Tất cả chuyên mục

Trước những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, bị bỏ hoang hóa tại các địa phương, từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 2 quyết định phê duyệt đề án chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác. Nhờ đó, đã mang lại năng suất, chất lượng, thu nhập cao hơn cho người nông dân, góp phần tích cực trong xóa đói, giảm nghèo.
Chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía tím tại xã Quảng Chính (Hải Hà). |
Cụ thể là Quyết định số 1374/QĐ-UBND ngày 22/5/2015 về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các huyện miền núi giai đoạn 2015-2017; Quyết định số 1721/QĐ-UBND ngày 18/5/2018 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đến năm 2020). Bám sát những quyết định này, các địa phương đã thực hiện rà soát, thống kê, cập nhật và báo cáo UBND tỉnh những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để đề xuất chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2017-2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi trên 3.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm; chuyển đổi 96ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm. Tất cả những diện tích chuyển đổi này đều được người dân báo cáo chính quyền địa phương, thực hiện làm các thủ tục chuyển đổi theo đúng quy định của pháp luật. Riêng trong 2 năm gần đây, có trên 2.600ha đất trồng lúa của người dân được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, như ngô, dong riềng, hoa, rau màu các loại. Trong đó, có một số địa phương có diện tích chuyển đổi lớn, như Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên.
![]() |
Huyện Bình Liêu chuyển đổi trên 100ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rong riềng và các loại cây hoa màu khác. |
Tại huyện Bình Liêu, địa phương đã thực hiện chuyển đổi trên 110ha trồng lúa kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước tưới sang trồng cây rong riềng và cây trồng khác. Sau khi thực hiện chuyển đổi, lợi nhuận thu được từ trồng cây rong riềng cao hơn trồng lúa trên 25 triệu đồng/ha/năm. Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, chia sẻ: Là huyện miền núi, vùng cao, khó khăn về nguồn nước tưới nên địa phương đã ý thức rất sâu sắc việc chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác. Đa phần diện tích chuyển đổi được định hướng cho bà con trồng cây rong riềng, qua đó đã mang lại hiệu quả cao hơn nên người dân rất đồng thuận. Tới đây, địa phương tiếp tục rà soát những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn, từ đó nắm tình hình nguyện vọng của người dân, tạo điều kiện chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác, mang lại giá trị cao hơn.
Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn tại phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên. |
Còn tại các huyện Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà đã thực hiện chuyển đổi trên 500ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản, ngô sinh khối và các loại rau màu theo thời vụ. Kết quả chuyển đổi này đã thu được lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa trên 10 triệu đồng/ha/năm. Tại TP Uông Bí, địa phương đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây vải chín sớm cho thu nhập bình quân 270 triệu đồng/ha/năm.
Từ những kết quả đạt được và xuất phát từ nhu cầu thực tế tại các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, sẽ có trên 3.200ha đất trồng lúa kém hiệu quả có nhu cầu chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác. Trong đó, có gần 1.200ha chuyển sang trồng cây hàng năm; trên 1.870ha chuyển sang trồng cây lâu năm và 130ha chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
Chuyển đối diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tại xã Hải Xuân, TP Móng Cái. |
Để việc chuyển đổi này được minh bạch, đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng người dân chuyển đổi tự phát, theo thời vụ, vừa qua, UBND tỉnh có báo cáo số 86/BC-UBND ngày 25/5/2020, đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, điều chỉnh đơn giản hóa, rút gọn thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng khuyến nghị người dân, tuyệt đối không được tự ý chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang mục đích khác khi chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương; các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến Luật Đất đai, Luật Trồng trọt, các nghị định của Chính phủ, góp phần nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất.
Mạnh Trường
[links()]
Ý kiến ()