Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:57 (GMT +7)
Chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị
Thứ 5, 07/09/2023 | 10:06:00 [GMT +7] A A
Việc đổi mới phương thức, sử dụng công nghệ số trong dạy và học trực tuyến thời gian qua đã góp phần thúc đẩy, thực hiện Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”; “…tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”... Nhận thức được điều đó, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục - đào tạo.
Nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho CBCC của tỉnh đã linh hoạt trong đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến, trực tiếp, kết hợp trực tiếp - trực tuyến phù hợp với tình hình thực tiễn, bắt kịp với xu thế giảng dạy trong thời đại công nghệ 4.0. Trong đó, tăng cường ứng dụng CNTT, truyền thông trong dạy học nhằm phát huy tính tự lực, tự học, tự nghiên cứu; đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc mọi nơi của người học và phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau, góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đào tạo, bồi dưỡng CBCC của tỉnh.
Để chuyển đổi số hiệu quả, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh đã có hạ tầng mạng, đường truyền Internet tốc độ cao; nâng cấp cổng thông tin điện tử của đơn vị; mua sắm trang thiết bị cầu truyền hình, lắp đặt hệ thống mạng dành riêng cho cầu truyền hình. Trang bị bản quyền phần mềm Microsoft teams, hệ thống các phần mềm quản lý văn bản liên thông, hệ thống hòm thư công vụ, chữ ký số, camera an ninh, âm thanh, ánh sáng, màn chiếu, máy chiếu tại các lớp học về cơ bản được đảm bảo...
89% giảng viên, giảng viên kiêm chức của Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ và các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã chủ động trang bị máy tính xách tay; 11% sử dụng máy tính để bàn. Đây là những điều kiện tiền đề quan trọng để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chủ động chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo, xây dựng lớp học thông minh.
Song song với đó, tỉnh có nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức giảng dạy lý luận chính trị cho CBCCVC trong tỉnh. Hầu hết các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị quan tâm triển khai nhiều chương trình tập huấn sử dụng thiết bị giảng dạy hiện đại, các phần mềm trực tuyến, CNTT vào giảng dạy và giảng trực tuyến (92% giảng viên, giảng viên kiêm chức làm chủ các vấn đề kỹ thuật; 82% sử dụng linh hoạt các phương pháp khi giảng dạy ở mức độ tốt, khá).
Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cũng thường xuyên đổi mới. Điển hình như Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, Đảng ủy Than Quảng Ninh, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn giảng viên ứng dụng CNTT trong soạn giáo án và giảng dạy trên lớp; viết bài nghiên cứu khoa học, quản lý học viên. Xây dựng các chương trình, kế hoạch tích hợp trong kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy và học hiệu quả, phù hợp; xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi, câu hỏi thi, kiểm tra kết thúc môn học được kiểm định chặt chẽ, thông qua chuyển đổi số.
Hiện Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ có 10 phòng dành riêng cho giảng viên giảng trực tuyến với đầy đủ trang thiết bị như: Máy tính bàn, mạng wifi ổn định, loa, mic đảm bảo tiêu chuẩn về âm thanh, chống ồn… Giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trường đã tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến. Thời điểm đầu, mỗi buổi giảng lý thuyết tối thiểu 3 tiết (mỗi tiết học 40 phút), sau đó mỗi buổi học quy định là 2 tiếng. Thời gian còn lại, giảng viên giao cho học viên tự nghiên cứu. Giảng viên cũng hoàn thành buổi học trong khung giờ quy định theo lịch học được công bố.
Tính đến tháng 8/2023, nhà trường đã tổ chức hơn 70 lớp học ở các chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị và bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng cán bộ quản lý, lãnh đạo cấp phòng dưới hình thức trực tuyến, hoặc kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp, học trực tuyến thi trực tiếp... Giảng viên của nhà trường chủ động nâng cao trình độ để ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, thiết kế bài giảng có sự tương tác với học viên, yêu cầu học viên tham gia nhiều hơn vào buổi học và tạo hứng thú hơn trong các giờ giảng. Đồng thời, chủ động giới thiệu và cung cấp tài liệu liên quan đến bài giảng cho học viên có thể tiếp cận thông qua việc tạo mã QR, thiết kế các bài tập quizizz, sử dụng các video clip...
Công tác quản lý lớp học được thực hiện nghiêm túc, các lớp học mở hồ sơ quản lý lớp học theo quy định, nhất là trong khâu tiếp nhận và xử lý văn bản đã sử dụng toàn bộ trên phần mềm VnEoffice, kết hợp với thông tin qua Zalo. Công tác tổ chức, quản lý học viên học tập cũng đổi mới với sự vận dụng CNTT, lập Zalo nhóm lớp để thông tin và nhắc nhở học viên.
Giảng viên Ngô Bình Thuận, Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, cho biết: Việc thực hiện chuyển đổi số trong giảng dạy ở nhà trường đã sớm được quan tâm, tiến hành và đạt được những kết quả tốt, giúp nhà trường hoàn thành nhiệm vụ, nhất là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hiện các giảng viên, nhân viên nhà trường tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy. Trong giai đoạn hiện nay, nhà trường rất mong được tỉnh quan tâm, định hướng việc xây dựng thư viện số, nâng cấp các phần mềm quản lý hồ sơ, điểm số, đề thi… đảm bảo chuyển đổi số có hiệu quả.
Chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn có những hạn chế. Trong đó, việc học viên học tập trong tình trạng chưa đủ điều kiện học tập trực tuyến còn phổ biến; một số giảng viên chưa thật sự làm chủ công nghệ, nên còn lúng túng, chậm xử lý những vấn đề phát sinh, ảnh hưởng đến thời gian buổi học.
Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế về trang thiết bị CNTT, đường truyền; việc mã hóa, số hóa dữ liệu còn chậm, chưa thống nhất; hệ thống các phần mềm phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý đào tạo chưa đồng bộ, liên thông và còn tình trạng mỗi đơn vị sử dụng một phần mềm riêng.
Tại các cơ sở, đặc biệt tuyến huyện vẫn còn tình trạng giảng viên, giảng viên kiêm chức phải giảng tại phòng làm việc hoặc ở nhà, giảng viên phải kết nối bằng 3G/4G để giảng dạy...
Vì vậy, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng cần chủ động đề xuất để đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, tài liệu đồng bộ; kết nối mạng Internet, thiết bị CNTT, ứng dụng phần mềm đảm bảo phục vụ tốt cho dạy và quản lý. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên cần nâng cao kỹ năng, làm chủ kỹ thuật trong giảng dạy, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại... để công cuộc chuyển đổi số đạt kết quả tốt.
Nguyễn Thị Thanh Thùy (Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()