Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 12:53 (GMT +7)
Chuyện Bác Hồ đặt tên cho tỉnh Quảng Ninh
Thứ 5, 19/10/2023 | 14:15:24 [GMT +7] A A
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Ninh (Sở Nội vụ) hiện còn lưu giữ tập Văn kiện năm 1963, trong đó có các biên bản và nghị quyết kỳ họp Hội đồng nhân dân đặc biệt, kỳ họp liên tịch giữa Hội đồng nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh về việc đặt tên tỉnh Quảng Ninh năm 1963.
Các biên bản kỳ họp ghi rõ các ý kiến tranh luận về việc đặt tên tỉnh. Trong đó, phía Hải Ninh đề nghị đặt tên tỉnh là Hải Đông với cái lý là tên này đã tồn tại suốt mấy trăm năm thời Lý - Trần. Phía khu Hồng Quảng có nhiều ý kiến khác nhau, nào là Quảng Yên, nào là An Quảng, Yên Quảng. Lại có ý kiến đề nghị là Hồng Hải, vừa có chữ Hồng của khu Hồng Quảng lại vừa có chữ Hải của tỉnh Hải Ninh, nhiều tỉnh khác cũng thường đặt tên như vậy. Nhưng liền đó lại có ý kiến phản bác, Hồng Hải chẳng có nội dung gì, lại trùng với tên biển Hồng Hải. Thế là không nhất trí. Kết luận của Hội nghị là đề nghị Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định.
Viết về sự kiện đặt tên cho tỉnh Quảng Ninh, cố nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, đồng tác giả của cuốn Địa chí Quảng Ninh Tống Khắc Hài từng ghi lại lời kể của đồng chí Hoàng Chính, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh (giai đoạn 1946-1948, 1955-1963); nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Ninh (1964-1969), đã công bố trên báo Quảng Ninh năm 2013.
Nguyên văn lời kể của đồng chí Hoàng Chính như sau:
“Ngày 30/10/1963, trong phiên họp toàn thể Quốc hội khoá II, kỳ họp thứ 7, tất cả các đại biểu đều nhất trí thông qua tờ trình của Chính phủ hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Quảng Ninh. Thế nhưng, thực ra trước đó ít nhất là 3 năm, Bộ Chính trị khi chuẩn bị Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III và Chính phủ soạn thảo kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vấn đề xây dựng vùng Đông Bắc thành một đơn vị hành chính vững mạnh đã được đặt ra một cách cấp bách. Với Bác Hồ thì tôi trực tiếp cảm nhận được ý tưởng của Người về điều này là từ lần đón Bác về thăm tỉnh Hải Ninh ngày 19 và 20/2/1960.
Hôm ấy, ngồi trên máy bay trực thăng, khi qua đảo Cái Bầu, máy bay rẽ chếch sang phía trái, tôi nhìn xuống chỉ thấy mênh mông rừng ngập mặn, chưa nhận ra đất Ba Chẽ hay Tiên Yên, bỗng Bác hỏi tôi: “Đây là đâu rồi?”. Tôi chưa kịp trả lời thì Bác đã giải thích: “Hải Ninh và Hồng Quảng núi sông biển trời liền một dải. An Quảng, Quảng Yên là đây, xa hơn nữa là An Bang, là Hải Đông, có đúng không chú Hoàn?”. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an ngồi bên thưa với Bác: “Dạ thưa Bác, An Bang là thời Lê, Hải Đông là thời Trần”. Bác nói thêm: “Thời Trần, Hải Đông lừng lẫy chiến thắng Bạch Đằng giang”. Nghe Bác nói vậy, tôi nhớ mãi cái tên Hải Đông.
Ba năm sau, giữa năm 1963, việc hợp nhất hai địa phương đã được Trung ương quyết định, chỉ còn việc đặt tên tỉnh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng nhân dân hai nơi tự lựa chọn. Trong cuộc họp Hội đồng nhân dân khu Hồng Quảng có Đoàn đại biểu Hải Ninh tham dự, mọi người thảo luận rất sôi nổi, rất hào hứng. Khá nhiều kiến nghị về tên tỉnh mới. Cuối cùng, tất cả nhất trí chọn tên tỉnh là Hải Đông. Nhớ câu chuyện trên máy bay với Bác năm ấy, tôi đinh ninh cái tên Hải Đông sẽ được Bác đồng ý.
