Tất cả chuyên mục

CCB Bùi Như Lạc (khu Chạp Khê, phường Nam Khê, TP Uông Bí) là dũng sĩ diệt xe cơ giới ở cả 3 cấp, hiện đang sống một mình trong nhà tình thương. Ngoài số tiền trợ cấp chế độ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin 2,8 triệu đồng/tháng, ông vẫn làm nghề đóng giày để có thêm thu nhập.
CCB Bùi Như Lạc sống bình dị với nghề đóng giày để kiếm sống. |
CCB Bùi Như Lạc nhập ngũ đầu năm 1971 khi vừa tròn 19 tuổi, được biên chế ở Đại đội 15, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 thuộc Binh đoàn Tây Nguyên. Do thân hình cao lớn ông được giao làm xạ thủ súng B41.
Giai đoạn cuối 1971 đầu năm 1972, hai tuyến đường số 14 và 19 là nơi xảy ra chiến sự ác liệt nhất của mặt trận Tây Nguyên. Hai bên trục đường, địch cho phát quang rộng 500m và xây dựng dày đặc hệ thống đồn bốt trên các cao điểm.
Hàng ngày, địch cho xe tăng càn quét dọc tuyến đường hòng ngăn chặn tiếp viện cho quân giải phóng ở các mặt trận Gia Lai, Kom Tum, Đắk Lắk. Mặc dù cài cắm dày đặc đồn bốt, nhưng địch vẫn không ngăn cản được sự chi viện của quân ta cho các mặt trận ở Tây Nguyên. Tháng 3/1972, địch mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên, huy động lượng lớn quân binh chủng tổ chức càn quét quy mô lớn nhằm ngăn chặn và kiểm soát hoạt động chi viện của quân ta tại mặt trận Tây Nguyên.
![]() |
CCB Bùi Như Lạc tìm lại những giấy chứng nhận thành tích chiến đấu của mình. |
Để đánh tan cuộc càn quét của địch, đơn vị ông phối hợp cùng đơn vị bạn tổ chức chốt chặn trên trục đường 14 từ Gia Lai đi Kom Tum. Ông Lạc cho biết: Vào một buổi sáng cuối tháng 3/1972, tôi phát hiện một chiếc xe tăng M48 của địch đang tiến về phía chốt phòng thủ của đơn vị. Với khẩu B41 trên vai, tôi điều chỉnh thước ngắm khi khoảng cách 120m và siết cò, chiếc xe tăng M48 của địch khựng lại bốc cháy. Tôi cùng đồng chí Dương Văn Ký phụ tiếp đạn di chuyển sang vị trí khác tìm mục tiêu diệt địch.
Địch phát hiện các chốt phòng ngự quân ta, xe tăng, thiết giáp cùng bộ binh địch ào ạt tràn lên hòng phá vỡ hệ thống phòng ngự của quân ta. Ông Lạc lấy bình tĩnh, chỉnh thước ngắm liên tiếp bắn cháy 2 chiếc xe tăng M48 của địch nữa. Sau trận đánh này, ông Lạc được đơn vị tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới cùng thành tích là người đầu tiên của Trung đoàn 24 bắn cháy xe tăng địch.
![]() |
Giấy chứng nhận Dũng sĩ diệt xe cơ giới ở cả 3 cấp của CCB Bùi Như Lạc. |
Sau thành tích bắn cháy 3 xe tăng địch, trong các trận đánh Xuân - Hè năm 1972 CCB Bùi Như Lạc còn trực tiếp bắn cháy thêm 2 xe tăng M48 và 3 xe thiết giáp chở quân M113 tại chiến trường Tây Nguyên. Đây là thành tích rất hiếm của một xạ thủ súng B41, trong vòng 1 năm bắn cháy 8 xe tăng và thiết giáp của địch.
Nhớ lại những năm tháng hào hùng đó, CCB Dương Văn Ký (hiện đang sống tại phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) - người phụ tiếp đạn cho xạ thủ Bùi Như Lạc năm xưa kể: “Một xạ thủ B41, chỉ bắn 3 quả đạn là không chịu được nữa vì tiếng nổ và sức ép rất lớn. Nhưng đối với ông Lạc, có thời điểm, ông bắn liên tiếp 6 quả đạn B41 một lúc, rất ít người thời điểm đó làm được”.
![]() |
CCB Bùi Như Lạc hồ hởi kể về những trận đánh ông trực tiếp tham gia và bị thương. |
Tại một trận đánh khác sau khi tiêu diệt một chiếc xe thiết giáp chở quân M113, các xe khác của địch phát hiện dùng hỏa lực bắn tới tấp vào vị trí của ông Lạc, khiến ông bị thương ở đỉnh đầu. Sau khi bình phục, ông Lạc lại tiếp tục tham gia chiến đấu, đến cuối năm 1972 ông được cử đi học tại Trường Quân chính mặt trận B3 (Tây Nguyên). Tháng 9/1975, ông ra Bắc học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Sơn Tây, Hà Nội) sau đó trở về đơn vị làm giáo viên đến tháng 7/1977 thì phục viên. Năm 1978 ông tái ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đến năm 1982 phục viên trở về quê.
Trở về quê, CCB Bùi Như Lạc tham gia công tác ở địa phương, đến năm 1988 thì nghỉ hẳn. Vết thương cũ tái phát ở đầu khiến ông phải điều trị nhiều năm mới khỏi. Toàn bộ giấy tờ thương tật của ông trước đây do bị trận bão năm 1981 làm đổ nhà nên mất hết, chỉ còn giữ được giấy chứng nhận dũng sĩ và giấy chứng nhận đeo huân chương. Hơn 10 năm trước đây, một mình ông sống trong căn nhà dột nát, các đồng đội đã góp tiền xây căn nhà tình thương giúp ông che nắng, che mưa.
Khoảng 2 năm trước, ông Lạc có tiệm đóng giày nhỏ tại chợ Nam Khê (TP Uông Bí), nhưng do giá thuê cửa hàng quá cao, cùng với khách hàng ngày càng ít, nên ông đã chuyển về làm tại nhà, chủ yếu là sửa chữa, đóng giày cho khách quen. Ông bảo “Bây giờ có điều kiện, người ta mua mới chứ ít ai đóng giày hoặc sửa giày, nhưng tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại”.
![]() |
CCB Đỗ Bá Phiến (bên phải) và CCB Dương Văn Ký khi nói về CCB Bùi Như Lạc. |
“Không ngờ ông Lạc vẫn chưa công nhận thương binh. Vì bản thân ông Lạc người rất kín tiếng, ít khi kể về mình. Bản thân tôi chứng kiến, ông Lạc chiến đấu dũng cảm. Cả đơn vị lúc đó đều phát động phong trào thi đua học theo tấm gương Bùi Như Lạc. Ngay thành tích của ông Lạc bắn cháy xe tăng cũng xứng đáng được phong anh hùng” – CCB Dương Văn Ký cho hay.
"Ông Lạc thiệt thòi, bản thân bị thương tật hành hạ, ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, mong các cấp, ngành quan tâm, giúp đỡ để CCB Bùi Như Lạc được hưởng chế độ xứng đáng với những thành tích của ông" - CCB Đỗ Bá Phiến (thôn Tre Mai, phường Nam Khê, TP Uông Bí) trăn trở.
Dương Trường
[links()]
Ý kiến (0)