Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 09:59 (GMT +7)
Chuyên gia chỉ cách cha mẹ dạy con bơi
Thứ 4, 15/05/2024 | 17:03:20 [GMT +7] A A
Dạy bơi cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ mang lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời về cả thể chất lẫn trí tuệ. Khi dạy trẻ bơi, bố mẹ phải kiên nhẫn, hướng dẫn tỉ mỉ và cần tham gia học cùng con để tăng cường hiệu quả.
Lợi ích khi trẻ học bơi
Thầy Nguyễn Văn Dũng - Trung tâm bơi lội B&G (Hà Nội) cho biết, ngoài việc chống đuối nước, học bơi có nhiều lợi ích tuyệt vời cho trẻ. Thông thường các con chỉ tiếp xúc nhiều với bố mẹ và một vài người thân cận nhất. Do đó việc hạn chế giao tiếp, kém tự tin khi gặp người ngoài rất hay xảy ra. Khi tham gia học bơi, con sẽ có điều kiện tiếp xúc với thầy cô, các bạn đồng trang lứa nhiều hơn. Việc này giúp con tăng khả năng giao tiếp, trò chuyện cùng những người bạn mới, hình thành tâm lý tự tin ở bản thân.
“Đa số trẻ lần đầu tiếp xúc với hồ bơi sẽ sợ hãi, thậm chí gào khóc. Nhưng nếu một khi đã quen sẽ rất thích thú. Đồng thời, việc các con học được những kỹ năng bơi lội cơ bản và có thể tự tin khi bơi cũng sẽ giúp con nhanh nhẹn, linh hoạt và năng động hơn”, thầy Dũng chia sẻ.
Cũng theo thầy Dũng, nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng bơi lội mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển trí não của trẻ. Việc vận động dưới nước sẽ giúp kích thích các dây thần kinh trong não phát triển như dây thần kinh vận động, cảm giác,… Việc này có tác dụng làm tăng sự hưng phấn, từ đó trẻ sẽ thích khám phá khiến trẻ thông minh hơn.
Thầy Dũng cho rằng, tỷ lệ trẻ đuối nước do không biết bơi vẫn còn rất cao. Chính vì thế việc dạy bơi cho trẻ em là việc làm cần thiết phải thực hiện. Khi trẻ biết bơi, con có thể tự bảo vệ bản thân. Từ đó hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong trường hợp không có cứu hộ kịp thời. Đồng thời, đây cũng là giải pháp giúp các bố mẹ yên tâm hơn phần nào về con.
Ngoài ra, bơi lội là môn thể thao yêu cầu khả năng kết hợp vận động đầy đủ và toàn diện nhất. Đa phần các động tác bơi đều yêu cầu người học phải rướn người hoặc vươn về phía trước. Cùng với đó, nhiều nghiên cứu khoa học cũng chứng minh rằng hormone tăng trưởng được sản sinh nhiều hơn trong quá trình bơi. Nhờ đó, việc dạy bơi cho trẻ em là cách tốt nhất giúp trẻ phát triển chiều cao vượt trội và toàn diện nhất.
Những điều bố mẹ cần biết
Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Văn Dũng gợi ý các bước mà chính cha mẹ cũng có thể dạy trẻ bơi an toàn:
Cho trẻ làm quen với nước: Giữ trẻ dưới cánh tay và đi vòng quanh hồ bơi. Trong lúc đó, cha mẹ có thể trò chuyện khiến trẻ cảm thấy thoải mái và thích thú khi ở môi trường mới. Đây là cách giúp con làm quen với nước nhanh chóng và an toàn nhất.
Hướng dẫn con đập chân dưới nước: Sau khi làm quen với nước, trẻ sẽ tiếp tục được học đập chân dưới nước. Cha mẹ bám vào thành hồ hoặc bậc cầu thang ở hồ bơi rồi hướng cho trẻ cách đập chân dưới nước đều đặn. Nếu không để trẻ bám vào thành hồ, cha mẹ có thể giữ hai tay trẻ, tạo điểm tựa để con có thể đập chân. Nếu trẻ lớn, cũng có thể chuẩn bị cho con miếng ván xốp cầm tay.
