Tất cả chuyên mục

Những ngày qua, rất nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh của Trường THPT Tiên Yên, huyện Tiên Yên tỏ ra vô cùng bức xúc, hoang mang, lên tiếng khi nắm bắt được thông tin UBND huyện đang nghiên cứu, xây dựng Đề án để chuyển đổi mô hình của Trường THPT Tiên Yên – một trường công lập sang mô hình dân lập, do doanh nghiệp quản lý.
Dãy nhà học hai tầng của Trường THPT Tiên Yên tuy đã xây dựng nhiều năm nhưng không đến mức xuống cấp nghiêm trọng |
Phụ huynh bức xúc, học sinh đòi nghỉ học
Để tìm hiểu về sự việc này, chúng tôi đã tìm đến gặp gỡ một số phụ huynh, giáo viên, học sinh của Trường THPT Tiên Yên và nhận được rất nhiều ý kiến, phản ứng. Theo Chị Hoàng Việt Anh, Trưởng Ban Đại diện Cha mẹ học sinh của Trường THPT Tiên Yên, phụ huynh học sinh lớp 12A1, bức xúc: “Không phải riêng tôi, rất nhiều phụ huynh trong Trường không đồng tình với việc chuyển đổi mô hình Trường THPT Tiên Yên từ công sang tư. Chúng tôi được biết, UBND huyện đang nghiên cứu chủ trương sáp nhập Trường THPT Tiên Yên và THPT Nguyễn Trãi (trường ngoài công lập), hoạt động dưới sự quản lý của doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Hợp Tiến. Với Trường THPT Nguyễn Trãi, đã tồn tại ở huyện Tiên Yên 12 năm, chúng tôi biết rất rõ, chất lượng dạy học ở ngôi trường này rất kém, học sinh thì nghịch ngợm, hay đánh nhau. Trong khi đó, Trường THPT Tiên Yên có bề dày lịch sử hơn 50 năm, với nhiều thành tích học tập, các thầy, cô giảng dạy rất tốt, học sinh thì chăm ngoan. Chúng tôi không muốn cho con của mình học cùng với những học sinh có ý thức kém như vậy. Nếu chuyển đổi như vậy, tôi sẽ không cho con em mình đi học. Rất nhiều bạn của con tôi cũng bày tỏ quan điểm sẽ nghỉ học nếu chuyển đổi trường công lập sang dân lập.”
Phòng học thông minh của Trường THPT Tiên Yên |
Chị Ngô Thu Hương, cũng là một phụ huynh của nhà trường chia sẻ: “Ngôi trường này đã đào tạo rất nhiều người tài, với bề dày thành tích học tập. Chúng tôi chỉ mong muốn các cấp lãnh đạo đừng chuyển đổi mô hình với Trường THPT Tiên Yên. Chủ trương xã hội hóa giáo dục là tiên tiến, tích cực nhưng với huyện Tiên Yên, một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh là hộ nghèo, còn phải nhận trợ cấp, thì việc cho con học trường tư thực sự sẽ rất khó khăn. Ngoài học phí còn rất nhiều khoản thu khác sẽ “bổ đầu” phụ huynh".
Bức xúc không kém chị Hương, chị Việt Anh, anh Bùi Văn Đoài, phố Đông Tiến 2, thị trấn Tiên Yên, một phụ huynh của trường cũng chia sẻ: “Con gái tôi đang rất sốc. Cháu có nói với tôi, nếu nhập 2 trường vào với nhau, con sẽ nghỉ học. Tôi cũng có đứa cháu học ở Trường THPT Nguyễn Trãi, nên tôi biết, học sinh ở đó học rất kém, đặc biệt là ý thức”.
Phòng tin học của Trường THPT Tiên Yên gần 40 máy đáp ứng cho học sinh thực hành |
“Xin đừng đẩy giáo viên miền núi ra ngoài biên chế”
Cũng giống như đa số phụ huynh, học sinh nhà trường, rất nhiều giáo viên của Trường THPT Tiên Yên đang rất tâm tư, hoang mang. Vừa chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Lý Thị Nhàn, giáo viên dạy Văn, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Tiên Yên vừa rơm rớm nước mắt: “Chúng tôi không đồng tình với chủ trương chuyển đổi mô hình nhà trường từ công sang tư, để cho một doanh nghiệp quản lý. Theo Nghị quyết số 19 của BCH T.Ư Đảng khóa XII, chúng tôi cũng được biết, có chủ trương sáp nhập trường công lập và dân lập, với những địa phương có điều kiện xã hội hóa cao. Nhưng với huyện Tiên Yên, là huyện vùng núi còn rất nghèo, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, việc áp dụng là chưa hợp lý. Không chỉ vậy, về phía giáo viên, chúng tôi vô cùng bức xúc, có những giáo viên đã gắn bó với ngôi trường này rất lâu năm, chúng tôi sẽ thiệt thòi vô cùng. Bởi khi chuyển sang mô hình dân lập, chúng tôi sẽ không còn là viên chức. Nếu như làm việc theo Luật Doanh nghiệp, giáo viên sẽ bị đuổi việc bất cứ lúc nào. Tôi thấy nếu xóa bỏ biên chế của những giáo viên miền núi là không ổn. Chúng tôi chỉ mong các cấp lãnh đạo xin đừng đẩy giáo viên miền núi ra ngoài biên chế”.
