Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 17:49 (GMT +7)
"Chuyển đổi số là việc cần làm để tăng thêm sức mạnh cho du lịch Quảng Ninh"
Chủ nhật, 13/06/2021 | 07:36:21 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số (CĐS) sẽ tạo ra sự mới mẻ và hấp dẫn, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho du lịch thời hiện đại... chứ không hề "dẫm chân" du lịch truyền thống. Xu hướng CĐS trong du lịch đặc biệt cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch cả nước nói chung, du lịch Quảng Ninh nói riêng. Đó là quan điểm, chia sẻ xung quanh vấn đề CĐS với du lịch Quảng Ninh của ông Phạm Hải Quỳnh, CEO Du lịch Vân Hải Xanh (Vân Đồn), Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với ông.
- Là một người gắn bó với mảnh đất con người và du lịch Quảng Ninh, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của CĐS đối với ngành du lịch nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng, đặc biệt trước tác động lớn của dịch Covid-19 ?
+ Câu chuyện của chuyển đổi số là một mong muốn của ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt là những năm gần đây. Trong giai đoạn phải hạn chế đi lại để phòng dịch thì việc áp dụng công nghệ vào phát triển du lịch, chia sẻ sản phẩm du lịch đến khách hàng, tiếp cận khách hàng là một việc vô cùng cần thiết. Ở Việt Nam, công nghệ số đóng góp rất lớn vào sự thay đổi diện mạo du lịch, CĐS là xu hướng tất yếu, cần được đẩy mạnh hơn sau tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Còn đối với Quảng Ninh, trước đây, tỉnh đã có những sự quan tâm lớn, thực hiện những bước đi ban đầu với CĐS. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong thời gian gần đây, việc áp dụng công nghệ số giúp Quảng Ninh phát triển du lịch thông minh, tăng tính trải nghiệm cho du khách, thuận tiện trong quản lý như ứng dụng quản lý tàu thuyền trên vịnh, hệ thống camera giám sát... Việc tăng cường ứng dụng công nghệ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, dễ dàng quản lý công việc trong bối cảnh nhân sự hao hụt, đẩy mạnh chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên internet và có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Ứng dụng phổ biến trong ngành du lịch là công nghệ di động, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử… Nhiều địa phương đã từng bước đưa các công nghệ này vào hoạt động du lịch, cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D…
Chính nhờ công nghệ số, du khách trở thành khách hàng thông minh, thói quen du lịch cũng có sự thay đổi. Du khách có thể tự đặt dịch vụ tour, tuyến thông qua ứng dụng thông minh. Cũng từ những lợi ích trên và những bài học thành công của nhiều tỉnh, thành thì Quảng Ninh cần hỗ trợ sâu hơn do chính quyền chủ trì, giám sát để phát triển đồng bộ toàn hệ thống của công nghệ số trong du lịch của tỉnh.
- Nói vậy CĐS là hệ thống các giải pháp. Đó không đơn giản là khái niệm về chuyển đổi công nghệ mà rộng hơn là sự thay đổi ở nhiều phương diện. Ông có thể phân tích cho bạn đọc nhất là những đối tượng khách hàng đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch hiểu được đa chiều về CĐS?
+ Đứng ở góc độ khách hàng khi ngành du lịch áp dụng CĐS thay vì phải đến công ty du lịch, lựa chọn trong hàng trăm gói tour, dịch vụ, thì chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh sử dụng các ứng dụng số, họ có thể thấy rõ được sự hấp dẫn điểm đến, cho tới việc lên kế hoạch cho chuyến đi, lựa chọn phương tiện di chuyển, nhận ưu đãi sau chuyến đi...
Vì vậy việc CĐS không chỉ về mặt công nghệ mà còn là chuyển đổi cả về cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá theo xu thế, theo nhu cầu của khách hàng. Đây là thời cơ và thách thức cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch thay đổi phương thức quản lý, cách thức tiếp cận khách hàng nếu không muốn bị đào thải khỏi xu thế chung.
- Là người từng gắn bó với du lịch Quảng Ninh, từng có cơ hội tham gia một số chương trình về CĐS với du lịch, ông nhận định thế nào về việc triển khai CĐS ở Quảng Ninh?
+ Trong những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung xây dựng Chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh hướng tới xây dựng Chính quyền số để thực hiện cải cách hành chính. Đây là một hướng triển khai bước đầu đã thành công và mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Gần đây tỉnh lại tiếp tục triển khai Dự án ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả ngành du lịch, giúp việc thiết lập và đẩy nhanh CĐS cho du lịch.
Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh tiên phong trong vấn đề này. Cũng trên nền tảng công nghệ số mà Quảng Ninh đã triển khai, tôi hy vọng rằng nghành du lịch của Quảng Ninh cũng được sự quan tâm thật sự, chính quyền là kim chỉ nam, là người tiên phong để phát triển du lịch số ở tầm vĩ mô từ đó hướng tới những chi tiết đến từng doanh nghiệp.