Cho trẻ tập thổi bóng dưới nước: Tập thổi bóng dưới nước là thời điểm cả cơ thể trẻ phải tiếp xúc với nước. Đầu tiên, cho con úp mặt xuống nước rồi từ từ thở ra những bọt nước. Tập cho trẻ quen dần với động tác này rồi cho trẻ lặn lâu hơn khi đã quen. Đồng thời, cũng nên tập cho con mở mắt dưới nước bằng việc tổ chức một số trò chơi. Trong quá trình chơi sẽ giúp con giảm bớt sợ hãi với nước và phát triển một số kỹ năng khác.
Cho trẻ tập thở dưới nước: Tập thở dưới nước là bước rất quan trọng khi bơi. Cha mẹ cần hướng dẫn con cách nâng và hạ đầu dưới nước. Khi đã biết cách thở các con sẽ dễ dàng bơi được xa hơn.
Tập cho trẻ cách quạt tay: Hướng dẫn trẻ kết hợp quạt tay là bước tiếp theo khi dạy con học bơi. Người lớn vòng tay qua ngang hông để giữ con thăng bằng trên nước. Đồng thời chỉ con quạt tay hay ôm nước thế nào. Để con học nhanh hơn, có thể làm mẫu trước. Sau khi quạt tay đã thành thục thì hướng dẫn cho con kết hợp cả tay và chân.
Hướng dẫn con bơi đoạn ngắn: Sau khi đã tập thành thục các động tác thì bắt đầu cho con học bơi đoạn ngắn. Việc này giúp con làm quen với môi trường nước khi không có người lớn giúp và cũng giúp con học nhanh hơn. Sau đó, tăng dần khoảng cách để con bơi quãng dài hơn.
Để quá trình học bơi diễn ra an toàn và hiệu quả nhất, thầy Dũng cũng lưu ý cha mẹ cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng khi bơi cho con như: Quần áo bơi; mũ bơi; kính bơi. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ cần có kính bơi. Bởi khi đeo kính các con có thể quan sát và học tập dưới nước tốt hơn. Đồng thời đây cũng là cách để bảo vệ đôi mắt của trẻ.
Việc chọn hồ bơi có chất lượng nước sạch sẽ rất quan trọng. Cha mẹ nên chọn những hồ nước trong, không có mùi lạ; có thể nhìn xuống đáy bể. Bơi khi trẻ mới học đôi khi sẽ uống phải nước bể bơi. Do đó để bảo vệ trẻ, nên chọn bể bơi chất lượng. Tuyệt đối tuân thủ các bảng chỉ dẫn nguy hiểm trong bể bơi. Không bơi sau khi ăn no; không bơi khi trời quá nắng. Cần tắm gội sạch sẽ, nhỏ nước muối sinh lý để rửa mắt sau khi bơi lội.
Những kỹ năng cơ bản
Kể cả người đã biết bơi cũng cần những kỹ năng cơ bản để phòng tránh đuối nước. Bởi có rất nhiều nguyên nhân khiến cả người chưa hoặc đã biết bơi có thể bị tai nạn đuối nước.
Theo ThS Nguyễn Văn Hùng - giáo viên thể dục thể thao Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội), những người không biết bơi khi rơi xuống nước thường hoảng loạn. Vì vậy, họ đập chân tay rất mạnh nên mất sức và bị chìm, ngạt thở và chết đuối. Phòng chống đuối nước, học bơi không nhất thiết phải xuống nước. Học sinh có thể ở trên cạn với những kiến thức, thực hành về môi trường sông nước, cơ thể với nước… Cần thành thạo với các nguyên lý, động tác rồi mới xuống nước.
“Bài học đầu tiên là học thở. Ở nhà có thể lấy cho trẻ một chậu nước, đặt vừa tầm và hướng dẫn trẻ hít một hơi sâu rồi nhúng mặt ngập vào nước, sau đó thở từ từ ra bằng mũi. Khi gần hết hơi thì từ từ nghiêng mặt quay cổ ngang sang phải, hoặc trái để mũi miệng nhô khỏi mặt nước, há miệng thở vào sâu rồi lại úp mặt xuống nước và thở ra từ từ dưới nước. Chỉ cần cho trẻ rèn luyện thuần thục bài học này khi rơi xuống nước, trẻ sẽ ít có nguy cơ bị chết đuối”, thầy Hùng chia sẻ.
