Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 18:51 (GMT +7)
Chuyên gia nhận định khả năng Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo sau lúa mì
Thứ 5, 23/06/2022 | 10:10:11 [GMT +7] A A
Nhiều người dân trên khắp thế giới đang phụ thuộc vào gạo Ấn Độ.
Khi Desmond Akwai, sinh viên người Ghana, sống tại Bengaluru (Ấn Độ) nhớ về gia đình ở Accra, anh đã gọi video cho người thân trong một bữa ăn. Giống như Akwai, ở đầu dây bên kia, gia đình anh cũng đang ăn cơm nấu từ gạo Ấn Độ. Sinh viên chuyên ngành thương mại 23 tuổi cho biết: “Vì người Ghana cũng ăn gạo Ấn Độ, nên cảm giác như chúng tôi đang ăn tối cùng nhau, mặc dù chúng tôi ở rất xa nhau”.
Không chỉ gia đình của Akwai, nhiều người dân trên khắp thế giới cũng đang phụ thuộc vào gạo Ấn Độ. Cho đến nay, nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới này còn là nhà cung cấp gạo hàng đầu cho cả các nước Trung Đông giàu có - như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, cũng như cho các quốc gia đang phát triển ở Tây Phi - như Ghana, Benin và Togo. Bắt đầu nhập khẩu gạo từ Ấn Độ chỉ vài năm trước, nhưng Trung Quốc cũng đang coi quốc gia Nam Á này là nhà cung cấp lớn duy nhất của mình.
Giờ đây, việc cung cấp nguồn lương thực chính cho hơn một nửa hành tinh có thể giúp New Delhi lấy lại niềm tin của nhiều quốc gia, sau khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lúa mì vào tháng trước. Động thái này đã gây ra cơn địa chấn trên khắp thế giới vào đúng thời điểm xung đột Nga- Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính cả mức sản xuất và nhu cầu tiêu thụ gạo sẽ đạt kỷ lục mới trên toàn cầu trong năm nay. Các chuyên gia dự kiến Ấn Độ cũng sẽ chứng kiến sản lượng tăng và mức tiêu thụ gạo lớn hơn, không giống như lúa mì, khi vụ thu hoạch gần đây ít hơn đáng kể so với ước tính.
Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu lúa mì đã khiến các thị trường thế giới hoài nghi về khả năng Ấn Độ tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế tương tự đối với gạo. Các nhà phân tích cho biết giá trị xuất khẩu gạo của nước này trong tháng 5 đã tăng hơn 10% so với một năm trước đó, phần lớn là do lo ngại trên. Họ nhận định cách Ấn Độ cân bằng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gạo có thể đảm bảo an ninh lương thực và giải quyết nạn đói cho hàng triệu người trên thế giới.
Ông Paul Dorosh, Giám đốc chiến lược phát triển của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, nói với Al Jazeera: “Nếu Ấn Độ áp đặt hạn chế nghiêm ngặt đối với xuất khẩu gạo, hậu quả sẽ rất tàn khốc, đặc biệt là đối với một số quốc gia nghèo nhất phụ thuộc vào mặt hàng nhập khẩu này”.
Song ông Vinod Kaul, Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà xuất khẩu Gạo Ấn Độ, cho biết vào thời điểm hiện tại, không cần phải lo lắng về lệnh cấm xuất khẩu gạo tiềm tàng. Ông giải thích: “Vụ thu hoạch vừa qua rất tốt, Ấn Độ vẫn đảm đủ gạo dự trữ trong kho cho hệ thống phân phối lương thực rộng lớn của mình. Dự báo năng suất vụ mùa hiện tại cũng đầy hứa hẹn. Chúng tôi chưa từng nhận được bất kỳ tín hiệu nào về kế hoạch áp đặt hạn chế đối với xuất khẩu mặt hàng này. Tại sao Ấn Độ phải đưa ra lệnh cấm đó?”