- Liệu CĐS có chiếm chỗ, “dẫm chân” lên các phương thức du lịch truyền thống?
+ Không phải vậy! CĐS là công cụ để phát triển du lịch. Đặc biệt, đó là việc cần làm để tăng thêm sức mạnh cho du lịch Quảng Ninh. Với công nghệ số, chúng ta tiết kiệm tới 80% công sức để tiếp cận khách hàng, giải quyết những khó khăn và đi lại gặp gỡ khách hàng, bớt đi những chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp và giúp cho doanh nghiệp chủ động trong hoàn thiện sản phẩm cũng như có nhiều thời gian hơn để vươn tới những thị trường rộng hơn và phát triển tốt hơn. CĐS là một công cụ đắc lực để nâng cao và quảng bá cho những tiềm năng của du lịch Quảng Ninh một cách mạnh mẽ và bền vững nhất.
- Con đường CĐS khá gian nan. Hiện dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn đối với chúng ta nhưng cũng là một phần may mắn đối với CĐS?
+ Thứ nhất, chúng ta đã quá quen thuộc với cách tiếp cận của du lịch truyền thống nên việc chuyển đổi rất khó khăn. Thứ hai đó là đội ngũ nhân sự ngành du lịch nằm hai ngưỡng giữa nhân sự lớn tuổi và nhân sự trẻ năng động nên việc CĐS ở mỗi doanh nghiệp đều có những khó khăn nhất định. Ngoài ra, cũng đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư và đưa công nghệ vào với du lịch nhưng chưa phát huy được thế mạnh của công nghệ do nền tảng nhân sự chưa được đào tạo sâu và thật sự coi công nghệ là công cụ chính trong phát triển du lịch thời điểm hiện tại.
Trong cái khó khăn bởi dịch bệnh thì thời điểm này lại là cơ hội cho CĐS phát triển. Và đây là thời điểm thích hợp để Quảng Ninh thúc đẩy sự phát triển của CĐS thêm những bước tiến mới.
- Ông đánh giá gì những thay đổi theo hướng CĐS ở du lịch ở Quan Lạn?
+ Là một hòn đảo nhiều tiềm năng nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển du lịch nhưng từ khi công nghệ số len lỏi trong đời sống thì du lịch Quan Lạn cũng dần có bước chuyển mình. Chính việc ứng dụng CĐS, mạng xã hội và nền tảng công nghệ thành công cụ để tiếp cận khách hàng, quảng bá sản phẩm du lịch của hòn đảo này đến du khách.
Đặc biệt hơn cả là Chi hội du lịch Vân Đồn đã kết nối sức mạnh của những người làm du lịch trên đảo, đào tạo, hỗ trợ áp dụng công nghệ cũng như chăm sóc khách hàng một cách vẹn toàn nhất khi đến Quan Lạn. Câu chuyện “Chia sẻ khách hàng” của các nhóm Zalo, Facebook của Chi hội du lịch Vân Đồn là một ví dụ cho sự thành công trong áp dụng công nghệ vào phát triển du lịch.
Cụ thể, khi du khách có nhu cầu tìm kiếm dịch vụ du lịch tại Quan Lạn, thông tin tiếp nhận sẽ được đưa lên nhóm với những yêu cầu cụ thể. Thành viên nào đáp ứng tốt nhất nhu cầu sẽ nhận, xác minh và trao đổi với du khách để cung cấp dịch vụ tốt nhất. Với cộng đồng các doanh nghiệp, mọi nhu cầu của du khách sẽ được đáp ứng đủ, tốt nhất. Tất nhiên sẽ có sự giám sát của hội, nhóm. Tôi đánh giá cao hiệu quả của nó mang lại cho du lịch Quan Lạn trong thời gian qua.
- Theo ông, trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp cần làm gì và sẽ được gì khi CĐS đang ngày một hiện hữu trong sự phát triển du lịch?
+ Các doanh nghiệp du lịch tại Quảng Ninh cần nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin về khách hàng, về sản phẩm và dịch vụ; đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Bản thân doanh nghiệp phải tự chuyển đổi hình thức tiếp thị, tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, kỹ thuật số.
Chuyển đổi số trong ngành du lịch không hẳn là giải pháp hoành tráng như Big data, Blockchain, AI..., mà nhiều khi chỉ đơn giản là giữ được quan hệ với khách hàng thông qua những ứng dụng Zalo, Facebook, Google, hệ thống quản trị khách hàng, thông tin dữ liệu về điểm đến du lịch an toàn, chương trình khuyến mãi đặc biệt...
Nhờ cách làm này, voucher giảm giá tại một số resort vẫn bán chạy, một số tour nội địa vẫn thành công, các tour nghỉ dưỡng cuối tuần vẫn kín khách, khó đặt... Chúng ta cần hoàn thiện các tính năng, đưa ứng dụng CĐS trở thành công cụ hữu ích đối với du khách trong việc khuyến cáo điểm đến an toàn và quảng bá điểm đến cho khách du lịch; đồng thời phục vụ hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, phục hồi du lịch sau dịch.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Tạ Quân (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()