Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 07:12 (GMT +7)
Chuyên gia đánh giá khả năng phòng thủ của Seoul trước tên lửa siêu vượt âm Triều Tiên
Thứ 2, 15/01/2024 | 22:29:14 [GMT +7] A A
Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đánh dấu bước đột phá mới trong quá trình phát triển vũ khí mà các nhà phân tích đánh giá là đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với hệ thống phòng không của Hàn Quốc.
Triều Tiên ngày 15/1 tuyên bố nước này đã phóng thử thành công một tên lửa tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn mới có đầu đạn siêu vượt âm.
Theo trang tin Koreatimes, vụ phóng này là vụ thử vũ khí đầu tiên của Triều Tiên trong năm nay và là lần đầu tiên tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm (IRBM) sử dụng nhiên liệu rắn được thử nghiệm nhằm kiểm tra độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn và khả năng bay của đầu đạn tên lửa. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận cuộc thử nghiệm thành công.
Thông báo trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi các nhà máy sản xuất vũ khí trong nước điều chỉnh tổ chức sản xuất và đe dọa ngăn chặn Hàn Quốc và Mỹ nếu họ sử dụng vũ lực thách thức chủ quyền của Bình Nhưỡng.
Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa được phóng từ Bình Nhưỡng đã bay khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi phía Đông nước này. Một IRBM thông thường có khả năng di chuyển từ 3.000-5.500 km. Điều này có nghĩa là một tên lửa bắn từ Triều Tiên có thể đánh trúng tới bất kỳ nơi nào ở Hàn Quốc cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam hoặc Nhật Bản với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Nếu tuyên bố này là đúng, một tên lửa siêu vượt âm phóng từ thủ đô Triều Tiên có thể tấn công mục tiêu ở Seoul chỉ trong khoảng một phút.
Theo các chuyên gia, vụ phóng mới nhất đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Hàn Quốc vì hiện tại Seoul không có hệ thống nào có thể đánh chặn những tên lửa như vậy.
“Tên lửa của Triều Tiên đặt ra hai thách thức đối với quân đội Hàn Quốc. Đầu tiên, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn dễ vận chuyển và phóng nhanh hơn tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Do đó, việc phát hiện sớm và phản công sẽ khó khăn. Ngoài ra, tên lửa siêu vượt âm cực kỳ khó bị đánh chặn do dichuyển với vận tốc lớn, khả năng cơ động, đường bay thấp và quỹ đạo không thể đoán trước. Hiện tại, cả Hàn Quốc và quân đội Mỹ đều không có hệ thống phòng thủ đáng tin cậy nào để chống lại những mối đe dọa như vậy”, Kim Yeoul-soo, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Viện Quân sự Hàn Quốc, lý giải.
Tên lửa siêu vượt âm nằm trong số những vũ khí tiên tiến mà nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố sẽ phát triển. Tên lửa siêu vượt âm được thử nghiệm vào năm 2022 và 2023 là loại sử dụng nhiên liệu lỏng có tốc độ bay gấp 10 lần tốc độ âm thanh. Các nhà phân tích cho biết Triều Tiên dường như đang ngày càng chuyển sang sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn với mục đích làm suy yếu và cuối cùng là “vô hiệu hoá” khả năng của Hàn Quốc và Mỹ trong việc phát hiện và phòng thủ trước các mối đe dọa tên lửa.
Shin Jong-woo, nhà phân tích cấp cao tại tổ chức tư vấn Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc, chohay: “Đây dường như là giải pháp của Triều Tiên đối với hệ thống tấn công phủ đầu và hệ thống phòng không đang được phát triển của chúng tôi”.
Về phần mình, Hàn Quốc đang phát triển tên lửa đất đối không tầm xa để cải thiện khả năng phòng không trước vũ khí siêu vượt âm. Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, tên lửa mới dự kiến được triển khai sớm nhất vào năm 2028.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, nói rằng đây rõ ràng là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào Hàn Quốc sẽ gặp phải phản ứng mạnh mẽ.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui đã tới Mokva để hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong bối cảnh hai nước tăng cường quan hệ về an ninh và các lĩnh vực khác.
Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại Nga, vốn nổi tiếng với công nghệ tên lửa siêu vượt âm tiên tiến, có thể hỗ trợ Triều Tiên phát triển một phiên bản Avangard – tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()