Trường THPT Nguyễn Trãi có diện tích trên 3ha |
Cô giáo Lý Thị Nhàn cho biết thêm, có những giáo viên trong trường, chấp nhận ở xa nhà, xa gia đình, đi về vất vả nhưng chỉ vì muốn vào biên chế, được công tác ở trường công lập nên đã dạy ở trường rất nhiều năm.
Còn thầy Lê Quốc Hưng, giáo viên tin học của Trường THPT Tiên Yên thì chia sẻ thêm: “Những ngày qua, giáo viên, học sinh của trường rất hoang mang, ảnh hưởng rất nhiều đến dạy, học. Theo tôi, cơ sở vật chất của nhà trường vẫn sử dụng tốt, chưa đến mức xuống cấp nghiêm trọng. Tất cả các phòng học đều được trang bị máy chiếu, 2 phòng được trang bị bảng thông minh. Phòng tin học có gần 40 máy đủ để thực hành. Chất lượng giáo dục của Trường vẫn nằm trong tốp đầu ở các huyện miền Đông. Diện tích của Trường trên 7.000m2, quyền sở hữu đất riêng biệt, chứ không hề chung với trường nào như các báo đăng tải”.
Đúng như những gì thầy Lê Quốc Hưng chia sẻ, dạo quanh trường, chúng tôi nhận thấy, cơ sở vật chất của Trường hiện vẫn chưa xuống cấp nghiêm trọng. Những dãy phòng học vẫn còn khả năng đáp ứng khá tốt công tác dạy và học.
Tiết kiệm ngân sách tỉnh?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trên cơ sở đề xuất của Công ty TNHH MTV Hợp Tiến (huyện Tiên Yên), UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Tiên Yên nghiên cứu, xây dựng Đề án để chuyển đổi Trường THPT Tiên Yên từ công lập sang dân lập, trên cơ sở sáp nhập với Trường THPT Nguyễn Trãi - là một trường tư thục trên địa bàn. Theo đó, trên địa bàn huyện Tiên Yên hiện có 4 trường có cấp THPT: THPT Tiên Yên, THPT Hải Đông, THPT Nguyễn Trãi (trường ngoài công lập), PTDTNT THCS&THPT Tiên Yên. Với Trường THPT Tiên Yên, hiện có 538 học sinh, 38 cán bộ quản lý, giáo viên, trong đó có 36 giáo viên đều nằm trong biên chế.
Một số phòng học của Trường THPT Tiên Yên vẫn còn khá mới |
Theo ông Hoàng Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên thì chủ trương này xuất phát từ việc cơ sở vật chất của Trường THPT Tiên Yên hiện đã xuống cấp, cần phải xây dựng mới. Nếu đầu tư xây dựng mới ngôi trường sẽ mất khoảng 80 tỷ đồng. Trường THPT Nguyễn Trãi lại có cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi (trên 3ha), số lượng học sinh còn thấp. Trong khi đó, ngân sách của tỉnh cho việc đầu tư, nâng cấp Trường THPT Tiên Yên hiện chưa có, nếu xã hội hóa thì sẽ tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước. Theo Luật Giáo dục, việc chuyển mô hình trường học thuộc thẩm quyền của địa phương. Hiện huyện Tiên Yên đang trong quá trình xây dựng đề án, với mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm. Chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất sáp nhập hai trường, giữ nguyên tên Trường THPT Tiên Yên, trong đó, hằng năm, trường sẽ vẫn giữ một lượng tuyển sinh hệ công lập nhất định, học phí với hệ công lập sẽ được giữ nguyên như hiện nay (50.000 đồng/tháng). Việc xây dựng Đề án nhằm đưa ra các giải pháp giúp nâng cao chất lượng dạy, học”.
Về việc giải quyết các chế độ cho giáo viên Trường THPT Tiên Yên, ông Hoàng Mạnh Hưng cũng cho rằng, Đề án chắc chắn sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó, cần phải có sự vào cuộc, hỗ trợ của tỉnh, Sở GĐ&ĐT. Đề án sẽ được xây dựng hết sức thận trọng, có lộ trình cụ thể, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa giáo viên, học sinh, nhà trường, doanh nghiệp.
Có thể thấy, đề xuất chuyển trường công thành trường tư với Trường THPT Tiên Yên đang gây nên rất nhiều ý kiến trái chiều. Với một ngôi trường có bề dày lịch sử hơn 50 năm, việc có nên chuyển đổi mô hình từ công sang tư hay không cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, trên cơ sở lấy ý kiến của đông đảo giáo viên, phụ huynh, học sinh.
Lan Anh
[links()]
Ý kiến ()