Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:32 (GMT +7)
Chuyên gia Anh lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023
Thứ 4, 11/01/2023 | 16:36:05 [GMT +7] A A
Giám đốc điều hành Công ty tư vấn đầu tư BDA Partners cho rằng tiêu dùng nội địa, xuất khẩu cùng sự phục hồi của ngành du lịch là yếu tố tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
Giám đốc điều hành Công ty tư vấn đầu tư BDA Partners, ông Andrew Huntley đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tầm trung phát triển nhanh nhất toàn cầu với mức tăng trưởng kinh tế 6% vào năm 2023.
Ông Huntley nhận định mặc dù không cao bằng mức tăng trưởng năm 2022, tỷ lệ trên vẫn tương đương mức tăng trưởng mạnh mà Việt Nam ghi nhận trong giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2019.
Đánh giá về tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, chuyên gia Anh cho rằng, với mức tăng 8,02% - thuộc hàng cao nhất thế giới, Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh sau hai năm bùng phát dịch Covid-19 khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng trưởng ở mức 2,5-3% do tác động của đại dịch, các biện pháp hạn chế phòng dịch cũng như các yếu tố bất thường khác, khiến tăng trưởng của các ngành du lịch, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu giảm mạnh.
Ông Huntley cho rằng, động lực của sự phục hồi là tiêu dùng tăng khoảng 14%, mức tăng trưởng cao và đóng góp lớn vào mức tăng trưởng GDP hơn 8%.
Không chỉ tiêu dùng nội địa tăng mạnh, xuất khẩu trong năm 2022, cũng phục hồi tương tự với mức tăng 13%, trong đó xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất đóng góp nhiều nhất và là động lực lớn nhất.
Ngoài phục hồi sau đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng có yếu tố tích cực khác, như việc ký kết các thỏa thuận thương mại mới với Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada, góp phần quan trọng cho mức tăng trưởng khá mạnh vào năm 2022 cho Việt Nam.
Đánh giá về các cơ hội và thách thức trong năm 2023, ông Huntley cho rằng mặc dù chưa trở lại mức trước đại dịch, du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng như du lịch trong nước đã có những dấu hiệu phục hồi trong năm 2022 và triển vọng này sẽ khả quan hơn nhiều trong năm nay, là điểm tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2023.
Theo chuyên gia Huntley, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ đóng vai trò đáng kể đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023, khi vị thế của Việt Nam được nâng cao trong danh sách lựa chọn của các nhà đầu tư quốc tế.
Là chuyên gia trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập, ông Huntley cho biết nhiều người mua và nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới các công ty tư nhân và khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam khi họ mở rộng kinh doanh và đầu tư lớn vào Việt Nam.
Việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam từ đầu năm 2022, vốn hỗ trợ đáng kể cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sẽ là động lực tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới nếu chương trình này được thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành BDA cũng chỉ ra những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, trong đó lực cản lớn nhất là những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
Ông Huntley chỉ ra rằng là nước xuất khẩu lớn, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh các nền kinh tế khác có tiêu dùng hoặc đầu tư ít hơn, lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 có thể bị tác động.
Một thách thức khác là áp lực kép của lạm phát và lãi suất trong bối cảnh Việt Nam vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô và năng lượng trong khi chi phí của những mặt hàng này đã tăng đáng kể và có thể ở mức cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất.
Lãi suất vay - yếu tố ảnh hưởng đến tính thanh khoản và chi phí vốn - tăng hơn 10% đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam, sẽ ảnh hưởng đến đầu tư công nghiệp vào các nhà máy và thiết bị mới và cả vào bất động sản, vốn là những động lực của nền kinh tế.
Bất chấp những thách thức trên, ông Huntley vẫn lạc quan về triển vọng của Việt Nam trong trung hạn, nhận định Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn cơ bản hỗ trợ tăng trưởng trong những năm tới.
Việt Nam là một quốc gia ổn định về xã hội, với nhiều nội lực, tập trung cao vào công nghệ và giáo dục; có dân số tương đối trẻ, những người rất cởi mở và đang tìm cách cải thiện cuộc sống của bản thân, của gia đình và của đất nước.
Việt Nam cũng chứng kiến tăng trưởng nội địa mạnh khi người dân cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe và giáo dục cũng như môi trường sống, trong khi chính phủ cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn, vì vậy Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn trong danh sách của các nhà đầu tư toàn cầu.
Ông Huntely cho biết, không chỉ cá nhân ông lạc quan về triển vọng của Việt Nam mà rất nhiều nhà đầu tư cũng chia sẻ Việt Nam là thị trường hấp dẫn.
Trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư tài chính ưu tiên Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á như một cơ hội tích cực.
Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, ông Huntley cho rằng mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong thực hiện chương trình khôi phục và phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam cần tập trung giải quyết sự thiếu hiệu quả trong cách triển khai giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương nhằm bảo đảm các chương trình, dự án đầu tư được hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần chú trọng triển khai các chương trình giới thiệu thế mạnh của Việt Nam tới cộng đồng đầu tư quốc tế, dù đó là các công ty lớn hay các nhà đầu tư tài chính.
Các chương trình này không chỉ tập trung vào các lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, du lịch, mà cả những lĩnh vực mà Việt Nam cần phát triển các hình thức đầu tư bền vững để giải quyết những thách thức của đất nước như các vấn đề về môi trường; biến đổi khí hậu; sử dụng đất nông nghiệp; tác động của biến đổi khí hậu đối với sông, rừng...
Đây là những lĩnh vực có tiềm năng đầu tư dài hạn, vì vậy hỗ trợ của chính phủ trong những lĩnh vực này sẽ có lợi trong việc thúc đẩy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn.
Ông Huntley là một trong 3 Giám đốc điều hành và là đồng sáng lập BDA Partners. Hiện ông phụ trách mảng khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe toàn cầu với trụ sở văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, ông tham gia thành lập và quản lý các văn phòng đầu tiên của BDA tại châu Á, quản lý văn phòng New York (Mỹ) từ năm 2002-2005 và văn phòng London (Anh) từ năm 2005-2018.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()