Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:26 (GMT +7)
Đồng hành cùng nông dân khắc phục thiệt hại sau bão
Thứ 6, 13/09/2024 | 10:34:46 [GMT +7] A A
Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào đất liền đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó có nhiều hộ hội viên, nông dân bị thiệt hại về tài sản, nhiều diện tích rau màu, cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có 62.738 ha rừng trồng bị gẫy đổ; trên 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 5.936ha lúa; màu bị đổ, ngập úng...
Ngay sau khi bão đi qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đi khảo sát, kiểm tra thực tế các thiệt hại của nông dân, ngư dân và có các chỉ đạo ngành nông nghiệp khắc phục hậu quả, thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi, khẩn trương khôi phục, ổn định sản xuất nông nghiệp sau bão, lụt... Tối 7/9, ngay sau khi bão Yagi quét qua Quảng Ninh, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã đến kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tại Cảng cá Cái Xà Cong, phường Hà Phong, TP Hạ Long. Tiếp đó, ngày 11/9, đồng chí tiếp tục kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 trên vùng biển thuộc địa bàn huyện Vân Đồn và TP Cẩm Phả. Đồng chí đã bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với khó khăn mà các gia đình bị thiệt hại; đồng thời, động viên các gia đình cố gắng vượt qua khó khăn trong thời điểm này, bình tĩnh, nhanh chóng khôi phục lại nuôi trồng đối với những lồng bè còn sót lại, có thể sửa chữa, nuôi tiếp. Cùng với đó, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cũng yêu cầu các địa phương có các giải pháp hỗ trợ ngư dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, đặc biệt là xây dựng giải pháp tổng thể để khôi phục nghề nuôi biển theo hướng bền vững hơn, nhất là trong điều kiện diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp như hiện nay.
Ngày 10/9, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại sau bão tại thành phố Móng Cái. Đặc biệt quan tâm tới những thiệt hại của nông dân nuôi trồng thuỷ sản, đồng chí yêu cầu thành phố huy động nhân lực tập trung xử lý các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trôi dạt, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực bãi biển Trà Cổ và các điểm có thủy hải sản trôi dạt. Đồng thời, nhanh chóng tổ chức bàn giao lồng bè đối với các tập thể, cá nhân đảm bảo theo đúng quy định, tạo điều kiện cho nông dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất.
Ngày 11/9, Tỉnh uỷ ban hành Công văn số 2264 - CV/TU về việc tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 (YAGI) và mưa lũ sau bão. Trong đó yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên, liên tục cập nhật và gửi thông tin, báo cáo về mực nước tại các sông, hồ, đập... trên phạm vi toàn tỉnh đến Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh và các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu. Cùng với đó là chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ. Tỉnh uỷ cũng yêu cầu UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản 4999/SNN&PTNT-KHTC ngày 11/9/2024 về việc xây dựng chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3. Trong đó yêu cầu các đơn vị theo nhiệm vụ được phân công nghiên cứu các quy định, cơ sở pháp lý, văn bản hiện hành, tham mưu, đề xuất mức hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho các hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã vượt qua khó khăn, thiệt hại do bão số 3 để lại, đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra trục lợi chính sách trong tham mưu.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp uỷ, chính quyền, Hội Nông dân (HND) các cấp đang tích cực đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng hội viên, nông dân, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã khắc phục thiệt hại sau bão, sớm ổn định sản xuất. Ngay sau khi cơn bão đi qua, từ ngày 8/9 đến nay, HND các địa phương trong tỉnh đã phối hợp, huy động cán bộ, hội viên chung tay hỗ trợ nhân dân, tổ chức xử lý chướng ngại vật, cây gãy đổ, thu gom rác thải, khơi thông cống thoát nước giúp lưu thông trên các tuyến đường…; tổ chức triển khai các hoạt động thăm hỏi, động viên các hộ hội viên nông dân trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 Yagi gây ra, giúp hội viên nông dân sớm ổn định sản xuất và đời sống.
Tại huyện Tiên Yên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên 1.600 hộ dân trên địa bàn huyện bị thiệt hại về nhà ở, trong đó có 26 hộ bị tốc mái hoàn toàn; gần 700ha lúa, hoa màu ngập lụt, hư hại; gần 7.000ha cây lâm nghiệp bị đổ gãy; khoảng 32.000 con gia cầm bị chết; 27.300m2 mái che khu nuôi thủy sản bị tốc… Ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trước tình hình đó, HND huyện đã đồng hành cùng chính quyền và nhân dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại do bão gây ra, tham gia di dời tài sản của những hộ dân trong vùng ngập lụt đến nơi an toàn, dọn dẹp vệ sinh, môi trường ở các tuyến đường, nhà dân, trang trại sau bão. Đồng thời, thăm, động viên và trao 15 suất quà hỗ trợ cho các nhà hội viên nông dân bị thiệt hại nặng.
Ông Lý Văn Diểng, Chủ tịch HND huyện, cho biết: Trước mắt, HND các cấp trên địa bàn huyện sẽ tập trung cùng với chính quyền, lực lượng chức năng tiếp tục khắc phục hậu quả do bão gây ra, sau đó là triển khai phương án hỗ trợ cây, con giống, vật tư cho hội viên, nông dân khôi phục sản xuất.
Tại huyện Vân Đồn, bão Yagi đã gây thiệt hại trên 2.200 tỷ đồng cho ngư dân nuôi trồng thủy sản trên biển. Trong đó, nhuyễn thể thiệt hại ước tính trên 1.300 tỷ đồng, cá biển trên 500 tỷ đồng, hải sản khác gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra, còn thiệt hại 318 nhà bè; gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ. HND huyện đã và đang tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, bảo vệ phần tài sản còn lại, giúp bà con khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, Hội cũng đang phối hợp với các phòng, ban tiếp tục thống kê các hộ thiệt hại, mức độ thiệt hại để đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân.
Còn tại TP Uông Bí, hậu quả của cơn bão số 3 đã khiến cho 7 khu dân cư với khoảng 160 hộ dân, 300 nhân khẩu của các phường Bắc Sơn, Vàng Danh, Trưng Vương, Quang Trung ngập sâu từ 1-4m. TP Uông Bí đã khẩn trương triển khai những biện pháp tiêu thoát nước quyết liệt nhất, các hộ dân đã không còn bị ngập úng sau đó, nhưng vật dụng và lương thực, thực phẩm trong nhà của các hộ dân vẫn bị hư hỏng, không thể sử dụng được. Trước tình hình đó, HND thành phố đã cùng với các đơn vị, lực lượng tổ chức bếp ăn tập thể, hỗ trợ các suất cơm đến người dân trên địa bàn. Đồng thời, tham gia dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường sá, vệ sinh môi trường khi nước rút, nhanh chóng giúp người dân ổn định cuộc sống.
Trước thiệt hại do bão số 3 gây ra, HND tỉnh cũng đã chỉ đạo HND các địa phương vận động cán bộ, hội viên, nông dân chủ động tham gia tích cực cùng với chính quyền và nhân dân khắc phục nhanh hậu quả do bão và mưa lũ sau bão gây ra, sớm ổn định tình hình tại địa phương. Đồng thời, tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên gia đình hội viên, nông dân ở các địa phương bị thiệt hại với kinh phí dự kiến khoảng 200 triệu đồng.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()