Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:40 (GMT +7)
Chuyện của đỉnh Phượng Hoàng
Thứ 2, 13/05/2024 | 07:58:59 [GMT +7] A A
Với sức hút của mình, giờ đây núi Phượng Hoàng (TP Uông Bí) là địa điểm khiến giới trẻ khao khát chinh phục, sẵn sàng “xách ba lô lên và đi” bất cứ lúc nào có thể. Nhóm bạn của tôi cũng vậy, chốt phương án trở lại với ngọn núi này chỉ trong một nốt nhạc, ngay sau khi gặp lại vài đúp hình trong MV "Luôn yêu đời" của ca sĩ Đen Vâu.
Giấc ngủ đêm lạ lùng
15h chúng tôi có mặt ở bãi 3 tầng của đỉnh núi Phượng Hoàng. Là núi, nhưng Phượng Hoàng giống như đồi thấp, hầu như không có cây rừng gỗ lớn, thay vào đó chỉ là cỏ bụi. Ở núi Phượng Hoàng, có lẽ thứ nhiều nhất là cỏ và gió, thứ ít nhất là những cây thông cô đơn, xa xa mới bắt gặp. Cỏ, gió và thông kết hợp lại tạo nên sự mênh mông, mềm mượt, khiến Phượng Hoàng giống như vùng thảo nguyên xinh tươi, giống như bức ảnh màn hình nền window mở rộng, đẹp đến siêu thực.
Nhóm bạn của tôi là team của những người ưa xê dịch, thích khám phá và sống ảo. Những địa điểm rừng, biển mà các bạn từng trải nghiệm không ít. Ngay cả với đỉnh Phượng Hoàng, thì lần này cũng là lần trở lại của họ. Với sự hỗ trợ của anh chủ rừng tên Hải, rất nhanh chóng nhóm chúng tôi căng được chiếc lều bạt một cách xinh xắn và chắc chắn, sẵn sàng để đêm nay chúng tôi ngủ ở Phượng Hoàng.
Phượng Hoàng càng về chiều muộn càng xuất hiện những căn lều bạt như của chúng tôi. Lạ lùng là những người có sở thích lạ lùng, muốn trải nghiệm một giấc ngủ không chăn ấm đệm êm đã không hẹn mà cùng gặp. Thành ra Phượng Hoàng dần hiện lên như thành phố của dân du mục với đủ cung bậc âm thanh, hoạt động sống động của cuộc sống.
Tụ hội nhau ở đỉnh ngọn núi này, mỗi người chọn cho mình một cách trải nghiệm và tận hưởng. Có người hoà vào các nhóm trẻ chọn những gốc thông, mỏm đá, bạt cỏ làm góc check-in, người ngồi quán Café Mây đón gió, người chọn một góc ban công phía trước căn lều bạt của mình để ngắm nhìn sự mênh mông của không gian, hít hà không khí trong lành của cây và đất, mặc cho gió phả vào mặt. Cái hay là gió trên đỉnh Phượng Hoàng có nét gì đó rất dịu dàng, lộng nhưng không ồn ào, không phát thành tiếng, mùa đông không lạnh gắt, mùa hè không nóng rát.
Trong cái nắng cuối ngày của tháng 5 này, những cơn gió vờn vào mặt tôi với sự mát lành và thoảng hương cỏ cây thật dễ chịu, cứ như chúng được hạ nhiệt dần, được ướp hương dần qua mỗi tán lá cây rừng xa xôi đâu đó. Đó thực sự là một cảm xúc rất đặc biệt.
Đại đa số các nhóm khách ngủ đêm ở Phượng Hoàng đều cố gắng xử lý xong lều bạt trước khi hoàng hôn buông xuống. Họ muốn tranh thủ thời gian để ngắm cảnh mặt trời xuống núi, được cho là thời khắc rất đặc biệt ở Phượng Hoàng. Khi ấy, mặt trời dường như lớn hơn và thấp hơn, sắc trời chuyển dần từ vàng sang ráng đỏ, cả vùng thảo nguyên Phượng Hoàng rộng lớn với thảm thực vật thân thảo đang chuyển động sống động như vô khối sinh vật. Ở một góc nào đó của Phượng Hoàng, khi mặt trời xuống núi người ta còn có thể nhìn thấy cảnh thành phố Uông Bí lên đèn.
Buổi tối ở Phượng Hoàng có điện sáng, đồ nướng và có âm nhạc. Phần lớn đều do các nhóm khách tự biên tự diễn. Cuối tuần có lửa trại và Minishow ca nhạc do các chủ rừng ở đây tổ chức. Vậy nên ở rừng mà không khác ở phố.
Sự hoạt động có phần tăng động của buổi chiều cùng với nền nhiệt về đêm ở Phượng Hoàng giảm xuống một cách cách biệt so với ban ngày khiến cơn buồn ngủ kéo tới với chúng tôi. Căn lều bạt của chúng tôi chứa được 4 người, không quá rộng nhưng cũng đủ để chúng tôi ôm nhau ngủ một mạch đến sáng. Đó là một giấc ngủ đêm lạ lùng, không mơ không mộng, có lẽ cả đêm cũng chẳng đổi tư thế. Cô bạn trong nhóm từng phải uống thuốc an thần để ngủ ngon là người thức giấc sau cùng. Rất dứt khoát, chúng tôi cùng ùa ra khỏi lều để đón ánh bình minh, cảm thấy trong mình tràn đầy năng lượng cho ngày mới.