Theo dữ liệu từ Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI), trên thực tế, nguồn dự trữ gạo của Ấn Độ vào thời điểm hiện tại là 33 triệu tấn - mức cao nhất mà quốc gia này đạt được ở cùng thời điểm kể từ năm 2016.
Nguồn cung lương thực hạn chế
Bà Kelly Goughary, nhà nghiên cứu cấp cao tại Gro Intelligence, tổ chức tư vấn nông nghiệp Mỹ cho biết hiện tượng La Nina cũng sẽ giúp cải thiện năng suất lúa của đất nước. Bà nói Ấn Độ đã sản xuất kỷ lục 129,7 triệu tấn gạo trong năm ngoái dưới tác động của La Nina.
Tuy nhiên, nguồn cung lương thực của Ấn Độ dự kiến sẽ ít hơn khi sản lượng lúa mì giảm mạnh trong năm nay. Cùng với đó, các kho dự trữ gạo và lúa mì vào đầu tháng 6 đã mức thấp nhất kể từ năm 2017. Hy vọng của Ấn Độ về năng suất cao từ vụ lúa hiện nay - vụ thu hoạch diễn ra vào tháng 10 và tháng 11 - đang phụ thuộc vào đợt gió mùa tới.
"Nếu Ấn Độ quyết định cần giảm xuất khẩu để đảm bảo có đủ lương thực cho người dân trong nước, quốc gia này có thể chọn các cách tiếp cận khác đối với gạo basmati - loại gạo thơm, hạt dài và đắt hơn", ông Dorosh nói. Gạo Basmati chủ yếu được xuất khẩu sang các nước ở Trung Đông, do giá thành cao nên đây không phải là mặt hàng chính đối với hầu hết người dân Ấn Độ.
Năm 2008, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu các loại gạo không thuộc loại Basmati để kiềm chế lạm phát gia tăng, chỉ cho phép xuất khẩu gạo Basmati ra nước ngoài. Lệnh cấm này mới được dỡ bỏ vào năm 2010. Giờ đây, một lần nữa, chi phí ở Ấn Độ lại tăng vọt, tỷ lệ lạm phát giá bán buôn chạm mức gần 15,9% trong tháng 5, cao hơn nhiều so với dự báo.
Tác động của lệnh cấm xuất khẩu gạo
Các chuyên gia nhận định lệnh cấm xuất khẩu gạo không thuộc loại Basmati sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các quốc gia châu Phi đang hứng chịu tình trạng mất an ninh lương thực, vì họ là những nhà nhập khẩu lớn nhất.
Ông Kaul cho biết sau nhiều năm, cuối cùng Trung Quốc đã bật đèn xanh cho việc nhập khẩu từ nhiều cơ sở của Ấn Độ. Nước này mua gạo không thuộc loại Basmati, chủ yếu để sản xuất mì, rượu gạo và thức ăn gia súc.
Song ông Dorosh lo ngại Ấn Độ sẽ không ngừng áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với mặt hàng chủ lực này. Ông nói: “Tôi lo rằng điều đó có thể gây ra phản ứng dây chuyền khi những quốc gia khác cũng thực hiện biện pháp tương tự để bảo vệ thị trường nội địa của họ”. Indonesia đã tạm thời cấm xuất khẩu dầu cọ vào đầu năm nay, sau khi xung đột tại Ukraine khiến nguồn cung dầu hướng dương bị gián đoạn.
Trong khi đó, sinh viên Akwai cho biết anh thậm chí không muốn nghĩ đến viễn cảnh không có gạo. “Đó là nguồn lương thực thiết yếu của chúng ta trong mỗi bữa ăn”, anh nói đồng thời mô tả gạo là sợi dây gắn kết giữa Ấn Độ và Ghana. Anh nói: “Tôi hy vọng rằng Ấn Độ sẽ không cắt đứt nguồn cung này”.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()