Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 22:55 (GMT +7)
Sản phẩm OCOP phải là hàng hoá có sức cạnh tranh cao mới có thể phát triển bền vững
Thứ 2, 06/01/2025 | 09:59:21 [GMT +7] A A
Từng là địa phương rất sớm trong cả nước triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), tuy nhiên những năm gần đây Chương trình OCOP của Quảng Ninh có dấu hiệu trầm lắng, thậm chí có nguy cơ thụt lùi so với sự phát triển Chương trình OCOP ở những địa phương khác. Bước sang năm 2025, một trong những chỉ tiêu kinh tế nông nghiệp được tỉnh và ngành nông nghiệp quyết tâm đẩy mạnh là nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị sản phẩm OCOP. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh.
- Có nhận định rằng Chương trình OCOP của Quảng Ninh đang “đi trước nhưng có thể về sau”, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
+ Với một địa phương không quá thuận về nông nghiệp, nhưng từng có thời điểm toàn tỉnh có đến hơn 600 sản phẩm OCOP, trên 300 chủ thể tham gia sản xuất, phân phối sản phẩm OCOP, đó có thể nói là một sự nỗ lực và thành công của Quảng Ninh.
Thời điểm hiện nay, Quảng Ninh đang có trên 390 sản phẩm OCOP, xét về số lượng, thông số này đang giảm so với trước. Nguyên nhân của việc này đến từ nhiều phía, trong đó không phủ nhận một bộ phận chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP có biểu hiện bằng lòng với những gì đã đạt được, hoặc chưa bắt kịp xu hướng phát triển của Chương trình OCOP. Biểu hiện cụ thể là vẫn còn những chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP để sản phẩm của mình quá hạn, cũng như thiếu tích cực trong việc gia hạn, hoặc nâng hạng sản phẩm. Bên cạnh đó thì việc những sản phẩm OCOP mới cũng ít xuất hiện hơn trước.
- Nói như vậy là OCOP Quảng Ninh đã hết dư địa phát triển?
+ Sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngoài yếu tố có chất lượng tốt, số lượng đảm bảo, còn phải là những sản phẩm đặc thù, mang tính địa phương cao, gắn với hoặc có dấu ấn sự phát triển của vùng đất, con người Quảng Ninh. Với những sản phẩm OCOP hiện nay của Quảng Ninh có thể nói đã là những sản phẩm bao hàm được những tiêu chí cốt lõi nhất. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể có thêm những sản phẩm OCOP mới, hình thành trong quá trình phát triển đời sống KT-XH trên địa bàn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng dư địa phát triển sản phẩm OCOP Quảng Ninh giai đoạn này không chỉ là những sản phẩm mới hoàn toàn, mà phải là những sản phẩm hình thành sau chế biến tinh các sản phẩm OCOP thô đang có. Ví như với trà hoa vàng Quy Hoa, sản phẩm OCOP đã đạt cấp quốc gia hạng 5 sao, chúng ta sẽ không chỉ có sản phẩm dạng bông, dạng lá, dạng túi lọc thông thường như hiện nay, mà có thể là sản phẩm dạng bột, dạng tinh chất, hoặc sản phẩm được chế biến từ các bộ phận khác trên cây trà.
Được biết hiện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và XNK Quy Hoa mới giới thiệu sản phẩm trà hoa vàng dạng búp với tên gọi Móng rồng Kim Hoa có thể đưa vào danh sách sản phẩm OCOP, hoặc sản phẩm OCOP được xếp sao nếu thật sự đạt các tiêu chí về chất lượng, sản lượng và tính khác biệt mà chương trình OCOP đưa ra. Dư địa sản phẩm OCOP Quảng Ninh theo hướng này sẽ được chúng tôi đặt ra, trở thành một trong những mục tiêu phát triển Chương trình OCOP năm 2025, cũng như trong thời gian tới.
- Năm 2025 ngành NN&PTNT sẽ tham mưu cho tỉnh kế hoạch, kịch bản phát triển Chương trình OCOP như thế nào để Quảng Ninh không rơi vào nguy cơ là địa phương “đi trước nhưng về sau”, thưa ông?
+ Như tôi nói, chế biến sâu, hình thành những sản phẩm tinh chế từ nguồn nguyên liệu OCOP Quảng Ninh là một trong những hướng phát triển chủ đạo của Chương trình OCOP năm 2025. Hiện Quảng Ninh đang có một số sản phẩm OCOP dạng thô, hoặc dạng nguyên liệu rất tiềm năng, như ngọc trai Hạ Long, trà hoa vàng Ba Chẽ và Hải Hà, gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, ba kích Ba Chẽ, chả mực Hạ Long, nước khoáng Cẩm Phả, gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều, miến dong Bình Liêu... Chỉ cần thay đổi về công thức chế biến, đổi mới về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, hoặc từ sản phẩm OCOP thô hình thành sản phẩm đặc thù dành cho từng đối tượng khách hàng là đã có thể đưa ra những loại sản phẩm OCOP mới. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tham mưu tỉnh và đề nghị các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ra thị trường, tiếp cận những bạn hàng và thị trường tiềm năng, bền vững; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm OCOP tăng cường ứng dụng chuyển đổi số... Đây là những đòi hỏi có tính tất yếu trong xu thế phát triển Chương trình OCOP hiện nay.
Hơn hết, tôi cho rằng bản thân Chương trình OCOP phải là chương trình phát triển kinh tế đúng nghĩa, sản phẩm OCOP phải là hàng hoá có sức cạnh tranh cao, phải mang lại giá trị, doanh thu, lợi nhuận cho người tham gia chu trình sản xuất. Khi đạt được điều này thì thậm chí đơn vị chức năng không cần thiết phải hỗ trợ, tác động thì các chủ thể sản phẩm OCOP vẫn vào cuộc, các sản phẩm OCOP vẫn phát triển, vẫn vươn xa trên thị trường trong nước, quốc tế, lúc đó Chương trình OCOP mới thực sự vững mạnh, sản phẩm OCOP mới lâu bền trong đời sống.
- Xin cảm ơn ông!
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()