Nơi có thể thành hình mẫu về du lịch cộng đồng
Phượng Hoàng đang là chốn chơi, chốn ngủ rất đặc biệt của không chỉ giới trẻ, mà cả các gia đình nhiều thế hệ. Dưới áp lực của cuộc sống, của cơm áo gạo tiền và những mối lo toan công việc dường như đã lấy dần đi của nhiều người những giấc ngủ sâu mà đệm ấm chăn êm cũng không bù đắp được, lấy đi sự thư thái và lĩnh lặng cần có, lấy đi tính vận động và sáng tạo. Đó là một phần lý do khiến con người ngày càng muốn gắn với thiên nhiên, khiến Phượng Hoàng trở thành nơi du khách muốn đến để chữa lành, để hấp thụ và tái tạo năng lượng tích cực.
Với đặc thù là đất rừng sản xuất chuyển đổi sang loại rừng phòng hộ và giao người dân quản lý trong 50 năm, tại thời điểm hiện tại Phượng Hoàng chưa đủ điều kiện để triển khai các dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tế, bằng cách này hay cách khác, du khách vẫn tìm về với Phượng Hoàng, vẫn thực hiện những hoạt động trải nghiệm, bao gổm cả các hoạt động ngủ đêm, bất chấp vướng phải những rào cản hành chính.
Hiện nay, sự ra đời và vận hành của ban quản lý tạm thời, sự vận dụng quy chế hoạt động tạm thời, sự có mặt của tổ tự quản Phượng Hoàng mà thành viên là những chủ rừng thì những hoạt động du lịch tự phát nơi ngọn núi này bước đầu được giám sát và quản lý. Các chủ rừng đã dựng những lối đi bằng gỗ, đơn giản nhưng phù hợp, mục đích vừa tạo điểm nhấn checkin vừa giảm tác động lên thảm cỏ từ việc đi lại của du khách, tránh tình trạng cỏ bị gãy nát hoặc bị chia cắt. Tổ tự quản cũng lắp đặt nhà vệ sinh công cộng và một số hạng mục công trình tạm không gắn liền với đất để phục vụ du khách; tổ chức các hoạt động thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt xuống chân núi. Một số vị trí có dấu hiệu bị tác động để tạo mặt bằng cũng đã được ngăn chặn từ sớm, kịp thời giữ nguyên hiện trạng.
Thực tế, với Phượng Hoàng, vẻ đẹp hồn cốt chính là sự tự nhiên, mộc mạc, sự giao hoà của cỏ cây và khí hậu. Đặc biệt đồng cỏ ở đây là điểm cộng tuyệt đối cho Phượng Hoàng, giữ được cỏ là giữ được Phượng Hoàng. Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành cũng như mong muốn của du khách, dựa trên thế mạnh thiên nhiên của Phượng Hoàng có thể phát triển những sản phẩm du lịch phù hợp như glamping, camping (cắm trại), bay dù có động cơ, mô tô 4 bánh ATV, bắn cung, cưỡi ngựa, Coplay (mô phỏng nhân vật thần tượng), mặc trang phục cổ trang, trình diễn show âm nhạc hoà cùng thiên nhiên… Riêng đối với hoạt động glamping, camping có thể coi là xu hướng chủ đạo ở Phượng Hoàng nên cần hướng tới phong cách cắm trại kiểu an toàn, sang trọng, cao cấp, lãng mạn và tiện nghi.
Được biết, trong chiến lược phát triển du lịch bền vững của TP Uông Bí và TP Hạ Long (một phần không nhỏ diện tích dãy núi Phượng Hoàng thuộc địa giới hành chính Hạ Long), đỉnh Phượng Hoàng được xác định là dư địa quan trọng. Chính bởi vậy những biện pháp quản lý hiện nay được coi là tạm thời, tạo nền tảng để hình thành những quyết sách đầu tư mang tính đột phá trong thời gian tới. Đối với TP Uông Bí xác định, nguyên tắc khai thác du lịch ở Phượng Hoàng là dựa vào tự nhiên vì vậy không nhất thiết phải là những sản phẩm du lịch to tát, hiện đại nhưng cũng không để mãi tồn tại các hoạt động du lịch tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Trước mắt sẽ cần giữ những quy tắc, quy chuẩn thống nhất và hướng dẫn, giám sát các hộ dân thực hiện, trong đó ưu tiên đảm bảo 2 vấn đề cốt lõi là an toàn cho du khách và vệ sinh môi trường trong khu vực, đảm bảo mục tiêu sau cùng và cao nhất là bảo vệ tuyệt đối cảnh quan tự nhiên.
Việt Hoa
- Uông Bí - “Thành phố 4 mùa hoa”
- TP Uông Bí: Quan tâm bảo tồn, quản lý các di tích
- TP Uông Bí: Phát triển du lịch bền vững
- Viên ngọc thô của ngành du lịch
- Du lịch Quảng Ninh có gì hấp dẫn? Cẩm nang du lịch Quảng Ninh
- Quảng Ninh: Điểm hẹn du lịch 4 mùa
- Quảng Ninh lọt top tỉnh, thành doanh thu du lịch cao nhất dịp nghỉ lễ
Liên kết website
Ý kiến ()