Thế rồi, giữa tháng 9, tôi về Hà Nội dự cuộc họp các Bí thư Tỉnh ủy. Sau khi buổi họp kết thúc, Bác bảo tôi ở lại ăn cơm với Người. Trong bữa cơm, Bác hỏi tôi về chuyện đặt tên tỉnh. Tôi thưa lại kết quả thảo luận tại các kỳ họp. Bác cười: “Tên Hải Đông gợi nhớ thời Trần oanh liệt, nhưng thực chất nó chỉ có nghĩa chỉ vùng biển về phía Đông. Bác đã hỏi ý kiến nhiều đồng chí, Bác đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ cuối của khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững. Ông cha ta đã chẳng từng đặt những tên An Bang, Ninh Hải, Hải Ninh, An Quảng, Quảng Yên đó sao? Chú thấy có được không?”. Tôi hiểu ra ý nghĩa sâu xa của hai chữ Quảng Ninh nên không thể không cảm phục Bác. Lát sau Bác nói thêm: “Nước bạn có Quảng Đông, Quảng Tây, ta có Quảng Ninh. Đôi bên cùng nhau xây dựng tình hữu nghị, cùng nhau thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, được không?”.
Càng ngẫm càng thấy ý tứ của Bác thật sâu sắc. Chữ Quảng Ninh cũng là lấy từ hai chữ cuối của Hồng Quảng và Hải Ninh, mà từ xưa các tên đều thể hiện ước mong được yên ổn làm ăn (nên mới có các tên Quảng Yên, Yên Bang, Tĩnh Yên, Vĩnh An...). Thật không có cái tên nào vừa đúng vừa hay như thế”.
Theo nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài, từ ý kiến của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Thọ Chân, khi đó là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy Hồng Quảng, đã dễ dàng giải thích cho cán bộ trong khu nhất trí với chủ trương hợp nhất Hải Ninh - Hồng Quảng.
Trước đó, không ít cán bộ Hồng Quảng nghe nói Hải Ninh nghèo, lạc hậu, đi lại rất khó khăn, hợp nhất sẽ phải đi công tác Hải Ninh rất cực. Bên phía Hải Ninh, những cán bộ quê ở các tỉnh đồng bằng thì phấn khởi, nhưng không ít cán bộ quê miền Đông lại e ngại, trước hết là phải di chuyển về thủ phủ Hòn Gai.
Nhìn chung, sau khi Quốc hội có Nghị quyết nhất trí thông qua đề nghị của Hội đồng Chính phủ, hai địa phương đã khẩn trương tiến hành các bước hợp nhất. Sau gần 2 tháng, mọi việc hoàn tất, từ ngày 1/1/1964, các con dấu cũ được thu hồi và các con dấu mới mang tên Quảng Ninh chính thức có hiệu lực.
Khi hợp nhất, tỉnh Quảng Ninh có 14 đơn vị hành chính gồm 3 thị xã: Hồng Gai (tỉnh lị), Cẩm Phả, Uông Bí và 11 huyện: Ba Chẽ, Bình Liêu, Cẩm Phả, Đầm Hà, Đình Lập, Đông Triều, Hà Cối, Hoành Bồ, Móng Cái, Tiên Yên, Yên Hưng.
Từ ngày 1/1/1964, tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động chính thức, tạo thành một thể liên hoàn cả về chính trị, kinh tế, quân sự, phát huy được sức mạnh tổng hợp của vùng Đông Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Đây là những dấu mốc rất quan trọng để giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh bước vào thời kỳ cách mạng mới.
Sau khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập, đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy Hồng Quảng, được chỉ định là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Đồng chí Hoàng Chính, vị Chủ tịch đầu tiên của tỉnh Quảng Yên sau Cách mạng Tháng Tám 1945, từ giữa năm 1946 được điều ra tăng cường cho Hải Ninh, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy (cũng có một thời gian là phái viên của Trung ương bên cạnh Tỉnh ủy), nay trở về tỉnh Quảng Ninh với chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()