Ở dưới nước nếu chưa biết bơi hãy tập lấy tay bịt mũi, nín thở trong 5 – 7 giây để không bị sặc nước. Đồng thời thả lỏng cơ bắp để nước đẩy đầu nổi lập lờ sát mặt nước. Tiếp đó là dùng tay hoặc chân để quạt, đạp nước nhô đầu lên thở phì nhanh ra rồi há to miệng thở vào. Khi người rơi trở lại xuống nước, lại nín thở đợi nước đẩy nổi lên, rồi lại quạt tay, đạp chân thở ra thở vào… Với cách này, người không biết bơi có thể tồn tại lâu dưới nước chờ người đến cứu.
Để giúp trẻ không hoảng loạn khi rơi xuống nước, thầy Hùng hướng dẫn, ở nhà cha mẹ có thể luyện kỹ năng thoát hiểm ngay trên cạn cho trẻ.
“Hãy xả nước lên đầu, lên mặt, để trẻ biết cảm giác nước bắn vào mắt, vào tai, vào miệng. Sau đó thả mình vào bồn tắm đầy nước để cảm nhận sự bập bềnh của cơ thể trong nước. Hãy nín thở, nhúng đầu chìm vào chậu nước để biết cảm giác đầu, mặt, mũi chìm trong nước không đáng sợ. Sau đó tập thở ra bằng mũi khi đầu chìm vào chậu nước, thở vào bằng miệng khi nghiêng đầu nhô khỏi chậu nước…”, thầy Hùng hướng dẫn.
Với những người biết bơi thì nguy cơ bị đuối nước cũng rất cao khi gặp phải các tình huống bất ngờ. Trẻ cần được học kỹ năng thoát khỏi tai nạn đuối nước kể cả khi biết bơi. Lý giải điều này, thầy Hùng cho biết, đuối nước không chỉ gặp phải ở những người không biết bơi mà còn có thể ở cả người biết bơi khi họ mất sức, chuột rút,... Tâm lý chung của hầu hết mọi người khi bị đuối nước chính là mất bình tĩnh và liên tục vùng vẫy. Điều này sẽ làm cho cơ thể bị mất kiểm soát và càng chìm sâu hơn.
Vì vậy, người lớn có thể dạy trẻ áp dụng kỹ năng khi bị đuối nước để tự cứu sống bản thân nếu chẳng may rơi vào tình thế nguy hiểm này. Trước tiên, cần lấy lại bình tĩnh và làm nổi cơ thể. “Có thể bạn chưa biết, cơ thể con người vốn có tính nổi. Vậy nên khi ở dưới nước, nếu biết cách kiểm soát, cơ thể sẽ như một chiếc phao, nổi lên trên mặt nước”, thầy Hùng nói.
Theo thầy Hùng, nguyên nhân là vì buồng phổi của chúng ta có thể chứa từ 6 - 8 lít không khí. Khi rơi xuống nước, không khí bên trong sẽ đẩy chúng ta lên ở tư thế úp và gần sát so với mặt nước. Tuy nhiên, trẻ cần bình tĩnh để có thể giữ được trọng lực cân bằng. Và để biến cơ thể mình thành một chiếc phao cứu sinh, trẻ cần thực hiện nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở và thả lỏng cơ thể.
Cũng theo thầy Hùng, khi ngoi được đầu lên mặt nước, điều cần làm chính là hít thở. Tuy nhiên khi bị đuối nước, đặc biệt là do không biết bơi nên bạn không thể giữ cho đầu mình ở trên mặt nước quá lâu mà sẽ liên tục ngoi lên, ngụp xuống. Chính vì vậy, khi ngoi được lên khỏi mặt nước hãy hít một hơi thật sâu bằng cả miệng và mũi. Lúc đầu ngụp xuống thì thở ra dưới mặt nước. “Khi ngoi được lên, hãy cố gắng ra những tín hiệu có thể để những người xung quanh đến cứu bạn khỏi tình thế nguy hiểm. Cụ thể như giơ tay lên vẫy, dùng tay đập xuống mặt nước hoặc la lên thật to”, thầy Hùng nhấn mạnh.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()