động, dự án chăm sóc, bảo vệ trẻ em đạt trên 62 tỷ đồng. Trong đó nhiều địa phương chủ động bố trí kinh phí hằng năm theo kế hoạch để thực hiện các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em. Điển hình như TX Đông Triều, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm bố trí từ 1-1,5 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bổ sung thiết bị vui chơi cho các điểm vui chơi trẻ em; huyện Vân Đồn, năm 2020 chi gần 1,2 tỷ đồng để đầu tư bể bơi và thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em…
Tỉnh đã triển khai nhiều dự án, mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em, mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”; “Dạy nghề gắn với việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, “Phòng, chống tai nạn thương tích”, “Phòng ngừa trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”, “Dịch vụ tâm lý trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ em rối nhiễu tâm trí”... Trẻ em còn được bảo vệ qua hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đã có 123 trường hợp được tư vấn qua đường dây tư vấn miễn phí 18001769; 51 vụ việc có bị cáo là trẻ em, người chưa thành niên được Sở Tư pháp trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, để bảo vệ trẻ em trước dịch bệnh Covid-19, ngành GD&ĐT tỉnh đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất đầy đủ, theo đúng quy định; có các phương án kịp thời, đảm bảo việc dạy và học cho trẻ em.
Trong các dịp lễ, tết, các sở, ngành, đơn vị của tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em, nhất là trẻ em miền núi khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 2020, toàn tỉnh có trên 200.000 trẻ em được tặng quà Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, tổng trị giá trên 12 tỷ đồng; 207.485 lượt trẻ em được dự vui Tết Trung thu, trong đó có 16.512 lượt trẻ em được thăm, tặng quà với, tổng trị giá trên 4.9 tỷ đồng.
Đặc biệt, để phát huy quyền trẻ em, từ năm 2016, các phiên khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh đều có sự tham gia của học sinh, sinh viên tiêu biểu các trường THCS, THPT, đại học tại Quảng Ninh. Qua đó giúp học sinh có cơ hội nắm bắt, hiểu biết về các hoạt động phát triển của tỉnh; nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình, từ đó không ngừng rèn luyện, học tập, phấn đấu trở thành lực lượng kế tục xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của đất nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng.
Từ sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Đến nay, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi: Mẫu giáo đạt 95,2%; tiểu học đạt 98,99%; THCS đạt 96,26%; 100% trẻ em được cấp thẻ BHYT, khám, chữa bệnh theo quy định; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc thường xuyên.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để thúc đẩy việc thực hiện quyền của trẻ em; nâng cao chất lượng cuộc sống, quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Đồng thời, chủ động phòng, ngừa giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị bạo lực, trẻ em bị xâm hại; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách của trung ương, của tỉnh đã ban hành về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nghiên cứu đề xuất các chính sách phù hợp để đảm bảo trẻ em có môi trường an toàn, được quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ phát triển toàn diện.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()