Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:44 (GMT +7)
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Đòn bẩy cho phát triển
Thứ 5, 30/07/2015 | 09:50:51 [GMT +7] A A
Ông Trịnh Văn Tuất, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã, cho biết: Xác định phát triển CN-TTCN và du lịch, dịch vụ là động lực quan trọng cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người lao động, xây dựng nông thôn mới, thị xã đã thực hiện chính sách phát triển CN-TTCN theo mô hình cụm công nghiệp, làng nghề tập trung để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào CN-TTCN, nhất là du lịch, dịch vụ, thương mại. Thị xã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất. Nhờ vậy, nhiều ngành sản xuất phát triển mạnh, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Sản xuất gạch ốp lát trên dây chuyền công nghệ hiện đại tại Công ty CP gốm Đất Việt (xã Tràng An, TX Đông Triều). |
Bên cạnh phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trung ương trên địa bàn đầu tư phát triển sản xuất (than, nhiệt điện), đến nay công nghiệp địa phương của thị xã đã hình thành KCN Đông Triều (tại xã Hồng Thái Đông), quy mô giai đoạn đầu 150ha; cụm công nghiệp Kim Sen, quy mô gần 71ha… Đây là một trong những cụm công nghiệp trọng điểm của Đông Triều.
Hiện trên địa bàn thị xã còn có hàng chục doanh nghiệp sản xuất gốm sứ, vật liệu xây dựng từ đất sét nung. Các đơn vị này đặt đại lý phân phối tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu tới 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp tiêu biểu như: Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà, Công ty CP Vĩnh Thắng, Công ty Clinker - Viglacera, Công ty TNHH Giày dép Bách Năng, Nhà máy gạch Cotto... Ngành cơ khí chế tạo tiếp tục phát triển, một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, khẳng định uy tín và vị thế của doanh nghiệp.
Các ngành dịch vụ du lịch, thương mại, vận tải, viễn thông… cũng phát triển ổn định. Hiện trên địa bàn thị xã có gần 300 doanh nghiệp và hàng nghìn hộ hoạt động dịch vụ - thương mại, không chỉ ở các chợ, khu vực trung tâm, mà đã phát triển đến tất cả các địa bàn dân cư. Thị xã tập trung xây dựng các điểm dừng chân để du khách tham quan, mua sắm hàng gốm sứ, thủ công mỹ nghệ; phát triển du lịch sinh thái gắn với tâm linh. Thị xã đã và đang huy động các nguồn lực để xây dựng, trùng tu tôn tạo một số công trình trong quy hoạch Khu di tích, lịch sử nhà Trần được duyệt, như đền Thái, chùa Ngoạ Vân, chùa Bắc Mã...
Thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, Đông Triều đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách cụ thể, bám sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong đó, chú trọng đến việc phát huy nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, đẩy mạnh công tác xã hội hoá. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt quá trình thực hiện các dự án, chương trình trọng điểm, huy động tối đa nguồn vốn đầu tư phát triển KT-XH, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua của địa phương ước đạt 14,2%; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 2.200 USD. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã thúc đẩy cơ cấu lao động chuyển dịch tương ứng, lao động làm việc trong ngành nông, lâm, thuỷ sản giảm dần, lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng lên so với trước đây.
Song song với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thị xã quan tâm tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, đem lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, tập trung đưa các cây, con giống cho năng suất, chất lượng, giá trị cao vào nuôi trồng, sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh vùng trồng lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, cũng như đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, tạo ra chuỗi sản xuất từ khâu cây, con giống, nuôi trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, tiêu thụ các sản phẩm từ nông nghiệp. Nhờ vậy, sản lượng lương thực được giữ vững, ổn định, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 ước đạt 420 tỷ đồng.
Thời gian tới, Đông Triều tiếp tục rà soát, quy hoạch, phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Phạm Hoạch
Liên kết website
Ý kiến ()