Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 05:03 (GMT +7)
Chuyển biến tích cực trong trồng rừng thay thế
Thứ 5, 20/05/2021 | 06:36:03 [GMT +7] A A
Năm 2014, Quảng Ninh bắt đầu triển khai trồng rừng thay thế theo quy định của Chính phủ. Giai đoạn đầu, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn do quy định mới và một số chủ dự án lớn vẫn cố tình chây ì nghĩa vụ thực hiện trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, hầu hết các chủ dự án chấp hành nghiêm, góp phần đảm bảo toàn tỉnh trồng được trên 1.000ha rừng thay thế bằng các loại cây bản địa, cây gỗ lớn, rừng ngập mặn.
Thống kê giai đoạn từ năm 2016 đến hết quý I/2021, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác 2.085ha. Trong đó, 97 dự án, công trình (1.106ha) chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; 97 dự án, công trình (979ha) chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo Luật Lâm nghiệp.
Nhằm phát triển lâm nghiệp gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, năm 2018 tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Giai đoạn 2016-2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành trăm văn bản về cơ chế, chính sách để khuyến khích các hoạt động sản xuất lâm nghiệp và hướng dẫn các chủ dự án thực hiện việc chuyển đổi mục đích rừng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành bộ thủ tục hành chính về chuyển mục đích sử dụng rừng, văn bản hướng dẫn chi tiết về phương án trồng rừng thay thế, suất đầu tư trồng rừng thay thế. Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT và các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Theo đánh giá, rà soát của Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN&PTNT), giai đoạn này, hầu hết các dự án chấp hành nghiêm việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý để cấp có thẩm quyền cho phép. Đáng chú ý, về thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế, từ năm 2016-2020, toàn tỉnh có 151 dự án chuyển mục đích 1.499ha rừng đều đã nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định. Số tiền các dự án đã chuyển về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng gần 110 tỷ đồng. Quý I/2021, có 43 dự án hoàn thiện hồ sơ, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Dự kiến quý II/2021, Sở NN&PTNT sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng với số kinh phí trồng rừng thay thế là 150 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí này, hằng năm UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch trồng rừng thay thế cho các địa phương, đơn vị. Chủ đầu tư đã phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế điều tra hiện trường rừng, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và dự toán kinh phí hằng năm để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được trên 1.000ha rừng thay thế bằng các loại cây bản địa, cây gỗ lớn, rừng ngập mặn.
Việc giám sát, kiểm tra kết quả trồng rừng thay thế cũng được Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện thường xuyên, nhằm đảm bảo cho chủ dự án sử dụng kinh phí đúng mục đích. Hiện trên 90% diện tích trồng rừng thay thế đảm bảo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Qua đó, góp phần tăng dần diện tích rừng được trồng mới qua các năm. Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020 của Bộ NN&PTNT, Quảng Ninh có 370.144ha đất có rừng (122.306ha rừng tự nhiên, 247.838ha rừng trồng); tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,06% (tăng 0,26% so với năm 2019), hiện đứng thứ 8 vùng Đông Bắc, thứ 12 trong cả nước.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác trồng rừng thay thế, nhưng tỉnh hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong quá trình triển khai. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến đầu năm 2021, vẫn còn 19 dự án, công trình vi phạm, bị xử phạt hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân là do công tác quản lý nhà nước ở địa phương chưa sâu sát, chủ dự án chưa nghiên cứu kỹ các quy định. Một số chủ dự án mặc dù đã nhiều lần bị cơ quan chức năng nhắc nhở, song vẫn cố tình “quên” hoặc chây ì nghĩa vụ trồng rừng thay thế, không phối hợp để xây dựng phương án trồng rừng. Vì vậy, đến nay vẫn còn gần 53 tỷ đồng các chủ dự án chưa nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư dành cho người thu nhập thấp tại phường Bắc Sơn (TP Uông Bí) của Công ty TNHH tập Đoàn Xuân Lãm; Dự án khai thác quặng Pyrôphilit tại bản Lý Quán, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà của Công ty CP Công nghiệp Đông Bắc Việt Nam; Dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn của Công ty CP BOT Biên Cương; Dự án sân Golf Vĩnh Thuận tại phường Trà Cổ (TP Móng Cái) của Công ty TNHH liên doanh Vĩnh Thuận...
Thực hiện trồng rừng thay thế là quy định của Chính phủ, nhằm đảm bảo các chỉ tiêu về độ che phủ rừng, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Do đó, để việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đạt hiệu quả, các đơn vị, doanh nghiệp cần phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế. Đối với những trường hợp cố tình không thực hiện nghĩa vụ, tỉnh và các địa phương cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để chủ dự án thực hiện dứt điểm.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()